Là vùng đất của những công trình tôn giáo, khắp nơi trên đất nước Ấn Độ đều hiện diện các đền đài lộng lẫy với nhiều phong cách kiến trúc, nghệ thuật ấn tượng. Thế mà trong mấy tuần lễ công tác ở Pune, chúng tôi luôn được người địa phương khuyên là phải ưu tiên đến Ajanta, một di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, nằm cách đó hơn 300 cây số. Lý do là di sản này hội tụ đa dạng phong cách nghệ thuật của nhiều thế hệ nghệ nhân Ấn Độ nhờ có thời gian xây dựng kéo dài gần cả ngàn năm. Từ một dải núi đá khổng lồ, lớp lớp người xưa đã đục đẽo, chạm khắc tạo nên một quần thể kiến trúc kỳ vĩ với sự tỉ mỉ, tinh tế trong từng chi tiết.
Một ngàn năm xây dựng, một ngàn năm bị lãng quên
Buổi sáng hôm đó, đoàn chúng tôi khởi hành từ thành phố Pune khi trời chưa sáng để có thể đến Ajanta lúc 10 giờ. Bình minh ở bang Maharashtra miền Trung Ấn Độ những ngày đầu mùa mưa không khí cũng se se lạnh. Xe đi qua nhiều làng quê yên bình, vắng vẻ, trên đường làng hầu như chỉ thấy người già, phụ nữ và trẻ em bởi đa số nam thanh niên đều lên các thành phố lớn kiếm sống. Khi xe bắt đầu tiến vào một khu rừng thưa với nhiều cây cọ và chà là, chúng tôi biết là mình đã đến gần Ajanta. Nằm ẩn mình trong khu rừng của cao nguyên Decan, Ajanta đã bị quên lãng hoàn toàn trong một thời gian dài. Vào năm 1819, một nhóm người Anh đi săn cọp trong khu vực này mới tình cờ phát hiện ra quần thể chùa được tạc vào trong vách đá dựng đứng.
Ajanta tọa lạc ở lưng chừng núi, bên dưới là lòng vực có dòng sông uốn khúc chảy qua. Quần thể gồm 30 ngôi chùa, ngày nay người ta gọi tên theo số, từ chùa I cho đến chùa XXX. Tất cả các chùa đều được tạo tác bằng cách đục khoét sâu vào lòng núi. Mặt ngoài, mỗi ngôi chùa thường có khoảng 20 cột được đục đẽo từ núi đá nguyên thủy, rồi được chạm khắc, trang trí công phu. Bước qua hàng hiên là tới đại sảnh, hai bên có hai dãy trai phòng – nơi cư ngụ của các nhà sư. Người xưa cũng đục đá tạo nên bàn thờ lớn ở giữa mỗi ngôi chùa. Có những chùa rất lớn như chùa XVI với gian hành lễ rộng đến 400m2. Chùa I, chùa II cũng có những phòng rộng mênh mông với những cột lớn được chạm khắc tỉ mỉ và các đường soi nuột nà. Chân cột vuông, đỉnh cột có vầng tròn áp trần hang và được trang trí thêm bằng cách chạm khắc những tràng hoa lớn công phu. Chùa hang XXVI còn có các hàng cột vĩ đại đỡ ngạch cửa khổng lồ với những hình chạm trổ tinh xảo.
Ở Ajanta, chùa IX và chùa X là hai công trình đầu tiên được làm từ thời vương triều Andra, tức khoảng những năm đầu công nguyên. Còn lại hầu hết các ngôi chùa hang khác được tạo tác trong vương triều Gupta (thế kỷ IV đến thế kỷ VIII). Từ hơn hai ngàn năm qua, Trung Ấn là vùng đất thấm đẫm văn hóa nghệ thuật Phật giáo và Ajantalà đỉnh cao rực rỡ nhất. Vào thế kỷ thứ VII, nhà sư Trần Huyền Trang của Trung Quốc đến đây đã ghi lại rằng: “Ở đây, tất cả đều kỳ vĩ, mọi cái đều vô cùng tinh tế!”. Sau ghi chép của quốc sư nhà Đường,Ajanta không còn được nhắc đến trong bất kỳ một thư tịch nào trong suốt hơn một ngàn năm sau đó cho đến khi được người Anh phát hiện.
