Cùng dịp với sự kiện Tony Fernandes – CEO của AirAsia Group ra mắt cuốn tự truyện High Flying kể về hành trình đi đến thành công của thương hiệu AirAsia, phóng viên Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần đã được tham dự một chuyến tham quan trung tâm đào tạo nhân lực và trụ sở chính của hãng hàng không giá rẻ lớn nhất khu vực châu Á này tại sân bay KLIA2 – Kuala Lumpur.
Tại đây, phóng viên có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về cách thức mà AirAsia luôn giữ được nhịp độ tăng trưởng cao bất chấp sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường vận chuyển hàng không toàn cầu để lần thứ 9 liên tiếp nhận được giải thưởng danh giá “Hãng hàng không giá rẻ lớn nhất thế giới” từ Skytrax.
Với mức giá chuyển nhượng ban đầu chỉ tròn trịa một ringit, tức là từ một xuất phát điểm thấp đến khó ngờ, nhưng như một câu chuyện cổ tích của ngành vận chuyển hàng không, chỉ sau 16 năm, AirAsia đã vượt lên, nắm giữ vị thế của một tập đoàn hàng không chi phí thấp lớn nhất châu Á. Hiện tại doanh nghiệp này sở hữu hơn 200 máy bay A320 và A330 với tuổi đời trung bình chỉ 6,5 năm, hoạt động trên 280 đường bay, trong đó có 75 đường bay độc quyền tại 129 điểm đến và đi của 27 quốc gia trên toàn thế giới.
Với sự hiện diện của tám hãng bay trong tập đoàn, gồm Malaysia AirAsia (AK), Thai AirAsia (FD), Indonesia AirAsia (QZ), AirAsia X (D7), Philippine AirAsia (Z2), Thai AirAsia X (XJ), AirAsia India (I5) và Indonesia AirAsia Extra (XT) cùng phương châm “Now Everyone Can Fly”, AirAsia đã đem lại cho hành khách nhiều lợi ích hơn nhờ chiến lược cắt giảm chi phí dịch vụ tối đa nhưng vẫn đảm bảo mức an toàn bay cao nhất.
Một ngày làm quen với không gian và không khí làm việc tại RedQ (trụ sở chính của AirAsia tại Kuala Lumpur) đã giúp người viết tìm ra nguyên nhân vì sao thương hiệu hàng không này đạt được sự tăng trưởng ấn tượng như vậy. “Nobody has an office” (tạm dịch: Văn phòng này là của chung) chính là ý đồ của ông Tony Fernandes – người đứng đầu Tập đoàn AirAsia – khi thiết kế không gian làm việc tại RedQ.
Trong tòa nhà cao sáu tầng với diện tích sàn 18.000m² dành cho 2.000 nhân viên (khoảng 1/10 tổng số nhân viên của AirAsia trên toàn thế giới) không hề có sự hiện diện của bất cứ bức tường hay vách ngăn nào giữa các bộ phận hay các cấp bậc quản lý. Một không gian mở hoàn toàn để cho mọi ý tưởng được lan tỏa, cộng hưởng từ các thành viên trong cộng đồng AirAsia cùng với sự hỗ trợ đắc lực của công cụ Facebook Workplace.
Bên cạnh đó, toàn bộ nhân viên của AirAsia, từ phi công đến nhân viên trên mặt đất, đều được thụ hưởng những chương trình đào tạo chuyên nghiệp trong môi trường có đầy đủ trang thiết bị hiện đại bậc nhất khu vực tại Trung tâm ACAE (Asean Center Aviation of Excellence), nơi cung cấp cho các hãng nguồn nhân lực có chất lượng và đầy nhiệt huyết. Chính nhờ vào những sự đầu tư nghiêm túc cho các chương trình huấn luyện đào tạo về an toàn, an ninh tại đây mà AirAsia X trở thành hãng hàng không giá rẻ đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á được Cục Hàng không liên bang Mỹ cấp phép bay vào Hoa Kỳ.
Tại thị trường Việt Nam, thương hiệu AirAsia đang trở thành một điểm sáng nổi bật không chỉ vì đây là hãng hàng không có những dự định đầu tư khá mạnh tay để hiện diện tại phân khúc đường bay nội địa, mà còn do họ đã tạo được nhiều thiện cảm trong việc tích cực mở rộng đường bay đến nhiều thành phố của Việt Nam, điển hình gần nhất là đường bay Nha Trang – Kuala Lumpur. Bên cạnh ưu thế cung cấp giá vé rẻ, việc nỗ lực tăng cường các chuyến bay của AirAsia đến các thành phố nhỏ của nhiều quốc gia với mục tiêu tạo nhiều thuận lợi hơn cho người dân di chuyển bằng máy bay cũng là một yếu tố góp phần tạo nên sự nổi bật của AirAsia trên thị trường.
Là hãng hàng không giá rẻ nước ngoài đầu tiên tham gia khai thác các chuyến bay quốc tế tại Việt Nam từ năm 2005, đến giữa năm 2016, các hãng bay của tập đoàn hàng không này đã vận chuyển gần 5,9 triệu lượt khách đi và đến Việt Nam trên mười đường bay nối các thành phố của Việt Nam với các các thành phố của Malaysia, Thái Lan và Philippines, mỗi tuần thực hiện đến 129 chuyến bay.
Ông Spencer Lee – Giám đốc thương mại của AirAsia Berhad cho biết: “Trong năm nay, AirAsia đã đầu tư nhiều hơn vào thị trường Việt Nam vì tập đoàn chúng tôi đánh giá đây là một thị trường đầy tiềm năng. Năm ngoái, mức độ tăng trưởng của Air Asia trên các đường bay từ Malaysia đến Việt Nam đạt 89% và 90% ở chiều ngược lại. Đây thực sự là con số khá ấn tượng so với các hãng hàng không khác trên cùng tuyến bay.
Dự kiến trong quý I năm tới, AirAsia sẽ tiếp tục khai trương thêm một đường bay mới đến Việt Nam và sẽ tiếp tục gia tăng kết nối Việt Nam với nhiều quốc gia khác bằng các đường bay không cần quá cảnh tại Kuala Lumpur hay Don Muang”. Tập trung vào việc phục vụ mọi đối tượng khách hàng, đồng thời tạo nên một phong cách bay hiện đại, hợp xu hướng phát triển của thời đại kỹ thuật số, AirAsia giúp hành khách tự làm thủ tục thông qua website của hãng, app mobile hay tại các quầy làm thủ tục tự động (self check-in kiosk) được đặt tại sân bay và còn tiến tới cung cấp các quầy ký gửi hàng hóa tự động. Những yếu tố đó nhằm tối ưu hóa chất lượng dịch vụ của hãng, giúp hành khách chủ động hoàn toàn về thời gian và chi phí khi bay với AirAsia.
Sở hữu mạng lưới đường bay ngày càng dày đặc mà ít có đối thủ nào theo kịp, những thành công của AirAsia đến từ tinh thần tiên phong đổi mới, theo đuổi một nền văn hóa đề cao niềm đam mê với công việc và tinh thần đồng đội. Cùng với khả năng hiện thực hóa các ý tưởng một cách khá hiệu quả, AirAsia đem đến sự hài lòng ngày một cao và vẫn không ngừng bay cao hơn, xa hơn.