Có lẽ dư luận còn chưa hết bàng hoàng khi nghe tin sáng 24-2, một đoàn người đưa tang đang qua cầu treo nối bản Chu Va 8 với Chu Va 6 (xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) thì bất ngờ cáp giữ cầu bị đứt khiến hơn 40 người rơi xuống suối, tám người chết và 33 người khác bị thương, trong đó hơn chục người bị thương rất nặng.
Theo báo cáo ban đầu của tổ công tác kỹ thuật, nguyên nhân trực tiếp gây sự cố là do đứt ốc neo cáp tại đầu neo cáp ở đầu cầu hướng bản Chu Va 8, phía thượng lưu cầu, khiến cáp chủ thượng lưu mất khả năng chịu lực, gây lật mặt cầu, hất người trên cầu xuống sông. Kết luận ban đầu của Bộ Giao thông Vận tải cho rằng công trình cầu Chu Va không đạt chất lượng thi công. Điều đáng nói là cây cầu treo này được khởi công xây dựng tháng 8-2012 và được đưa vào khai thác mới chỉ từ tháng 12-2012! Chủ đầu tư là UBND huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Tư vấn thiết kế là Công ty TNHH Tư vấn công nghiệp Lào Cai. Nhà thầu thi công là Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Ký Hoa. Ngày 28-2, trả lời phỏng vấn của BBC, ông John Nielsen – Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam xác nhận một phần tiền của quỹ Danida đã được dùng cho dự án xây cầu Chu Va 6, còn toàn bộ các khâu sau đó là do Việt Nam tự tiến hành.
Ốc neo cáp chính của cầu được thiết kế như một cấu kiện chia sẻ lực căng của cáp chủ do tất cả tải trọng tác dụng lên cầu. Một cấu kiện quan trọng như vậy cho một cầu phục vụ dân sinh khu vực theo quy định theo tiêu chuẩn ngành phải được giám sát, nghiệm thu chất lượng trước khi đưa vào công trường (gồm các chứng chỉ kỹ thuật xuất xưởng, chứng chỉ xác nhận chủng loại và chất lượng vật liệu cấu kiện do nơi sản xuất cấp; các phiếu kiểm tra chất lượng vật liệu, cấu kiện do một tổ chức chuyên môn về khoa học có tư cách pháp nhân sử dụng phòng thí nghiệm hợp chuẩn thực hiện). Ai ngờ, chính Bộ trưởng Giao thông Vận tải trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra vào ngày 28-2 cho biết cầu treo Chu Va bị đứt được xác định là do ốc neo cáp đã được… hàn nối thay vì đúc nguyên khối! Bộ trưởng Đinh La Thăng còn khẳng định: “Gãy là do làm ẩu chứ nếu thi công đúng như thiết kế thì cầu này có thể chịu được hàng chục người đi qua cùng một lúc”.
Nếu nhà thầu có lương tâm, nếu các nhà quản lý chất lượng thực hiện đúng trách nhiệm và tuân thủ luật pháp, tuân thủ các quy định tiêu chuẩn ngành, tiêu chuẩn quốc gia thì trường hợp sập cầu treo như trên đã không xảy ra. Rõ ràng, cơ quan đại diện Nhà nước quản lý xây dựng cầu Chu Va 6 đã bỏ qua quy định, quy trình về xây dựng cơ bản hoặc thông đồng, hợp thức hóa các chứng chỉ kiểm tra chất lượng của phòng thí nghiệm hợp chuẩn. Sự cố sập cầu treo Chu Va 6 gây thiệt hại lớn về người cho thấy công tác quản lý đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng xây dựng, rồi công tác quản lý, bảo trì trong quá trình khai thác ở nhiều công trình tương tự còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng công trình, tạo nên những nguy cơ thiệt hại khó lường về người và của, ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
Ngay sau khi xảy ra tai nạn trên, Bộ trưởng Xây dựng đã ký công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải và UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu phối hợp kiểm tra, rà soát hệ thống cầu treo giao thông trên phạm vi toàn quốc. Đã và đang còn nhiều công trình được xây dựng, áp dụng quy trình, tiêu chuẩn theo nguyên bản của cầu Chu Va 6, nhất là những dự án thuộc cấp huyện quản lý và tổ chức xây dựng. Vì thế, việc kiểm tra cầu theo đề xuất của Bộ Xây dựng cần làm triệt để và khẩn trương. Đồng thời, hiện tượng bán chứng chỉ bằng giấy A4 có dấu LAS (con dấu xác nhận của một phòng thí nghiệm đạt chuẩn) của các đơn vị thí nghiệm, kiểm định chất lượng để hợp thức hóa hồ sơ chất lượng dự án các công trình phải được chặn đứng!
Nguyễn Thắng