Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã chính thức được bán với số tiền lên đến gần 110.000 tỉ đồng vào những ngày cuối cùng của năm 2017, được xem là thương vụ nổi đình nổi đám nhất với sự vào cuộc chỉ đạo tích cực của Chính phủ trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn thời gian qua.
Tối 18-12, Bộ Công thương đã thông báo kết quả tổ chức bán đấu giá cạnh tranh 343,66 triệu cổ phiếu của Sabeco, tương đương 53,59% vốn điều lệ. Phiên đấu giá diễn ra đầu giờ chiều với hai nhà đầu tư gồm một cá nhân và một tổ chức. Cuối cùng, đa số cổ phần chào bán của Sabeco đã thuộc về Beverage Việt Nam.
Vietnam Beverage thuộc sở hữu 100% của Công ty cổ phần Đầu tư F&B Alliance Việt Nam. Trong khi đó, F&B Alliance Việt Nam lại được nắm giữ gián tiếp 49% bởi Beer Company Limited do Thai Beverage (Thai Bev) sở hữu 100% có trụ sở tại Hongkong.
Ngày 18-12, Vietnam Beverage đấu giá thành công hơn 343 triệu cổ phiếu Sabeco, tương đương khoảng 53,59% cổ phần với giá 320.000 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị thương vụ tương đương 4,8 tỉ USD.
Thai Bev đánh giá Sabeco, với lịch sử hơn 140 năm, sở hữu tài sản hấp dẫn với các thương hiệu nổi tiếng như Saigon Beer và 333 Beer. Sabeco đang nắm giữ thị phần lớn nhất trên thị trường bia Việt Nam. Đây cũng là một trong những hãng bia hàng đầu tại Việt Nam và ASEAN. Ngoài ra, Thai Bev khẳng định Sabeco là công ty có kết quả kinh doanh tốt với tiềm năng phát triển lớn.
Về phía chúng ta, thu được khoản tiền lớn như trên, ngân sách nhà nước hiển nhiên được hưởng lợi và cũng sẽ có lời nhờ thuế doanh nghiệp tăng cao khi doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Đó là chưa kể tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước này sẽ giúp xóa bỏ được những cái “bắt tay” của các nhóm lợi ích làm thất thoát tài sản nhà nước.
Nhận xét về thương vụ này, Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, cho biết: “Kết quả của việc bán cổ phần Sabeco vừa qua khẳng định Việt Nam chơi thật, góp phần tạo thêm niềm tin cho thị trường vào câu chuyện cải cách ở Việt Nam. Đây là thương vụ rất lớn. Nó cũng thể hiện nâng cao được tính minh bạch cho sự lựa chọn của các nhà đầu tư kể cả nhà đầu tư nước ngoài”.
Bên cạnh đó, việc lợi nhuận doanh nghiệp gắn với lợi ích tư nhân sẽ tạo ra động lực tăng sức cạnh tranh bằng cách cải thiện chất lượng sản phẩm hay nâng cao hiệu quả quản lý tài chính. Nguồn vốn mới đổ vào cùng những chiến lược kinh doanh mới được kỳ vọng sẽ giúp Sabeco gặt hái thêm nhiều thành công trong nước và thậm chí ở tầm quốc tế.
Theo chuyên gia này, điều quan trọng hơn là tư duy của chúng ta về vai trò của Nhà nước ở những lĩnh vực thị trường đã thật sự thay đổi. Tư nhân làm tốt hơn thì cứ để họ làm.
Thế nhưng chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lại có góc nhìn khác khi chia sẻ rất thẳng thắn về việc thoái vốn này mà theo bà đây là một cảnh báo về việc người Thái đang “gặm nhấm” thị trường Việt, cùng nỗi lo bị thâu tóm từ hệ thống bán lẻ đến các lĩnh vực sản xuất khác ở Việt Nam.
Bà nói: “Tôi nghĩ rằng cần làm sáng tỏ câu chuyện này để giải đáp cho dư luận chu kỳ tăng giá trên là sao và tìm câu trả lời thỏa đáng. Một số nhà đầu tư nước ngoài mua lại doanh nghiệp, thương hiệu Việt không phải để duy trì và phát triển thương hiệu đó mà họ mua lấy thị phần. Trước đó chúng ta đã từng nuôi các doanh nghiệp này với nhiều ưu đãi. Giờ đây, nếu bán đi, chúng ta phải đặt vấn đề bán như thế nào? Chúng ta đã ưu đãi, cho đặc quyền bao nhiêu năm giờ bán phải bán với mức giá tốt nhất, chứ không phải bán là xong”.
