Các nhà lãnh đạo đến từ 21 nền kinh tế tham dự hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) trong một tuyên bố giữa tuần qua đã tái khẳng định niềm tin đối với thương mại toàn cầu, cho rằng đây là cơ chế có thể mang lại thay đổi tích cực kinh tế – xã hội nhiều nước.
Tuyên bố này được xem là lời đáp trả mạnh mẽ chủ trương của tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump hứa sẽ đưa nền kinh tế nước này trở về chế độ bảo hộ mậu dịch đã lạc hậu từ nhiều thập niên qua.
Tổng thống Peru Pablo Kuczinski nước chủ nhà APEC cho rằng hợp tác giữa các nền kinh tế APEC có thể vực dậy thương mại bị đình trệ hiện nay, mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng cường khả năng tương thích và năng suất lao động trong khu vực. Trong khuôn khổ hội nghị, nhiều cuộc tiếp xúc giữa các nhà lãnh đạo cho thấy một sự thống nhất cao về vấn đề này. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người có cuộc hội đàm song phương với Tổng thống Mỹ Obama vào ngày 19-11 đã kêu gọi các nước chấp nhận cởi mở kinh tế. Ông nói: “Chúng ta phải dốc sức xây dựng cộng đồng với một tương lai chung, điều đó khiến chúng ta xích lại gần nhau hơn là xa cách”.
Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 24 tại Lima (Peru) đã thông qua hai văn kiện kèm theo gồm “Tuyên bố Lima về Khu vực Thương mại Tự do châu Á – Thái Bình Dương” và “Lộ trình về năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ”. Tuyên bố của các nhà lãnh đạo APEC tái khẳng định cam kết duy trì vai trò tiên phong của APEC trong tự do hóa thương mại và đầu tư, tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Tuyên bố chung cam kết sẽ “chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa bảo hộ”. Bản tuyên bố khẳng định: “Giới lãnh đạo của các quốc gia thành viên đã đồng thuận về việc giữ sự cởi mở của thị trường, không làm giảm giá tiền tệ để tăng tính cạnh tranh và tiếp tục hoạt động tích cực để xây dựng một khu vực tự do trao đổi hàng hóa mang tính dài hạn của khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.
Khối APEC đánh giá sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ sẽ làm giảm trao đổi thương mại và làm chậm đà phát triển của kinh tế thế giới. Để tránh tình trạng này, bản tuyên bố chung nhấn mạnh cần phải “chia sẻ một cách công bằng hơn các lợi nhuận của nền sản xuất toàn cầu hóa cho mọi tầng lớp xã hội”.
Ngay sau tuyên bố trên của APEC, tổng thống đắc cử Donald Trump trong một video nhằm thông tin đến người dân Mỹ về tiến trình chuyển giao quyền lực, đã tuyên bố sẽ đưa ra hàng loạt quyết định trong ngày nhậm chức 20-1-2017. Trong số các quyết định đầu tiên đó có việc rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Ông Trump cũng chủ trương thương thuyết lại những hiệp định thương mại đang áp dụng như Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) được ký kết 22 năm trước, để có lợi hơn cho Mỹ và từ bỏ những hiệp định nào không đạt được mục tiêu này.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump đã chỉ trích thậm tệ Hiệp định NAFTA và đe dọa Mỹ sẽ rút khỏi hiệp định này. Thế nhưng, theo bài viết trên The Wall Street Journal tuần qua, thay vì hủy bỏ NAFTA, Donald Trump và các cố vấn của ông có vẻ đang chuẩn bị hối thúc một sự thay đổi đáng kể đối với các quy định quản lý trong hoạt động mậu dịch với Mexico và Canada. Điều này cho thấy giữa lời hứa tranh cử và thực hiện những lời hứa ấy vẫn còn không ít khoảng cách.
Trong chiến dịch tranh cử, tỉ phú Donald Trump cam kết sẽ phát triển kinh tế Mỹ dựa trên sự bảo hộ. Một trong những chính sách đầu tiên là sẽ áp mức thuế đến 45% đánh vào các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và xóa bỏ NAFTA, rút khỏi TPP mà ông nói là “để bảo vệ công nhân Mỹ”. Giới bình luận quốc tế cho rằng nếu tổng thống đắc cử Trump thực hiện những điều này thì sẽ gây ra những tác hại to lớn không chỉ đối với nền kinh tế thế giới mà cả với nền kinh tế Mỹ.
Chính sách bảo hộ thương mại thông qua việc thực hiện các rào cản là không đúng vì hai lý do: Thứ nhất, người tiêu dùng Mỹ sẽ bị thiệt thòi khi chính phủ áp dụng việc tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, họ phải mua những loại hàng hóa tương tự được sản xuất trong nước với giá cao hơn nhiều.
Thứ hai, việc áp dụng rào cản sẽ làm đảo lộn các hiệp định thương mại đã ký kết, dẫn đến tình trạng trả đũa từ các đối tác kinh doanh, từ đó có thể dẫn đến cuộc chiến tranh thương mại giữa các quốc gia.
Thêm vào đó, có một thực tế là đôla Mỹ đến nay vẫn là đồng tiền dự trữ chính trên thế giới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm về việc cung cấp USD cho nền kinh tế toàn cầu. Do vậy bất cứ hoạt động nào, chính sách nào của thể chế này đều có thểảnh hưởng đến sựổn định của các quốc gia. Giả thử sau này nếu Fed bị tổng thống tân cử chỉ đạo phục vụ cho chính sách bảo hộ kinh tế của Mỹ thì đó sẽ là một thảm họa cho kinh tế toàn cầu.
- V.Đ