Kiệt tác của triệu tấm lòng thành
Không chỉ có kiến trúc đặc sắc, Ajantacòn nổi tiếng với hơn 500 bức bích họa nằm trên vách, trần và đáy các hang chùa. Gam màu chủ yếu của tranh là lam, đỏ, xanh lá được làm từ khoáng chất và thực vật nên vừa hài hòa, vừa tương phản mà vẫn tươi nguyên trên nền đá hoa cương qua mấy ngàn năm. Chiếm gần hết diện tích của 16 ngôi chùa là những tranh vẽ về cuộc đời đức Phật và thể hiện các câu chuyện tiền thân của Ngài (trong đó có nhiều kiếp là các con vật, nhiều kiếp là những con người có xuất thân khiêm tốn).
Vì thế, tuy gắn với đề tài Phật giáo nhưng các bức tranh không chỉ giới hạn trong cuộc sống tăng viện mà bao trùm một hiện thực rộng lớn hơn. Cả cuộc sống cung đình, cuộc sống của bao người bình dị nơi thị thành thôn xóm, thế giới chim thú, cỏ hoa và cả thế giới của các tiên nữ, các tạo vật thần linh trên thiên giới đều được mô tả chi tiết, sống động. Chùa XVIII nổi tiếng với bức bích họa lớn vẽ một phụ nữ và một đứa trẻ mà gương mặt đang bừng lên vẻ khao khát được giải thoát. Đó là vợ và con của Đức Phật. Còn chùa XIX thì có một điêu khắc đá tuyệt đẹp tạc hình Đức Phật đang đứng, miệng hơi mỉm cười, đôi mắt nhìn xuống trông thân thiện và ấm áp lạ lùng.
Ở 14 chùa hang còn lại có nhiều bức tranh vẽ các tích Phật cùng nhiều bức tranh mô tả cuộc sống nhiều mặt của người dân Ấn đương thời. Đó là một cuộc sống sôi nổi và đầy nhiệt tình. Điều đặc biệt là những thiếu nữ trong tranh Ajantađược thể hiện rất quyến rũ với đường cong thân thể mềm mại, thần thái ánh mắt sinh động, nét môi e lệ mà duyên dáng. Một nhà nghiên cứu đã nói về nghệ thuật điêu khắc ở Ajanta: “Tình cảm ở đây được biểu hiện rõ rệt dưới các hình thức khác nhau: trong sắc lá mùa xuân, trong dáng ngọn cây nghiêng mình trước cơn dông tố, trong cách đứng ngồi, cách cau mày, trong dáng điệu uể oải của làn mi cụp xuống, trong vẻ run run của đôi môi, trong cách lau một giọt lệ hoặc hạ chiếc mạng choàng…”. Cách bố trí ánh sáng trong hang cũng rất khéo léo, làm cho những hình ảnh mô tả trở nên sống động. Tùy theo góc độ xem tranh mà người ta cảm thấy nhân vật hiện lên với vẻ trầm tư nghiêm nghị hoặc đằm thắm dịu dàng. Qua tranh, du khách có thể thấy được dưới mắt các nghệ nhân xưa thì tư tưởng Phật giáo, thế giới thoát tục và đời sống con người được giao hòa với nhau một cách tự nhiên. Hoặc cũng có thể là nghệ thuật Phật giáo đã sử dụng vẻ đẹp của thế giới vật chất như một phương tiện để hướng các tín đồ tìm đến vẻ đẹp tâm linh của giác ngộ: Vượt qua những hình thức ảo ảnh của cái đẹp bề ngoài ngắn ngủi, ta sẽ thấy được cái đẹp vĩnh hằng.
Buổi tham quan kết thúc khi đã quá trưa. Dưới ánh nắng chói chang, giữa tiếng gió thổi ào ào qua vách núi, đâu đó văng vẳng tiếng trầm trồ thán phục của du khách từ khắp nơi. Thật hiếm dân tộc nào mà tình yêu tôn giáo lại cháy bỏng và sâu sắc như người Ấn. Trong hơn tám trăm năm xây dựng, có lẽ hàng vạn, hay có khi đến hàng triệu con người đã dành cả đôi tay và tấm lòng thành của mình để tạo nên kiệt tác vĩ đại này. Không biết có bao nhiêu người trong số đó đã được chứng ngộ, nhưng ít nhất niềm tin của họ đã để lại cho hậu thế cả một kho báu khổng lồ, không chỉ là nghệ thuật, mà còn là lịch sử, là dân tộc học, là xã hội học, là tôn giáo học được thể hiện một cách vô cùng biểu cảm và chân thực.
Bài Vũ Anh
Ảnh Thanh Hải