Tài sản thường được nghĩ đến là vật chất, của cải, tiền bạc. Nhưng sống giữa tâm dịch, với một tâm thế khác, những tài sản được cho là quý nhất cũng khác.
Chỉ trong 2 tuần, từ 3 ca nhiễm được phát hiện tại Bệnh viện nhân dân Gia Định, Covid-19 đã lây lan ra 21/22 quận huyện TP.HCM. Trong đó chuỗi lây nhiễm từ Hội thánh truyền giáo Phục Hưng có trụ sở hoạt động đặt tại quận Gò Vấp diễn biến đầy phức tạp với phần lớn ca lây nhiễm bắt nguồn từ Hội này.
Cả thành phố HCM phải thực hiện giãn cách xã hội 15 ngày, từ ngày 31/05/2021. Phòng dịch là nhiệm vụ trọng tâm. Nhưng làm sao để phòng dịch mà doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất, đảm bảo đời sống cho đội ngũ nhân viên? Thách thức này đặt ra cho người lãnh đạo doanh nghiệp không hề nhỏ.
Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn đặc biệt qua điện thoại với chị Như Ngọc – CEO Wemay Uniform, một doanh nghiệp tại quận Gò Vấp, để tìm hiểu về những giải pháp ứng biến của doanh nghiệp trong giai đoạn đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đang trong vùng tâm dịch và thực hiện giãn cách, những hoạt động sản xuất tại doanh nghiệp của chị cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Nhưng suốt hơn 1 giờ đồng hồ trò chuyện, vị CEO trẻ này luôn đầy niềm tin, lạc quan và hướng đến nhiều giải pháp. Trong đó, để có thể ứng biến, vượt qua đại dịch, chị nhấn mạnh có những “tài sản” đặc biệt cần phải có.
“Tài sản quan trọng nhất cần giữ vững để vượt qua đại dịch là tinh thần lạc quan, nhân sự sát cánh và sự trung thực trong mọi hành động.”
– CEO Wemay Uniform –
____Trong hoàn cảnh đối diện với một vấn đề chưa từng xảy ra, hẳn sẽ không tránh khỏi lo lắng. Vậy đâu là điểm tựa để chị có thể vượt qua?
Trước biến cố, đúng là không thể tránh khỏi những phút bất an, lo lắng. Đặc biệt là giữa tình hình dịch bệnh diễn biến đầy phức tạp như hiện nay. Nhưng những lúc như thế này, bản thân tôi nghĩ thứ tài sản trước nhất mình cần có và phải có là tài sản về tinh thần. Đó chính là sự lạc quan. Từ sự lạc quan mới có được sự bình tĩnh, chủ động ứng biến trước những biến cố. Như hiện tại là đối với dịch bệnh.
____Đó là tâm thế của chị, nhưng phút ban đầu khi đối diện với thực tế, nghe tin rất nóng và tìm ra cách giải quyết vấn đề, thì không chỉ là câu chuyện lạc quan?
Đúng là như vậy. Thực tế trong hoàn cảnh thông tin dịch bùng phát mạnh và Gò Vấp phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 theo nguyên tắc: “gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố, khu phố cách ly với khu phố, phường cách ly với phường”, ban đầu người dân cũng khá bối rối. Bởi không biết là sẽ cách ly tuyệt đối tại nhà hay thực hiện giãn cách? Các tuyến đường nào có chốt chặn? Nếu chặn thì sẽ chặn những ai? Cần những giấy tờ gì cho việc ra – vào khu vực này?…
Tôi cũng không tránh khỏi những bối rối đó. Nhưng việc quan trọng lúc đó là xác định rõ bản thân doanh nghiệp của chúng tôi thuộc đối tượng nào để xử lý. Sau khi nghiên cứu kỹ Chỉ thị, chúng tôi thuộc diện tự chịu trách nhiệm giãn cách an toàn tại doanh nghiệp. Từ đó, chúng tôi nhanh chóng áp dụng các biện pháp phòng chống dịch cho sản xuất.
____Vậy khi thuộc diện tự chịu trách nhiệm giãn cách an toàn tại doanh nghiệp, giữa cơn sốt Covid tới, tôi được biết nhiều doanh nghiệp đều hướng tới Work From Home (làm việc tại nhà), họ phân chia nhân sự làm việc theo nhóm như theo cấp bậc ưu tiên hay theo nhóm… Còn tại doanh nghiệp của chị, việc bố trí, sắp xếp thế nào? Có gặp trở ngại nào không?
Ở doanh nghiệp đặc thù về sản xuất may mặc như doanh nghiệp chúng tôi, chúng tôi có ba nhóm. Ngoài nhóm văn phòng, còn là nhóm sản xuất và nhóm giao nhận hàng hóa. Trước tiên, cả ba nhóm đều làm việc tuân thủ theo nguyên tắc phòng chống dịch 5K.
Mỗi nhóm có đặc tính làm việc khác nhau, nên để đảm bảo công tác phòng dịch, chúng tôi cũng làm việc tại nhà, nhưng ở một số bộ phận nhất định. Ví dụ: ở tổ may mặc có đặc tính riêng, đó là mỗi nhân sự sẽ cố định phụ trách chuyên một công đoạn gắn với một loại máy móc. Dựa vào đặc điểm này, chúng tôi hoàn toàn có thể tách chuyền, phân bổ cho mượn máy móc để nhân sự làm việc tại nhà.
