Airbus đã giới thiệu mô hình hai máy bay động cơ điện dựa trên chiếc E-fan. Theo dự kiến, loại máy bay kiểu mới này sẽ được sản xuất từ năm 2018 tại một nhà máy mới của Airbus.
Thiết kế máy bay chở khách có khả năng cất cánh và hạ cánh với sức mạnh duy nhất là động cơ điện. Đây là giấc mơ bay mới của ngành hàng không Pháp. Giấc mơ đó có thể trở thành hiện thực vào năm 2050 với việc đưa vào hoạt động máy bay chạy bằng điện có khả năng bay được từ 2 giờ 30 phút – 3 giờ với 100 hành khách. Dự án này, theo báo Le Figaro, là của Airbus và nó sẽ có nhiều giai đoạn.
Nay thì tập đoàn sản xuất máy bay châu Âu đã khởi động dự án và thông báo rằng mình sắp sản xuất một dòng máy bay huấn luyện có hai động cơ chạy điện 60 mã lực – tiền thân của máy bay chở khách nói trên. Song song đó, tập đoàn còn thành lập một công ty trực thuộc với 100% để tập trung phát triển các máy bay chạy bằng điện, chứ không phải bằng xăng dầu.
Chiếc E-fan tại triển lãm máy bay Le Bourget
“Sau khi đã công bố máy bay mẫu mang tên E-fan tại triển lãm máy bay le Bourget vào năm 2013 và cho bay được hơn 20 lần, nay chúng tôi bắt đầu nghĩ đến thêm hai mẫu dựa trên E-fan, gọi là E-fan 2.0 và 4.0 gồm hai ghế và bốn ghế”, Jean Botti, Tổng giám đốc bộ phận Công nghệ và đổi mới của Airbus, cho biết. Ông nói thêm rằng hai mẫu mới này vẫn đang trong giai đoạn thiết kế, sau đó mới được phát triển và sản xuất hàng loạt trong một nhà máy mới tại Mérignac (Pháp). Dự án này đã được chính phủ Pháp đưa vào kế hoạch phát triển công nghệ trong những năm tới.
Những chiếc đầu tiên của máy bay nặng 500kg thân bằng sợi carbon này có thể sẽ được sản xuất kể từ năm 2018. Theo Le Figaro, thị trường mục tiêu của chúng là những hãng cần đổi mới máy bay; riêng ở Pháp là cả ngàn chiếc. Và cả những trường dạy lái máy bay, nơi chiếc E-fan là rất thích hợp vì sẽ giúp đào tạo phi công, nhất là về nhào lộn trên không và kéo các tàu lượn. Các câu lạc bộ bay và trường học cũng quan tâm đến loại máy bay này vì chi phí giờ bay sẽ thấp hơn một nửa so với máy bay thông thường. Tuy nhiên, giá bán máy bay vẫn chưa được công bố.
Theo Airbus, đây còn là một dự án có nội dung giáo dục cao độ. “Chúng tôi cần làm chủ ngành máy bay chạy bằng điện bằng cách sản xuất hàng trăm chiếc trước”, Jean Botti cho biết. “Việc thiết kế và lắp ráp sẽ do các học viên thực hiện dưới sự giám sát của chúng tôi”, ông nói. Và thêm rằng học viên đó là sinh viên của các trường kỹ sư, chẳng hạn như Học viện Bảo trì hàng không Bordeaux hoặc như Trường Công nghệ của Poitiers và Bordeaux.
Ngọc Trung