Một vị trí ngay giữa trung tâm thành phố là điều mà bất cứ nhà hàng nào cũng mong muốn có được, sẽ thật tuyệt hơn nữa nếu khi nhà hàng đó được đặt vào như một miếng ghép hoàn hảo cho bức tranh ẩm thực của khu vực đó. Câu chuyện của Nhà hàng Spice Temple có lẽ là ví dụ sinh động nhất.
Tận dụng ưu thế mặt tiền trên đường Mạc Thị Bưởi – con phố boutique của Sài Gòn, chỉ cách phố đi bộ Nguyễn Huệ một vài bước chân, Spice Temple là nhà hàng duy nhất táo bạo dành cả tầng trệt cho khách để xe. Chỗ ngồi cho thực khách chỉ được đặt từ tầng 1 trở lên. Cho đến khi thưởng thức những món ăn Thái hấp dẫn của họ, quyết định sử dụng diện tích “tấc đất tấc vàng” đó mới được lý giải: Xét cho cùng, điểm thu hút chính nhất của một nhà hàng vẫn là khẩu vị và chất lượng món ăn đem đến cho thực khách.
Là nhà hàng chuyên về ẩm thực Thái Lan, nhưng cách tiếp cận của Spice Temple lại không quá đi sâu vào văn hóa ẩm thực của đất nước chùa vàng, mà khéo léo dẫn dắt thực khách vào câu chuyện của thế giới gia vị phong phú. Những hành, gừng, sả, ớt quen thuộc trong bữa ăn người dân Đông Nam Á, những món cơ bản trong thực đơn món Thái chuẩn mực được gia giảm phù hợp với khẩu vị quốc tế hơn.Và cũng không khó đoán là khá nhiều thực khách của Spice Temple là khách du lịch nước ngoài.
Khai vị là rất nhiều món fingerfood chiên giòn nóng hổi, được làm mềm vị bằng nước xốt chua cay đặc trưng, dọn đường cho vị giác khai phá những món ăn chính đặc sắc hơn ví dụ như tô xúp tom yum đỏ với tôm nóng hổi hấp dẫn. Chiếc tô sành dày và chắc chắn với nhiệm vụ giữ nóng món ăn được lâu nhất, đựng vừa vặn một con tôm hùm đỏ tươi trong tư thế rất thoải mái như đã sẵn sàng phục vụ thực khách. Nước xúp không quá béo cũng không quá chua, giữ được độ đặc vừa phải do bí quyết kết hợp giữa sữa và cốt dừa của đầu bếp, đủ làm ấm lòng và khiến bất cứ ai cũng không cưỡng lại những xuýt xoa hít hà khoan khoái nơi đầu lưỡi. Món nướng sa tế – cũng thuộc loại quốc hồn quốc túy của Thái Lan như bún chả Việt Nam vậy – được bày biện đẹp mắt trong một set mà không thể thiếu món đồ chua đa sắc chua ngọt, tuyệt đối cân bằng với vị béo từ lọ bơ đậu phộng nhỏ xíu bên cạnh đem lại.
Một chút sáng tạo thú vị thể hiện ở sự kết hợp Á – Âu như món mì xào cua và thịt xông khói – vốn là thực phẩm khoái khẩu của người phương Tây, hay món tráng miệng nóng lạnh chuối chiên ăn kèm kem dừa mát lạnh mà chỉ nên dùng khi bạn thật sự đã sẵn sàng cho nó (kem sẽ tan, lớp bột chiên sẽ không còn hấp dẫn nếu bạn để chúng chờ quá lâu trên bàn). Điểm nhấn của thực đơn nằm ở một số món đặc biệt chăm chút vào phần trình bày như món cơm chiên trái thơm hải sản với nửa quả thơm tươi rói còn nguyên cuống được dùng để đựng cơm chiên nóng hổi, tinh tế hơn là chiếc ly thủy tinh trong suốt đựng một “bông hoa” xoài đặt trên đế xôi trắng hấp nước dừa làm món tráng miệng.
Mặc dù được chăm chút tỉ mỉ như vậy, những món ăn tại Spice Temple lại có mức giá khá hợp lý, cạnh tranh với những nhà hàng cùng loại chỉ cách đó không xa. Phong cách nội thất đơn giản, sang trọng hiện đại với ánh sáng hài hòa và những không gian đa dạng phù hợp với nhiều nhóm khách, đây chính xác là một đại diện tiêu biểu của phong cách bistro đang dần tạo dấu ấn trong văn hóa ẩm thực của những đô thị lớn trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.
Thùy Dương (DNSGCT)
Nhà hàng Spice Temple
81 Mạc Thị Bưởi, P. Bến Nghé, Q.1
(gần khúc giao Mạc Thị Bưởi và Phố đi bộ Nguyễn Huệ)