Amazon Go, cửa hàng tiện lợi đầu tiên của công ty, sẽ mở cửa vào thứ Hai (giờ địa phương) tại tầng trệt của trụ sở mới của Amazon trên đại lộ Seventh ở Seattle, Mỹ. Mặc dù mở cửa muộn đến một năm so với dự tính, cửa hàng vẫn được nhiều người quan tâm do nó sử dụng một loại công nghệ độc nhất mà Amazon tin rằng có thể khiến việc thanh toán trở nên lỗi thời.
Giám đốc công nghệ của Amazon, ông Diip Kumar, người từng cố vấn kỹ thuật cho CEO Jeff Bezos, cho biết: Ý tưởng này đã được Amazon ấp ủ trong 5 năm qua, khi luôn đặt câu hỏi: “Chúng ta có thể làm gì để gia tăng sự thuận tiện cho khách hàng? Điều chúng tôi thường xuyên nhận thấy là, người mua hàng không muốn phải chờ đợi xếp hàng”.
Bên cạnh đó, lý do chính mà Amazon dựng lên một cửa hàng như thế này là để kiểm tra một giả thuyết có thể mang tính đột phá của Amazon: bằng việc khiến các cửa hàng tiện lợi ngày càng tiện lợi hơn. Với sự trợ giúp của công nghệ, Amazon có thể chiếm được thêm một nhóm khách hàng trung thành, những người chưa từng dùng sản phẩm online của Amazon. Điều này khiến cho nhóm này tiếp cận được với thương hiệu Amazon thông qua các cửa hàng tiện lợi vẫn còn đang chiếm ưu thế trên thị trường bán lẻ.
Với mục tiêu này, cửa hàng Amazon Go được trang bị công nghệ hiện đại, cho phép người mua chỉ việc lấy đồ ra khỏi kệ và bước ra ngoài. Công nghệ cho phép Amazon thanh toán tiền sản phẩm tự động và người mua hàng sẽ không phải dừng xếp hàng trả tiền tại quầy như trước.
Tại cửa hàng sẽ có một nhân viên chào đón đứng tại cửa ra vào, một nhân viên kiểm tra thẻ ID sẽ đứng gần quầy rượu bia, ít nhất sáu nhân viên sẽ làm việc tại quầy nhà bếp và không còn nhân viên thu ngân.
Người mua hàng chỉ cần tải một ứng dụng Amazon Go trên điện thoại, và phải quét nó ở cửa quay điện tử công nghệ cao khi bước vào cửa hàng. Sau đó, khách hàng sẽ có thể mua sắm bình thường. Khi họ đã chọn được món hàng mà họ muốn mua, tài khoản Amazon của khách hàng sẽ tự động tính phí cho những sản phẩm mà họ đã lấy ra.
Công nghệ sẽ kết nối bạn và chiếc điện thoại mà bạn quét ở cửa, và sẽ theo dõi những sản phẩm mà bạn lấy ra khỏi kệ và đem ra ngoài. Trong một số trường hợp hiếm hoi, một nhân viên sẽ cần phải kiểm chứng là công nghệ không bị mắc sai lầm.
Khi được phỏng vấn tại cửa hàng, Kumar, Phó chủ tịch công nghệ của Amazon Go và 13 cửa hàng Amazon Books store, đã chia sẻ các vấn đề về công nghệ trên gây ra sự trì hoãn này hơn một năm. Ông cho biết thêm: “Ban đầu chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi cần phải mở cửa hàng cho quần chúng càng sớm càng tốt để có được lượng người tham gia mà chúng tôi cần. Lượng người tham gia rất cần thiết để huấn luyện cho thuật toán của chúng tôi học thêm về những thứ như phân loại, hành vi khách hàng,… Nhưng chúng tôi đã bị choáng ngợp bởi số phản hồi về những hạn chế còn tồn tại. Vì thế không có lý do gì để chúng tôi phải vội vã cả. Chúng tôi đã học được thứ mà chúng tôi cần từ chương trình Amazon Beta”.
Bước vào cửa hàng tiện lợi cao cấp này, người mua sắm sẽ được chào đón bởi hàng loạt các món salad, bánh sandwich và đồ uống, và ngoài ra còn có những món ăn được chuẩn bị sẵn cho bữa sáng, trưa và tối. Amazon Go cũng có bán một số loại bia và rượu, cũng như các sản phẩm thịt, và thậm chí kể cả các set đồ ăn của Amazon. Nhờ vào việc Amazon mua lại Whole Foods, hãng cũng có dành ra một quầy riêng cho các loại khoai tây chiên, bánh quy và các loại hạt có dán nhãn 365 Everyday Value, với giá cả cạnh tranh.
Một điều chắc chắn là Amazon đã không bỏ ra đến 5 năm phát triển chỉ để xây dựng một cửa hàng. Kumar đã thẳng thắn thừa nhận rằng ông ấy muốn mở thêm nhiều cửa hàng Amazon Go, nhưng trước mắt sẽ chỉ tập trung vào một cửa hàng. Và rất có thể trong tương lai, nhiều khả năng nữa là Amazon có thể sẽ bán công nghệ này cho các loại hình kinh doanh khác.