Ở Albania, 1kg cần sa trồng bất hợp pháp có giá bán từ 100 đến 200 euro. Nhưng khi bán sang Ý, 1kg cần sa giá 1.500 euro. Sự chênh lệch giá đó đã biến đất nước nhỏ bé này thành thủ phủ cần sa của châu Âu. Ở Albania, du khách dễ dàng nhìn thấy những vườn trồng cần sa quanh nhà của nhiều cư dân bản địa. Nó được mệnh danh là “vàng xanh” (green gold), hằng năm mang về cho Albania 5 tỉ euro, bằng 50% tổng GDP cả nước! Các thị trường tiêu thụ loại sản phẩm bất hợp pháp này gồm Montenegro, Hy Lạp và Ý. Việc tiêu thụ nội địa không đáng kể. Vì là loại cây trồng không được luật pháp Albania cho phép, để việc canh tác và tiêu thụ trót lọt, người trồng thường phải hối lộ cho cảnh sát bản xứ nếu không muốn bị bắt và tống giam. Trong kho tang vật của cảnh sát Albania luôn tồn tại hàng ngàn gói cần sa bị tịch thu trong các cuộc bố ráp. Thời gian qua, chính phủ nước này đạt được một số thành công nhất định trong việc chống lại tệ nạn trồng và tiêu thụ cần sa. Chỉ trong năm nay, đã có hơn 2 triệu cây cần sa bị cơ quan chức năng phá hủy. Mùa thu hoạch kết thúc, cảnh sát tập trung vào việc tịch thu cần sa khi mặt hàng này được chuẩn bị gửi ra nước ngoài.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Albania Saimir Tahiri, sự thành công trong công tác chống cần sa khiến cho từ năm 2013 đến năm 2016, các khu vực trồng cần sa ở nước này đã giảm 30% diện tích. Nhưng các số liệu của Ý cung cấp lại cho thấy một thực trạng khác: trong những năm 2015-2016, diện tích trồng cần sa ở Albania đã tăng gấp năm lần, thêm nhiều hộ gia đình chuyển sang trồng cần sa lần đầu tiên. Nạn hối lộ vẫn là yếu tố quan trọng dẫn đến sự phát triển của diện tích trồng cần sa. Theo Bộ trưởng Tahira, từ ngày ông nắm chức vụ này đến nay, đã có trên 3.000 sĩ quan cảnh sát bị điều tra hình sự hay hành chính, chiếm gần 20% tổng số sĩ quan cảnh sát cả nước. Các nhà bình luận phê phán cách hành xử của Bộ Nội vụ Albania là trong những cuộc bố ráp tìm cần sa bất hợp pháp, chỉ bắt được những con tép riu, để sẩy những con cá lớn, thậm chí những người có liên quan đến các nhóm tội phạm có tổ chức, khi bị bắt, họ ít khi bị xử lý một cách nghiêm khắc. Tất nhiên, ông Tahiri phủ nhận những điều phê phán đó, nhưng ông vẫn không đánh tan được nỗi lo của các bậc cha mẹ ở Albania về việc con cái của họ lâm vào tình trạng nghiện ngập cần sa hay tham gia vào các tổ chức mua bán bất hợp pháp loại thảo mộc nguy hiểm này. Sự hỗ trợ và phối hợp của các định chế, tổ chức quốc tế cũng cần được các bên đưa lên bàn nghị sự trong các hội nghị quan trọng để giúp tìm cho đất nước Albania nhỏ bé một lối thoát tốt đẹp nhất.
- Lê Nguyễn tổng hợp