Trong những năm gần đây, ANA đã có những đóng góp rất lớn vào sự phát triển của ngành du lịch ở cả Việt Nam và Nhật Bản. Được thành lập từ năm 1952, chỉ với hai phi công, sau 65 năm, ANA đã phát triển và trở thành hãng hàng không năm sao đẳng cấp thế giới, đồng thời là hãng hàng không lớn nhất tại Nhật Bản. Hiện tại, ANA vận chuyển trên 53,8 triệu hành khách và khai thác 84 đường bay quốc tế, 121 đường bay nội địa.
Để kết nối hai quốc gia Nhật Bản và Việt Nam, ANA đã không ngừng tăng cường các chuyến bay nối các thành phố lớn ở hai nước từ đầu những năm 2000. Hiện tại, ANA đang khai thác ba chuyến bay mỗi ngày – hai chuyến từ TP. Hồ Chí Minh và một chuyến bay từ Hà Nội. Trên tuyến Hà Nội – Tokyo (Haneda), ANA là hãng hàng không đầu tiên giới thiệu máy bay Boeing 787 hiện đại tại Việt Nam.
Đầu tiên, xin ông cho biết những nhận định chung của mình về thị trường hàng không tại Việt Nam?
Theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), số lượt khách di chuyển bằng máy bay trên toàn thế giới trong vòng 20 năm tới được dự báo sẽ đạt 7,2 tỉ lượt, tăng gần gấp hai lần so với mức 3,8 tỉ lượt trong năm 2016. Trong đó, Việt Nam là một trong năm thị trường có số lượt khách tăng trưởng nhanh nhất bên cạnh Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Indonesia.
Cục Hàng không Việt Nam dự báo, năm 2018 thị trường vận tải hành khách bằng hàng không Việt Nam đạt 72 triệu lượt, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách nội địa và quốc tế đạt lần lượt 35 triệu và 37 triệu lượt. Dư địa khai thác kinh doanh trong lĩnh vực hàng không còn nhiều tiềm năng khi lượng khách liên tục tăng mạnh trong 10 năm qua. Việc chỉ có 2-3 hãng hàng không nội địa phục vụ nhu cầu của 90 triệu dân và hàng triệu lượt khách quốc tế là quá ít.
Điều này cho thấy Việt Nam đang là một trong những thị trường hàng không phát triển nóng nhất thế giới và luôn giữ tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhờ nằm trong vùng có tốc độ tăng trưởng ngành cao. Mặc dù nhu cầu ngày càng cao nhưng thực tế thì nhiều hãng bay không được khách hàng đánh giá cao về chất lượng dịch vụ và không đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng.
Trong những năm trở lại đây, số lượng khách du lịch Việt đến Nhật Bản tăng khá nhanh. Theo ông, điều này có tác động như thế nào đối với sự phát triển của ANA trong tương lai?
Theo thống kê của Cục Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO), lượng khách du lịch tới Nhật Bản ngày càng tăng trưởng mạnh. Cụ thể, trong tháng 1-2018 đã có 27.700 khách du lịch Việt Nam đến Nhật Bản, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm ngoái. JNTO đánh giá thị trường Việt Nam đã lập nên kỳ tích, phá vỡ kỷ lục được ghi nhận về số lượng khách du lịch đến Nhật trong gần sáu năm qua. Số lượng khách Việt Nam đến Nhật trong tháng 2-2018 là 23.400 người, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ đó cho thấy, Nhật Bản hiện đang là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn, đặc biệt là khách có thu nhập ở mức trung bình khá trở lên. Song song với nhu cầu du lịch Nhật Bản đang tăng nhanh là sự gia tăng lượng cung vận tải hành khách đường không của các hãng khai thác đường bay tới Nhật. Và đây cũng là phân khúc khách hàng tiềm năng mà ANA hướng đến tại thị trường Việt Nam.
Theo ông, điều gì làm nên sự khác biệt về dịch vụ của ANA với các hãng hàng không khác trong cùng phân khúc thị trường?
Kể từ ngày thành lập cho đến nay chúng tôi luôn cố gắng không ngừng hoàn thiện và xây dựng niềm tin ngày một lớn cho khách hàng. Cũng chính vì lẽ đó mà ANA là hãng hàng không năm sao đầu tiên tại Nhật Bản, đồng thời luôn nằm trong top những hãng hàng không được khách hàng yêu thích nhất. Luôn chú trọng vào sự an toàn và thoải mái dành cho khách hàng, chúng tôi đã tạo ra những giá trị cao nhất có thể cho khách hàng bằng việc xem xét những hành động đến từ sự mong đợi của họ.
Ở mọi cấp độ nhân viên, chúng tôi đều hướng đến tôn chỉ công việc “Đáng tin cậy, ấm áp, tràn đầy năng lượng”. Đối với người Nhật, văn hóa dịch vụ nổi tiếng với cái tên “Omotenashi”, có nghĩa là cung cấp những dịch vụ tốt nhất bằng cả tấm lòng hiếu khách của người Nhật mà không kỳ vọng vào phần thưởng và đó cũng chính là điều ANA muốn mang đến cho khách hàng.
Đồ ăn và thức uống trên các chuyến bay quốc tế (khởi hành từ Nhật Bản) và các chuyến bay nội địa được lựa chọn và chuẩn bị bởi những bậc thầy về ẩm thực nổi tiếng quốc tế đến từ trong và ngoài nước Nhật cùng những chuyên gia về vang, các loại thức uống có cồn và cà phê. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất chú trọng vào quy trình tuyển chọn, chúng tôi cố gắng lựa chọn những vị giám khảo phù hợp và gần gũi nhất với đời sống của hành khách, bao gồm tiếp viên với chứng nhận của các chuyên gia vang, đầu bếp phụ trách các bữa ăn trên chuyến bay, nhân viên của ANA – những người phụ trách thiết kế các dịch vụ và quan trọng nhất là các thành viên trong nhóm chuyên gia ẩm thực, những bậc thầy thực sự trong lĩnh vực vang.
Ông có thể chia sẻ về những kế hoạch sắp tới của ANA tại Việt Nam?
ANA Holdings sẵn sàng cho lượng hành khách vào năm 2020 và lên kế hoạch mở rộng các sân bay khu vực thủ đô Tokyo.
Các cơ quan chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực thúc đẩy lượng hành khách nước ngoài vào Nhật Bản, kể cả những hành khách từ Việt Nam đến Nhật Bản, đồng thời dự kiến mở rộng các sân bay khu vực thủ đô Tokyo. ANA đang tận dụng các cơ hội kinh doanh này bằng cách mở rộng mạng lưới bay của mình để kết nối Nhật Bản với thế giới. Trong trường hợp này, các chuyến bay bổ sung tới các thành phố ở Việt Nam có thể được xem xét trong tương lai gần để hành khách từ Việt Nam có thể kết nối với mạng bay rộng hơn của chúng tôi.
Thông qua các hoạt động này ở Việt Nam, ANA có kế hoạch giúp tăng cường mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của khách hàng Việt Nam.
Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này.