Dù chỉ mới chính thức xuất hiện ở khoảng 30 quốc gia, nhưng Pokémon Go, trò chơi đình đám do Niantic, công ty Pokémon và Nintendo phát triển đã liên tiếp tạo ra hàng loạt kỷ lục khác nhau. Cụ thể, ngay trong tuần đầu tiên ra mắt, Pokémon Go đã giúp giá trị chứng khoán của Công ty Nintendo tăng lên 9 tỉ USD.
Và ba tuần sau khi xuất hiện, Pokémon Go đã có tới 75 triệu lượt tải về, số lượt tải về bằng với dân số của tám nước là Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Bỉ, Cuba, Hà Lan, Phần Lan và Đan Mạch cộng lại. Chưa dừng lại ở đó, tính riêng ở Mỹ, Pokémon Go có trung bình 25 triệu người chơi mỗi ngày. Trò chơi cũng vì thế mang về cho những nhà phát triển game số tiền 200 triệu USD ngay trong tháng đầu tiên.
Ở Việt Nam, dù chỉ mới ra mắt chưa lâu, nhưng sức hút của Pokémon Go cũng đã vô cùng lớn. Việc ngày càng nhiều “hội” chơi Pokémon Go “tụ tập” thâu đêm suốt sáng ở các công viên như công viên Gia Định, công viên 23 tháng 9, phố đi bộ Nguyễn Huệ… các vụ việc vừa chạy xe vừa “bắt” Pokémon, vi phạm luật giao thông do mải chơi game… đã không còn quá xa lạ nữa.
Đứng trên góc độ doanh nghiệp, sự thành công vô cùng nhanh chóng này của Pokémon Go cũng đã tạo ra một nguồn động lực lớn cho giới start up và giới doanh nhân trên toàn thế giới.
Dưới đây là ba bài học chúng ta có thể đúc kết từ thành công đó của Pokémon Go:
1. Có được một nền tảng vững chắc, một câu chuyện truyền cảm hứng
Sở dĩ Pokémon Go đạt được thành công nhanh chóng như vậy, là bởi nó đã có sẵn cho mình một nền tảng vô cùng vững chắc, đó chính là thương hiệu Pokémon. Pokémon là tên của loạt trò chơi điện tử cũng như phim hoạt hình, truyện tranh… đình đám được giới thiệu từ năm 1996 ở Nhật Bản.
Sự ăn khách của các tựa game, truyện và phim hoạt hình Pokémon sau đó đã lan rộng ra khắp thế giới. Gần như trẻ em ở độ tuổi từ 6-15 đều không xa lạ gì với các nhân vật trong truyện hay trong phim Pokémon (loạt phim hoạt hình Pokémon từng xuất hiện ở Việt Nam vào đầu những năm 2000, còn có tên gọi khác là Bảo bối thần kỳ và đến nay vẫn tiếp tục được chiếu).
Có được một câu chuyện, một chỗ đứng trong ký ức khán giả như vậy, Pokémon đã không mất quá nhiều chi phí để marketing cho trò chơi của mình, bởi người dùng đã quá quen với màu sắc, nhân vật, cốt truyện và với những kỷ niệm mà Pokémon từng mang lại.
Tạo ra câu chuyện cho thương hiệu, cho công ty, cho sản phẩm vì vậy chính là cách dễ dàng và hữu hiệu nhất để giúp doanh nghiệp chiếm lấy tâm trí của khách hàng. Hollywood cũng rất nhiều lần dùng cách này, khi họ thường xuyên sản xuất những bộ phim bom tấn, những bộ phim được chuyển thể từ những tác phẩm nổi tiếng, những quyển sách “bán chạy” nhưHarry Potter, Chạng vạng, Chúa tể của những chiếc nhẫn…
2. Tương tác với khách hàng
Pokémon Go khiến người chơi phải không ngừng di chuyển, đi lại, khiến họ không ngừng tương tác qua lại với các khung cảnh khác nhau cùng những bạn đồng hành để hoàn thành các nhiệm vụ trong game.
- Xem thêm: Phim Disney và bài học marketing vô giá
John Hanke, Giám đốc điều hành của Niantic, người được xem là cha đẻ của Pokémon Go, đã nhận định, sự thành công của game phần lớn là bởi nó đã khiến người chơi phải dành nhiều thời gian bên nhau hơn. Họ sẽ phải cùng nhau phiêu lưu, cùng nhau chiến đấu, cùng nhau hòa mình vào trong game, chứ không phải chỉ giam mình trong phòng như các trò chơi điện tử khác. Họ sẽ phải liên tục tương tác “360 độ” với mọi thứ xung quanh.
Tăng độ tương tác là một giải pháp nữa mà doanh nghiệp có thể sử dụng để tạo ra cơ hội, tạo ra dấu ấn cho khách hàng, khiến người tiêu dùng gần gũi hơn và gắn bó hơn với thương hiệu.
3. Nắm bắt được xu hướng công nghệ: Đi theo sự phát triển của smartphone
Trong nghiên cứu mới đây của công ty nghiên cứu thị trường CIMIGO Vietnam về “Xu hướng thị trường người tiêu dùng tại Việt Nam năm 2016”, thì có đến 9 trên 10 người dùng tại thành thị truy cập internet bằng điện thoại di động.
Cụ thể hơn, 74% là tỷ lệ người truy cập internet bằng các thiết bị di động tại nhà, tại nơi công cộng là 84%, còn ở nơi làm việc thì chiếm khoảng 40%. Nếu năm 2012, chỉ 18% trong tổng số 16 triệu chiếc điện thoại được bán ra là smartphone (tức chỉ gần 2,9 triệu chiếc) thì tính tới tháng 10-2015, riêng số smartphone bán ra đã chạm mốc 25 triệu chiếc.
Sự phát triển của smartphone ở thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vì vậy đã tạo ra một xu hướng mới trong cách nghe nhìn của người dùng, khi khách hàng ngày nay có thể thỏa mãn mọi nhu cầu giải trí, thông tin… chỉ bằng một chiếc điện thoại. Không quá khi nói rằng, thế giới của chúng ta đang được tích hợp hết trong một chiếc điện thoại.
Pokémon Go đã nắm bắt được xu hướng này, khi tạo ra một trò chơi được tối ưu hoàn hảo cho hầu hết điện thoại smartphone, cụ thể là những chiếc điện thoại sử dụng hệ điều hành phổ biến nhất hiện nay, hệ điều hành Android và iOS.
Nắm bắt xu hướng và ứng dụng công nghệ, như “xu hướng smartphone”, chính là cách giúp doanh nghiệp vừa tạo ra lợi thế cạnh tranh cho mình, vừa tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn, đặc biệt trong một thế giới công nghệ đang không ngừng thay đổi và phát triển như ngày nay.