Các nhà lãnh đạo kinh tế 21 nước APEC đã kết thúc tuần lễ tham gia diễn đàn sôi động này và thông qua Tuyên bố Đà Nẵng chiều 11-11 vừa qua.
Ngay sau bế mạc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chủ trì họp báo quốc tế, thông báo sự kiện quan trọng nhất trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 đã thành công tốt đẹp.
Theo Chủ tịch nước, Hội nghị Cấp cao APEC 2017 đã thông qua Tuyên bố Đà Nẵng về tạo động lực mới cùng vun đắp tương lai chung, đồng thời thống nhất năm nội dung quan trọng.
Thứ nhất, thông qua kế hoạch hành động APEC về thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội. Đây cũng là một nội dung quan trọng trong đối thoại giữa các nhà lãnh đạo kinh tế APEC với cộng đồng doanh nghiệp.
Thứ hai, yêu cầu cấp bách đặt ra là tăng cường chất lượng giáo dục, trang bị cho người lao động những kiến thức, kỹ năng cần thiết để thích ứng tốt hơn với môi trường việc làm và thị trường lao động đang thay đổi căn bản bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thứ ba, nhằm tạo những động lực mới cho tăng trưởng bền vững và bao trùm, hội nghị đã dành nhiều thời gian thảo luận về các chính sách và biện pháp chiến lược nhằm phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, xanh, bền vững và sáng tạo; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; phát triển nông nghiệp bền vững; tăng cường an ninh lương thực; giảm thiểu rủi ro thiên tai; phát triển du lịch bền vững.
Thứ tư, thúc đẩy thương mại và đầu tư tự do và mở ở châu Á – Thái Bình Dương là sứ mệnh của các nền kinh tế APEC. Tái khẳng định cam kết hoàn tất thực hiện các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư; thúc đẩy thuận lợi hóa đầu tư, kinh doanh và dịch vụ; tăng cường hợp tác kinh tế – kỹ thuật; tiếp tục nỗ lực hướng tới hình thành Khu vực Thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP).
Hội nghị cũng hoan nghênh việc thông qua khuôn khổ APEC về tạo thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới và bộ kinh nghiệm điển hình APEC về thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, để tạo điều kiện cho APEC khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển của kinh tế mạng, kinh tế số và các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ năm, để nâng cao vai trò và vị thế của APEC trong cục diện quốc tế đa tầng nấc, các nhà lãnh đạo kinh tế APEC hoan nghênh việc thành lập Nhóm Tầm nhìn APEC nhằm hỗ trợ các quan chức cao cấp trong việc xác định hướng đi và tương lai của APEC sau năm 2020.
Cũng tại lễ bế mạc, Việt Nam – nước chủ nhà APEC 2017 – đã tiến hành chuyển giao vai trò chủ tịch “Năm APEC 2018” cho Papua New Guinea.
Hai bài phát biểu được chú ý nhiều nhất tại diễn đàn APEC lần này, nhưng lại có tầm nhìn hoàn toàn khác nhau.
Trong bài phát biểu khoảng 30 phút, Tổng thống Mỹ Donald Trump tái khẳng định chính sách “nước Mỹ trên hết” của mình, đề cao thương mại song phương, trong khi Chủ tịch Trung Quốc ngay sau đó đưa ra quan điểm bảo vệ xu hướng toàn cầu hóa “không thể đảo ngược”.
Phát biểu của Tổng thống Mỹ tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (CEO Summit) xoay quanh tình trạng mất cân bằng thương mại. Sau khi ca ngợi thành tựu kinh tế, chính trị của một loạt quốc gia châu Á – Thái Bình Dương, ông cáo buộc khu vực này “lợi dụng nước Mỹ trong vấn đề thương mại”, cho rằng lợi ích của Mỹ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi cấu trúc hiện nay của thương mại toàn cầu.
Ông tuyên bố Mỹ sẽ không tiếp tục dung thứ thương mại bất bình đẳng, thị trường đóng và nạn ăn cắp sở hữu trí tuệ: “Chúng tôi sẽ không để nước Mỹ bị lợi dụng thêm nữa” và cho rằng Tổ chức Thương mại Thế giới đã không giám sát được tình trạng vi phạm tự do thương mại.
Chỉ vài phút sau, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đứng vào chỗ mà ông Trump vừa rời đi, vạch ra tầm nhìn về một Trung Quốc “hàng đầu thế giới” với ít rào cản thương mại hơn so với Mỹ. Ông lên tiếng bảo vệ toàn cầu hóa, gọi đây là “xu thế lịch sử không thể đảo ngược” và khẳng định quá trình này đã góp phần giúp Trung Quốc vươn lên thoát khỏi đói nghèo để trở thành cường quốc trong ba thập niên. Theo ông, triết lý thương mại tự do cần được xem xét lại để trở nên “cởi mở, cân bằng và bình đẳng hơn”.
Trước những lo ngại rằng Trung Quốc đang dựng lên nhiều rào cản thị trường với các công ty nước ngoài hơn bất cứ nền kinh tế lớn nào trên thế giới, ông Tập trấn an các đại biểu dự CEO Summit rằng nước này sẽ “nới lỏng đáng kể đường tiếp cận thị trường” cho các doanh nghiệp nước ngoài, khẳng định mọi công ty đăng ký ở Trung Quốc sẽ được đối xử bình đẳng.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 11-11 tại Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của ông Tập Cận Bình tới Việt Nam.
Tại buổi hội kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế.
Chính phủ Việt Nam coi trọng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, đây là chủ trương nhất quán, sự lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại và du lịch lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
Thủ tướng cũng đề nghị hai bên triển khai hiệu quả hợp tác về tài chính, nông nghiệp, môi trường, giao thông vận tải, khoa học công nghệ. Đề nghị Trung Quốc dành cho Việt Nam các khoản tín dụng với mức ưu đãi cao hơn, tạo thuận lợi để Việt Nam tiếp cận các khoản vay ưu đãi trong khuôn khổ song phương và đa phương; phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh trong hoạt động nghề cá trên biển; thúc đẩy hợp tác về du lịch, giao thông; tích cực chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong một số dự án lớn do Trung Quốc triển khai tại Việt Nam để bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả.
Về vấn đề trên biển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên kiên trì giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982; đề nghị hai bên thực hiện nghiêm các thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, kiểm soát tốt bất đồng, không có hành động mở rộng, làm phức tạp tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông, đồng thời trên cơ sở các quy chế đã được luật pháp quốc tế công nhận và các nguyên tắc hai bên đã đạt được, thúc đẩy phân định và hợp tác cùng phát triển tại các vùng biển hai bên thực sự có tranh chấp.
Ông Tập Cận Bình khẳng định Chính phủ và nhân dân Trung Quốc coi trọng cao độ việc củng cố và phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Việt Nam. Ông cho rằng, quan hệ Trung – Việt phát triển ổn định, lành mạnh là phù hợp với lợi ích của hai nước và nguyện vọng của nhân dân hai nước.
- Gia Minh