Một trong những xứ sở châu Á đang được quan tâm về tình trạng các thiếu niên tự tìm đến cái chết là Ấn Độ. Nguyên nhân chính khiến họ có những hành vi đáng tiếc đó thường là nạn cưỡng dâm, một trong những loại tội phạm khá phổ biến trong xã hội Ấn Độ. Tại đất nước này, gần nửa tỉ người không có được những phương tiện vệ sinh tối thiểu tại nhà, việc tìm đến các nhà vệ sinh công cộng vào ban đêm thường khiến các thiếu nữ vị thành niên trở thành nạn nhân của bọn tội phạm tình dục. Tuy nhiên, đó không phải là nguyên nhân duy nhất của tệ nạn này. Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân sâu xa khác, đáng kể nhất là sức ép gia đình trong mối quan hệ của con cái với xã hội bên ngoài. Quan niệm cổ hủ trong gia đình cùng những bất trắc ngoài xã hội đã khiến nhiều thiếu nữ Ấn Độ quyên sinh, coi như đó là phương cách giải thoát cuối cùng.
Tại các đảo quốc nằm trong khu vực Thái Bình Dương, tỷ lệ số người tự tử lên đến 30/100 ngàn người ở các đảo Samoa, Guam và Micronesia, gấp đôi mức trung bình của cả thế giới. Điều đáng nói là ở các đảo quốc này, khoảng 54% cư dân là những thanh thiếu niên dưới 24 tuổi, và theo Văn phòng Cộng đồng Thái Bình Dương (SPC), độ tuổi 15-29 tuổi có nguy cơ tự tử cao nhất. Theo những kết quả thống kê vào thập niên qua, hằng năm tại khu vực Thái Bình Dương có đến 331 ngàn trường hợp tự tử, chiếm 38% tổng số vụ tự tử trên toàn thế giới. Tổ chức phi chính phủ Foundation of the Peoples of the South Pacific International cho rằng một trong những nguyên nhân chính của nạn tự tử trong giới thiếu niên tại khu vực này là sự xung đột giữa các thế hệ khi lối sống mới cổ xúy cho tự do cá nhân của giới trẻ gặp phải sự chống đối, ngăn cản của những thế hệ đi trước. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế khó khăn, tiêu biểu là nạn thất nghiệp, nạn bỏ học cũng góp phần đẩy những người trẻ vào tâm trạng dồn nén, trầm cảm, không lối thoát. Tại đảo quốc Papua New Guinea, mỗi năm có 80 ngàn thanh thiếu niên bỏ học, nhưng chỉ có 10 ngàn em tìm được việc làm để mưu sinh. Riêng đảo quốc Solomon, số người thất nghiệp trong giới trẻ chiếm đến 45%, là một gánh nặng khó đỡ đối với chính quyền và các cơ quan xã hội trong nước. Hẳn nhiên biện pháp tốt nhất giúp giải quyết tình trạng tự tử ở giới trẻ là ngăn chặn nguyên nhân tạo ra chúng. Điều này đòi hỏi sự nhập cuộc và phối hợp có hiệu quả của chính phủ các nước sở tại cùng các tổ chức xã hội, nhân đạo trên toàn thế giới, một việc làm đôi khi vượt quá khả năng, trong điều kiện cả thế giới đang phải đương đầu với nhiều biến động chính trị và kinh tế khẩn cấp hơn bao giờ hết.
Minh Chiếm tổng hợp (DNSGCT)