Baray có nguồn gốc từ tiếng Hindi với các tên baudi [bawdi (Rajasthani)], bawri, baoli, bavadi, và bavdi. Trong ngôn ngữ Gujarati và Marwari chúng thường được gọi là vav hoặc vaav (Gujarati). Các tên khác bao gồm kalyani hoặc pushkarani (Kannada), baoli (tiếng Hindi) và barav (tiếng Marathi).
Trong tiếng Anh là stepwells, có nghĩa là “giếng” hoặc “hồ”, có các bậc giật cấp. Các giếng/ hồ này được một con bò đực quay bánh xe nước để nâng nước giếng lên tầng một hoặc tầng hai. Baudi thường phổ biến nhất ở miền Tây Ấn Độ và ở các vùng khô cằn khác của tiểu lục địa Ấn Độ, mở rộng sang cả Pakistan. Các bậc thang dẫn xuống hồ rất tiện dụng, có ý nghĩa trong việc tô điểm cho công trình kiến trúc và là bể chứa trong các ngôi đền Hindu.
Các nhà xây dựng đào hào sâu vào lòng đất cho nước ngầm quanh năm. Họ xếp các bức tường của những con hào này bằng những khối đá, không có vữa và tạo ra những bậc thang dẫn xuống mặt nước. Phần lớn các bậc thang ban đầu còn tồn tại cho đến nay phục vụ cho mục đích giải trí cũng như cung cấp nước. Stepwells cũng được xem là nơi họp mặt của cộng đồng và là nơi diễn ra các lễ nghi tôn giáo. Phụ nữ quan tâm nhiều hơn đến những giếng nước này vì họ là người đi lấy nước, nên đã cầu nguyện và tặng quà cho nữ thần giếng để được ban phước lành.
Stepwells thường bao gồm hai phần: một trục thẳng đứng, từ đó nước được rút ra ở các lối đi ngầm bên dưới, các buồng và các bước cung cấp khả năng tiếp cận giếng. Các phòng trưng bày và các phòng bao quanh các giếng này thường được chạm khắc một cách tỉ mỉ với các chi tiết phức tạp đã trở thành nơi trú ẩn mát mẻ, yên tĩnh trong mùa hè nóng bức.
Ngôi đền Pura Tirta Empul (Bali, Indonesia) ngàn năm tuổi này xây xung quanh một con suối và một hồ nước đặc biệt hình chữ nhật thông qua một lớp trầm tích. Theo truyền thuyết Hindu, trong trận chiến giữa thần Indra và ác ma Mayadanawa, ác ma Mayadanawa đã làm nhiễm độc các dòng sông và làm cho hàng trăm người bị bệnh, nên thần Indra đã tạo ra nguồn nước tinh khiết và thiêng liêng để chữa bệnh cho họ. Từ ngày xây dựng ngôi đền, người dân Bali tới đây đắm mình trong dòng nước thiêng để chữa bệnh và giúp tinh thần thư thái. Đây được xem là 1 trong 7 nguồn nước linh thiêng của thế giới.
- Xem thêm: Húng quế – cây thiêng của Ấn giáo
Baray ở Campuchia
Hồ Baray được tạo ra bằng cách xây đê cao hơn mặt đất để hứng nước mùa lũ. Các con đập được xây cao hơn mặt đất xung quanh nên không cần bơm nước tưới cho đồng ruộng, nên chỉ cần khoét một lỗ hổng trên đê nước sẽ tự chảy vào đồng ruộng theo nguyên tắc “bình thông nhau”. Lượng nước tưới sẽ được bù lại trong mùa mưa. Nhờ vậy người Khmer có thể canh tác 3 vụ mỗi năm.
Đối với kinh thành Angkor, ngoài chức năng thủy lợi, các hồ baray này còn mang lại vẻ đẹp và biểu tượng cho kinh đô, cung cấp nước uống và nước tắm, là một kênh giao thông và cung cấp thủy sản. Ở đất nước Chùa Tháp này, các hồ chứa nước, sông rạch, hệ thống tưới tiêu đều được tôn vinh như sông Hằng ngoài Ấn Độ, coi như nguồn nước thiêng, nên ngoài việc phục vụ đời sống, sản xuất, nó còn dùng để chữa bệnh cho con người với tính chất “linh thiêng”.
Hồ baray đầu tiên là Lolei, được vua Indravarman xây dựng ở thành Roluos (tên khác của Lolei) và hướng chính bắc của Siem Reap (Campuchia). Nhà vua dựng đền thờ trên đồi hay đền núi tên Phnom Bakheng và cho đào hồ chứa nước có tên là Yasodharatatka, nay là hồ baray Đông. Hồ dài hơn 6,5km và rộng hơn 3km, sâu 3m, lớn gấp đôi hồ Lolei, dung tích lên đến 40 triệu m3, đủ nước tưới cho cả một vùng nông nghiệp rộng lớn bao quanh kinh đô.
