Trên hành trình kiếm tìm sự tự do tài chính của mỗi người, có những thời điểm được xem là bước ngoặt, vì khi ấy, mục tiêu, kế hoạch, thậm chí là cách nhìn cuộc sống của bạn có thể thay đổi hoàn toàn.
Trả lời phỏng vấn mới đây trên tờ Business Insider, chuyên gia tài chính cá nhân người Mỹ, Pedro Silva, cho biết rằng đa số khách hàng của ông đều thay đổi kế hoạch tài chính cá nhân của mình ít nhất là ba lần, gắn với ba thời điểm bước ngoặt trong cuộc đời họ.
“Khi khách hàng của tôi bước tới những thời điểm bước ngoặt này, tôi luôn khuyên họ là hãy dừng lại, bước lùi một bước để xem bức tranh toàn cảnh cuộc đời mình. Xem những gì họ đã làm được cũng như những dự định trong tương lai gần. Sau đó, cảm nhận sự thay đổi để bổ sung hoặc loại bớt những mục tiêu hay điểm chủ chốt trong kế hoạch của mình, để phù hợp nhất với tình hình sắp tới”, Pedro Silva cho biết.
Bước ngoặt 1: Hôn nhân
“Mọi thứ thay đổi khi bạn kết hôn. Nếu đó là lần kết hôn đầu tiên, thì còn có thể tạo ra một cú sốc lớn không chỉ về tiền bạc, mà còn về tâm lý, suy nghĩ và mục tiêu cuộc đời của bạn”.
Pedro Silva tin rằng, có ba việc mà chúng ta cần đặc biệt quan tâm khi bước vào giai đoạn bước ngoặt mang tên hôn nhân. Thứ nhất, là mục tiêu cuộc sống của bạn và người bạn đời của bạn. Thứ hai là cách bạn và bạn đời đối xử với tiền bạc của nhau. Cuối cùng là mức độ ưu tiên cho những vấn đề gặp phải trong cuộc sống của cả hai.
“Tình yêu không như những phép toán tài chính. Nó rất khó hiểu và rất khó cho những chuyên gia có thể đưa ra lời khuyên phù hợp. Vì thế, khi khách hàng của tôi bước tới giai đoạn bước ngoặt này, tôi thường khuyên họ hãy thật tỉnh táo và thật thẳng thắn với bạn đời của họ ngay từ đầu. Hãy tìm tới những người có kinh nghiệm để xin lời khuyên và chuẩn bị mọi thứ ngay từ đầu. Ngoài ra, nghe có vẻ khá bi quan, nhưng rất nhiều đồng nghiệp của tôi thường khuyên khách hàng chuẩn bị sẵn mọi thứ cả trong trường hợp họ phải ly hôn. Bởi giống như kết hôn, ly hôn cũng tạo ra một cú sốc tâm lý lớn trong hôn nhân, với vô số những thứ mất đi, như tài sản, khoản tiền đầu tư, thậm chí là con cái…”.
Bước ngoặt 2: Có con
“Tôi hay bị cho là kẻ máu lạnh và quá thực dụng khi nói điều này, nhưng sự thực thì việc có một đứa trẻ luôn đi cùng với chi phí khá cao. Có thể nhiều bậc cha mẹ đã hình dung điều này trước khi có con, nhưng thực sự số tiền họ phải chi cho một đứa bé có thể khiến họ không ngừng kinh ngạc”, Pedro Silva nói.
Theo đó, trong một khảo sát mới đây của NerdWallet, website chuyên về tư vấn tài chính cá nhân, thì với những nhu cầu về chăm sóc sức khỏe, quần áo, thực phẩm, đồ chơi, tã, các dịch vụ công cộng, bảo hiểm… một cặp cha mẹ điển hình ngày nay thường chi tiêu khoảng 5.000 USD (hơn 110 triệu đồng) trong năm đầu tiên khi đứa trẻ chào đời.
“Bởi vì chúng ta luôn muốn điều tốt nhất cho bọn trẻ, nên nếu bạn không bị chi phối quá nhiều về tài chính trong việc có con, thì bạn cũng sẽ bị chi phối về mục tiêu cuộc sống, thời gian biểu hằng ngày, vấn đề bạn ưu tiên… khi một đứa trẻ ra đời”.
Bước ngoặt 3: Thu nhập của bạn tăng lên
Bằng kinh nghiệm của mình, Pedro Silva rút ra nhận định, nếu bạn có mức tăng thu nhập trung bình khoảng 10 – 50% và duy trì đều đặn qua các năm, thì bạn thường không phải chịu cú sốc nào quá lớn. Bởi cuộc sống của bạn sẽ không mấy thay đổi và bạn thường cũng chỉ mất vài ba tuần để làm quen với những điều mới mẻ trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu mức thu nhập đột ngột tăng hơn 100%, thì bạn cần cẩn trọng với những cú sốc mà nó mang lại.
“Việc tăng thu nhập hơn 100% trong một thời gian ngắn không phải là hiếm gặp ngày nay. Điều đó hoàn toàn có thể tới từ việc công việc kinh doanh của bạn bất ngờ đi lên, dự án bạn ấp ủ bao lâu cuối cùng cũng tới ngày hái quả ngọt, hay những kỹ năng bạn rèn giũa và học tập cuối cùng cũng được ghi nhận…
Tuy nhiên, tăng thu nhập như vậy có thể khiến bạn bị sốc, làm bạn quên đi nhu cầu thực sự của bản thân và đánh rơi mọi mục tiêu trong cuộc sống của mình. Bởi khi tiền bạc bắt đầu vượt quá nhu cầu cần thiết của bản thân, thì càng có nhiều tiền bạn sẽ càng ít cảm thấy hạnh phúc hơn, đặc biệt khi tiền bạc ấy bị sử dụng vào những việc không thực sự khiến bạn hạnh phúc. Tôi từng thấy vô số khách hàng của mình, những người là giới nghệ sĩ hay cầu thủ, sau khi bất ngờ nổi tiếng và có thu nhập gấp 1.000 lần trước đây, họ nhanh chóng mất phương hướng và bị tiền bạc nuốt chửng. Vì vậy, hãy cẩn thận, bước lùi lại, cho bản thân một khoảng thời gian suy xét, làm mới các mục tiêu, khi thời điểm bước ngoặt gõ cửa”, Pedro Silva khuyên.