Áo dài đương đại theo dòng thời gian
Sau khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội được mở ra, đã có nhiều họa sĩ tâm huyết với tà áo dài dân tộc thiết kế thêm để áo dài dễ dàng đến với người hiện đại hơn. Áo dài Le Mur chính là bản đầu tiên, Le Mur chính là tên tiếng Pháp của họa sĩ Cát Tường, người đã thực hiện một cải cách lớn với chiếc áo tứ thân để biến nó chỉ còn hai vạt trước và sau mà thôi. Vạt trước được họa sĩ nối dài chấm đất để tăng thêm dáng vẻ uyển chuyển trong bước đi đồng thời thân trên được may ôm sát theo những đường cong cơ thể người mặc tạo nên vẻ yêu kiều và gợi cảm rất độc đáo. Để tăng thêm vẻ nữ tính, hàng nút phía trước được dịch chuyển sang một chỗ mở áo dọc theo vai rồi chạy dọc theo một bên sườn.
Con gái Huế trong tà áo dài xưa
Sau đó, họa sĩ Lê Phổ cải tiến áo Le Mur và mẫu áo dài này được hoan nghênh trong Hội chợ Nữ Công Đà Nẵng. Đây là một kết hợp giữa áo Le Mur và áo tứ thân, rất gần gũi với chiếc áo dài tân thời ngày nay: nối vai và tay không phồng lên, cổ kín, cài nút bên phải, thân ôm sát người, hai tà áo mềm mại bay lượn. Đến lúc này tay áo raglan nổi tiếng của áo dài ngày nay vẫn chưa xuất hiện, áo dài Lê Phổ vẫn giữ nguyên hình dáng và được phụ nữ Việt yêu thích và mặc suốt nhiều thời kỳ. Chỉ đến thập niên 60, nhà may Dung ở Đakao, Sài Gòn mới sáng tạo ra kiểu tay raglan với phần tay và thân áo được nối xéo uốn lượn theo đường cong của nữ giới. Với phần tay này và quần cắt vải xéo thướt tha, áo dài trở thành tà áo vừa quyến rũ, vừa kín đáo phù hợp với hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam hiện đại.
Áo dài cổ thuyền do bà Trần Lệ Xuân thiết kế
Từ đây tà áo dài hiện đại chính thức ra đời và vẫn giữ nguyên nét đẹp ấy cho đến ngày nay, dù đã trải qua bao năm tháng chiến tranh, áo dài vẫn là một biểu trưng của người phụ nữ Việt. Áo dài còn trở nên đặc biệt khi một chiếc áo chỉ may riêng cho một người và chỉ một người ấy mà thôi, không thể sản xuất đại trà, một khi đã may thì may vừa khít với số đo riêng của từng người nên tuyệt nhiên áo dài ôm sát cơ thể rất đẹp.