Hồ barey Tây nằm gần Angkor Wat (Siem Reap, Campuchia) theo hướng đông tây và nằm ngay phía tây thành Angkor Thom (Yacodarâpura), được đào sau barey Đông, có hình chữ nhật, dài 8km, rộng 2,3km, diện tích 140.000 ha, sức chứa từ 42-70 triệu m3 nước, tưới cho khoảng 70.000ha ruộng. Baray Tây được đào sâu 1,5m, bờ đắp cao 3,5m. Bờ đê hướng Đông giáp với ranh giới phía Tây của thành Yacodharapura, đế đô Angkor thứ nhất mà trung tâm điểm là Phnom Bakheng. Đây là hồ nhân tạo lớn nhất ở Campuchia được xây vào nửa sau của thế kỷ 11 dưới thời đế chế Khmer hùng mạnh của vua Suryavarman I và đã được hoàn thành thời vua Udatadityavarman II (1049-1065).
Ở giữa hồ có một hòn đảo nhỏ là đền Mebon Tây, một kiểu với đền Baphuon do vua Rajendravarman (944-968) dựng lên để thờ thần Shiva, nhưng chỉ thờ tượng trưng một linga khổng lồ, bức tượng bằng đồng nổi tiếng này hiện được trưng bày ở Bảo tàng Quốc gia tại Phnom Penh. Hồ baray Đông hiện nay đã cạn nhưng hồ baray Tây vẫn được dùng làm hồ nuôi cá.
Tại Koh Ker, cố đô được vua Jayavarman IV (928-942) dời đô từ Angkor về đây sau khi gây hiềm khích với gia tộc mình. Kinh đô này chỉ tồn tại 24 năm, di tích còn lại là đền Prasat Thom, một tháp hình chóp 7 tầng bị cây cối bao phủ. Đất đai ở đây cũng được tưới tiêu bởi một hồ chứa nước nhưng nhỏ hơn ở Angkor. Hồ baray Rahal nằm ở phía Đông tháp, dài 1.200m, rộng 560m, được dựng từ những tảng đá có sẵn.
Tháp Cheung Ang (Kompong Cham) có một baray kích thước 100x120m, Prasat Preiki cũng có một baray tương tự, kích thước nhỏ hơn. Trước đền thờ thần Mặt trời Phnom Chisor (Takeo) cũng có 1 baray lớn.
Baray được đặt tên cho một huyện thuộc tỉnh Kampong Thom, nằm ở miền trung Campuchia.
Baray ở Nam bộ
Đền Hindu trong văn hóa Óc Eo có loại đền có Ao thần (stepped pond, baray) phía trước đền (đền thần Vishnu Gò Tháp Mười, đền thần Shiva Gò Cây Thị…), loại có Ao thần ngay trung tâm đền với 12 kiến trúc (đền thần Shiva Tây Tháp Linh, đền thần Shiva Gò Đồn…), đền thần dạng ao (Ao thần): trong ao có trụ giới, miếng vàng khắc hình biểu tượng của thần. Các bàu (ao) nước cổ có chức năng chứa nước sinh hoạt và dùng trong các nghi lễ tôn giáo.
Tại Khu Di tích Gò Tháp (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) qua các cuộc khai quật đã tìm thấy 4 kiến trúc dạng Ao thần. Năm 2010, khai quật “tường thành” phía Tây, cách Gò Tháp Mười 30m, các nhà khảo cổ đã phát hiện Ao thần có dạng gần vuông, cạnh Tây dài 122m, cạnh Đông dài 113m, cạnh Bắc dài 98m và cạnh Nam dài 88m, là ao lớn nhất trong số các ao đã phát hiện. Ao được kè bằng gạch vụn và đất sét nhằm cố định bờ tường ao, bờ tường ao xây gạch xếp lớp, đoạn cao nhất còn 12 lớp gạch, không giật cấp nhưng không bằng phẳng mà có một số viên nhô ra. Ao được xây vào khoảng thế kỷ II-III thuộc giai đoạn văn hóa Óc Eo sớm và được nâng cấp sửa chữa vào giai đoạn Óc Eo muộn (thế kỷ VII-XII). Hiện vật tìm thấy ngoài gốm Óc Eo còn có gốm men ngọc niên đại từ thế kỷ II-III cho đến thế kỷ XII, bộ linga – yoni nhỏ. Ao thần này dùng chứa nước sinh hoạt của cư dân Phù Nam ở Gò Tháp.
- Xem thêm: Linh Sơn Thánh Mẫu ở Tây Ninh
Ao thần ở đền thần Shiva Gò Minh Sư được phát hiện năm 2013. Ao có dạng gần vuông, khá nguyên vẹn, được xây bằng cách xếp gạch dạng bậc thang, mỗi hàng giật cấp vào 3-4cm, tổng số lớp là 20, thu nhỏ dần xuống đáy, cạnh Bắc Nam dài 6,4m, cạnh Đông Tây dài 5,8m, sâu 1,9m.