Khi sắp xếp nhân sự tổ may làm việc tại nhà, thì chúng tôi cũng có cái khó, nằm ở bộ phận điều hành, quản lý sản xuất. Nhóm quản lý sản xuất cần phải biết phân bổ công đoạn, dự tính năng suất, tính toán thời gian để điều phối bộ phận giao hàng, tối thiểu thời gian trống, chờ giữa các công đoạn. Dù khó, chúng tôi cũng đang tích cực xử lý và vẫn phải sắp xếp ưu tiên cho việc đảm bảo công tác phòng dịch.
____Chị cũng thấy là tình hình dịch bệnh phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh, sản xuất của các doanh nghiệp. Thực tế, đã có không ít công ty đã phải đóng cửa, hoặc cắt giảm nhân sự. Khi doanh nghiệp đang ở giữa tâm dịch Gò Vấp, chị nghĩ gì về điều này?
Tôi luôn tâm niệm nhân sự là tài sản của doanh nghiệp. Qua 4 đợt dịch, các anh chị em công nhân giờ đây còn gắn bó với chúng tôi là những nhân sự ngoài pham vi công việc còn có cái tình. Chúng tôi đã cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn và hiểu được giá trị của sự gắn bó.
Trong công ty tôi có một chị công nhân đang mang thai và một mình chị xoay sở ở thành phố này. Từ đợt dịch trước, chồng chị không tìm được việc ở TP.HCM nên phải ra Đà Nẵng làm thợ hồ, kiếm thêm thu nhập lo cho tương lai. Nhiều trường hợp khác, nhân sự trong công ty đang là lao động chính trong gia đình. Là người lãnh đạo, tôi rất hiểu những khó khăn, áp lực mà họ đang phải đối mặt.
Nhưng hơn cả, họ là những người thợ rất lành nghề. Tôi nhận thấy người công nhân may Việt Nam với đức tính cần cù, chịu khó học hỏi, những sản phẩm họ làm ra ngày càng chất lượng, đẹp hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao hơn. Ngành dệt may Việt Nam cũng đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn từ các Hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết. Đặc biệt là tiềm năng mở rộng xuất khẩu đến các thị trường lớn trên thế giới. Nên dù hiện tại có nhiều khó khăn, tôi luôn tin là cơ hội đang ở phía trước. Trong “nguy” thì sẽ có “cơ”.
Vậy nên khi đứng trước thách thức hiện tại, chúng tôi vẫn ưu tiên hàng đầu mục tiêu tìm những giải pháp, sáng kiến để tạo việc làm, thu nhập cho nhân sự. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tận dụng thế mạnh trong lĩnh vực may mặc của mình tiến hành may áo chống sốc nhiệt chi viện cho tuyến đầu chống dịch. Cuối tuần này sẽ có 300 áo được chi viện cho 2 vùng tâm dịch là Bắc Giang và Bắc Ninh. Là người dân Việt Nam, mong muốn lớn nhất của chúng tôi hiện giờ vẫn là câu chuyện dịch bệnh nhanh qua.
____Để có thể vượt qua đại dịch, nếu chỉ dùng 1 từ, thì chị nghĩ đến từ gì?
Tôi nghĩ đó là sự trung thực.
Ở giữa tâm dịch, tôi lại càng thấm thía hơn giá trị của từ này.
Nếu có một ai trong trường hợp bị nghi nhiễm, cách đóng góp duy nhất của họ là sự trung thực để các cán bộ khoanh vùng và ngăn chặn kịp thời. Mọi người đều trung thực thì sẽ giúp công tác truy vết dễ dàng hơn.
Sự trung thực nó lại càng có ý nghĩa rất lớn đối với việc vận hành và phát triển một doanh nghiệp. Nội bộ công ty trung thực sẽ tạo niềm tin và gắn kết. Sự minh bạch, trung thực cũng chính là chìa khóa để phát triển mối quan hệ bền vững với đối tác, khách hàng.
Trung thực là một tài sản mà tôi nghĩ ai cũng có và cần phải có trong cuộc sống, đặc biệt là trong giai đoạn cần nâng cao ý thức như hiện nay.
____Cám ơn những chia sẻ ý nghĩa của chị. Chúc chị và các cộng sự sẽ có những bước tiến xa hơn nữa trong tương lai!
Cuộc phỏng vấn nhanh với chủ đề “tài sản” quý nhất của doanh nghiệp giữa tâm dịch Gò Vấp, khiến cho chúng tôi suy nghĩ nhiều về sự “giàu có” của chị. Là “tài sản” tinh thần với sự lạc quan. Là “tài sản” về con người với sự gắn bó, đồng cam, cộng khổ của nhân sự. Là “tài sản” về ý thức, đó là sự trung thực, minh bạch. Những “tài sản” không phải được định lượng bằng các con số mà nó là tâm thế, là suy ngẫm đầy nhân văn của một lãnh đạo doanh nghiệp. “Tài sản” đó, trong cuộc sống này, chúng tôi nghĩ ai cũng cần và càng cần phấn đấu để có.