Sau thương vụ này Nhà nước vẫn giữ được 36% cổ phần tại Sabeco. Theo các chuyên gia kinh tế, khi sở hữu 36% cổ phần, tức là sở hữu 1/3 vốn của công ty. Điều này có nghĩa là khi không có sự đồng thuận của cổ đông nắm giữ 36% cổ phần, Đại hội cổ đông sẽ không thể thông qua bất kỳ một quyết định nào.
Việc một số thông tin cho rằng chúng ta đã “mất quyền kiểm soát tại một tổng công ty lớn, kinh doanh hiệu quả như Sabeco” là không đúng vì chưa hiểu hết bản chất của cổ phần hóa cũng như không nắm rõ Luật.
Với việc thay đổi tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Sabeco, nhiều khả năng chủ tịch Sabeco trong tương lai sẽ do người Thái Lan chỉ định, còn cương vị tổng giám đốc sẽ do Bộ Công thương – đại diện sở hữu vốn 36% – chỉ định.
Theo quy định tại khoản 3, Điều 104, Luật Doanh nghiệp, đối với một số vấn đề như tăng vốn; sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty; tổ chức lại, giải thể công ty; đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị từ 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất thì phải được ít nhất 75% tổng số phiếu biểu quyết chấp thuận. Quy định này đã gián tiếp trao quyền phủ quyết nhiều vấn đề cho cổ đông sở hữu tối thiểu 26% và 36% cổ phần phổ thông của một công ty.
Trong một diễn biến liên quan, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 126 về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2018, trong đó có quy định “tháo gỡ khó khăn để dễ thực hiện, và thắt chặt nhằm ngăn chặn thất thoát vốn nhà nước” là hai nội dung được thể hiện rõ nét. Đáng chú ý là các quy định giúp chủ sở hữu, doanh nghiệp không còn lo bị trì hoãn hoặc để xin ý kiến hoặc vì cơ chế chưa thông.
Dù nghị định lần này được sửa theo hướng trao quyền chủ động cho các chủ sở hữu, doanh nghiệp, nhưng cũng có một số quy định đảm bảo chặt chẽ hơn nhằm hạn chế thất thoát vốn nhà nước.
Trước tiên là về tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp vẫn gây lo ngại lâu nay do định giá không sát hoặc kéo dài thời gian thực hiện. Nghị định lần này bổ sung quy định đối với các tổ chức tư vấn nước ngoài sẽ tham gia cung cấp dịch vụ liên quan đến cổ phần hóa. Theo đó, các tổ chức tư vấn nước ngoài phải là tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực thẩm định giá, kiểm toán, kế toán, tư vấn tài chính, tư vấn chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp theo pháp luật tại nước đặt trụ sở chính; có uy tín, năng lực, thương hiệu. Tổ chức này phải có ít nhất năm năm kinh nghiệm về một trong các lĩnh vực: thẩm định giá, kiểm toán, kế toán, tư vấn tài chính, tư vấn chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp được phép cung cấp các hoạt động dịch vụ kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, tư vấn chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp… Đồng thời, có hợp đồng hợp tác liên doanh với các tổ chức định giá trong nước đủ tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó, nghị định quy định rõ tổ chức tư vấn định giá độc lập chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả xác định giá trị doanh nghiệp, phải bồi thường thiệt hại do vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện dịch vụ tư vấn định giá hoặc bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Về xác định giá trị tài sản vô hình, theo quy định hiện hành giá trị tài sản vô hình (nếu có, trừ giá trị quyền sử dụng đất) được xác định theo giá trị còn lại đang hạch toán trên sổ kế toán.
Ngoài các giải pháp tháo gỡ nói trên, Nghị định 126 cũng bổ sung một số quy định như cho phép sử dụng phương pháp “dựng sổ” nhằm đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước từ năm 2018. Đồng thời, đưa ra nhiều điều kiện và các phương thức để đẩy nhanh cổ phần nhưng vẫn đảm bảo không thất thoát vốn nhà nước.