Ao thần ở đền thần Vishnu Gò Tháp Mười được tìm thấy ở phía đông Gò Tháp Mười, chiều dài mỗi cạnh 24m, số bậc thang giật cấp từ 16 đến 26 bậc. Đáy ao nghiêng dần về phía trung tâm ao.
Năm 2016, dấu vết Ao thần thứ tư được phát hiện, nằm ở vị trí phía Đông Ao thần Gò Tháp Mười. Cạnh Bắc Nam của ao dài 5m, cạnh Đông Tây dài 2,5m, sâu 70cm. Ao thần được xây bằng gạch dạng bậc thang, mỗi hàng giật cấp vào 9-10cm.
Năm 1999, các nhà khảo cổ khai quật di tích Gò Cây Thị B thờ thần Mặt trời ở Khu Di tích Óc Eo (huyện Thoại Sơn, An Giang), phát hiện ra Ao thần hình chữ nhật, cạnh Đông Tây dài 6,7m, cạnh Bắc Nam dài 4,4m, sâu 2,45m.
Năm 1998, các nhà khảo cổ phát hiện Ao thần hình giếng vuông, dạng kiến trúc xây bằng gạch nằm dưới một lớp đá hoa cương và cát khá dày ở di tích Linh Sơn Nam (Ba Thê, huyện Thoại Sơn, An Giang), mỗi cạnh dài 2,6-2,65m, sâu trên 2m.
Ao Bà Om thuộc khóm 3, phường 8, thành phố Trà Vinh (trước đây là ấp Tà Cụ, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành). Ao có hình chữ nhật, rộng 300m, dài 500m, vì gần với hình vuông nên còn được gọi là Ao Vuông. Chùa Lò Gạch nằm gần đấy vốn được xây dựng trên một đền thờ Shiva thế kỷ 8.
Di tích Gò Thành (Tiền Giang) cũng có Ao thần trung tâm (ao vuông), có trụ gạch ở giữa, bên trong có các hiện vật bằng vàng.
Ao Vuông ở xã Lộc Giang (huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) là vết tích một cái ao (bàu) lớn của người Khmer, diện tích hơn 1ha, nằm sau Trường Tiểu học An Hòa. Do ao có hình vuông nên gọi là Ao Vuông. Tại đây còn tìm thấy gạch Óc Eo. Bàu Vuông thuộc địa bàn xã Tân Hưng (huyện Tân Châu, Tây Ninh), cách thị trấn Dương Minh Châu 10km, rộng 1 ha, là hồ nước nay đã cạn, mùa nắng người dân trồng khoai mì, mùa mưa trồng lúa.
Trước tháp Chót Mạt (huyện Tân Biên, Tây Ninh) cũng còn dấu vết của một bàu nước hình chữ nhật, dài 85m, rộng 57m, có bờ đất bao bọc bên ngoài. Bàu đào theo hình bậc thang, có dạng 3 hình chữ nhật lồng vào nhau, ở giữa có dấu vết của một đường tròn. Bàu này được nối liền với gò tháp bằng con đường đất rộng 7m, dài 32m, tạo thành một bình diện kiến trúc đền tháp hoàn chỉnh.
- Xem thêm: Linh Sơn Thánh Mẫu ở Tây Ninh
Bàu Thành cách đình thần Long Điền (khu phố Long Phượng, huyện Long Điền, Bà Rịa Vũng Tàu) 50m về hướng Đông. Đây là một hồ nước nhân tạo, chu vi rộng 600m, đắp đất thành vồng bao chung quanh cao tới 5m. Dân địa phương gọi đây là Bàu Thành vì ở gần thành lũy xưa, trước đây còn có tên là “Dục Tượng trì” (ao tắm voi), được Trịnh Hoài Đức chép trong sách Gia Định thành thông chí. Thời Pháp, ở đây có dựng bảng là “Mare aux éléphants” (Bàu Voi). Ở phía Đông Bắc của bàu còn dấu tích của một cửa nước, cửa này dẫn nước từ suối Ngang là một nhánh của suối Đá Nghệ về bàu. Hiện tại, nước trong bàu sâu khoảng 1m, vào mùa mưa nước sâu khoảng 3-4m, trong bàu người dân đã trồng sen. Truyền thuyết lưu truyền trong dân gian kể rằng vua nước Chân Lạp dùng Bàu Thành làm nơi cho voi tắm và uống nước.
Như vậy, baudi là một thuật ngữ có nguồn gốc từ tiếng Hindi, trong tiếng Khmer là baray / bârây, ở Nam Bộ là bàu (Ao thần), dùng để chỉ một loại hình kiến trúc quan trọng đó là các hồ / giếng nước thiêng ở các đền thờ Hindu, vừa có chức năng sinh hoạt và thực hiện các nghi lễ tôn giáo.