Trung Quốc, Korea, Nhật Bản, Việt Nam thời trung đại, theo những cách thức và ở những mức độ khác nhau, đều thuộc vùng văn hóa Nho giáo. Đầu thế kỷ 20, quá trình ảnh hưởng Tây học dần thay thế ảnh hưởng Hán học cũng đồng thời là quá trình hiện đại hóa. Nên không hiếm người theo thói quen thường đồng nhất phương Đông, truyền thống với lạc hậu, và ngược lại, phương Tây với hiện đại, tiến bộ, văn minh.
Ở Việt Nam, hình ảnh nho sinh lui vào dĩ vãng, nếu còn nhắc đến, người ta xem chừng sẵn lòng dè bỉu “hủ nho”, “đồ gàn bát sách”… Ngoài Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội đầu xuân dâng hương, xin chữ ông đồ, đêm Nguyên Tiêu hội thơ, mùa thi đông sĩ tử sờ đầu Rùa “xin lộc, cầu may”, quanh năm đón khách du lịch…, còn lại, các Văn Miếu khác trong cả nước như Văn Miếu Mao Điền, Hải Dương; Văn Miếu Xích Đằng, Hưng Yên; Văn Miếu Bắc Ninh; Văn Miếu Vinh, Nghệ An; Văn Miếu Diên Khánh, Khánh Hòa; Văn Miếu Trấn Biên, Đồng Nai; Văn Thánh Miếu Vĩnh Long thường chủ yếu là di tích lịch sử, lễ hội hàng năm một đôi lần. Xưa, nhiều địa phương có trường học Nho giáo, cả trường công lẫn trường tư, nhưng, đến nay, rất ít nơi còn giữ lại được.
Hàn Quốc thì trái lại, nhiều địa phương vẫn bảo tồn tốt các trường học Nho giáo, bên cạnh các trường công hyanggyo (hương giáo) là các trường tư seowon (thư viện). Mỗi ngôi trường như vậy đều đảm nhận chức năng vừa là nơi thờ phụng các bậc thánh hiền vừa là nơi vun bồi tài đức cho những nho sinh ôm hoài bão trở thành trí thức, sĩ phu vinh hiển công danh, phụng sự xã tắc.
Seowon đầu tiên được thành lập năm 1418 dưới thời vua Sejong; đến năm 1871, Nhiếp chính vương Heungseon ra lệnh đóng cửa hơn 700 seowon, chỉ trừ 47 cái được phép duy trì. Đầu thế kỷ 21, Hiệp hội Seowon quốc gia Hàn Quốc được thành lập nhằm mục đích “đào tạo tầng lớp kế thừa tinh thần seonbi (tinh thần Nho sĩ), truyền bá tinh thần ấy và là trọng tâm thực hiện luân lý xã hội, đóng góp vào việc xây dựng đất nước đạo đức thông qua trải nghiệm văn hóa seonbi (văn hóa Nho sĩ)”. Danh sách chỉ những seowon lớn, nổi bật, vẫn được bảo tồn và phát huy tốt ở các địa phương đã đạt đến con số 59. Nhiều seowon, có thể nói, đã thực sự “thức dậy sau giấc ngủ dài”, thường xuyên tổ chức các sự kiện tế lễ, các hoạt động du lịch, lễ hội, các khóa học cho thanh thiếu niên, không chỉ phục hồi mà còn cập nhật những giá trị văn hóa Nho giáo trong xã hội Hàn Quốc đương đại.
Nghe tin về Lễ hội trải nghiệm văn hóa seonbi ở Yeongju (từ ngày 4.5 đến ngày 7.5), tôi ngay lập tức chắc chắn rằng sự kiện này mình nhất thiết phải tham dự.
Seowon ở Yeongju do Chu Thế Bằng – Quận thú Punggi – xây dựng năm 1543, lúc đầu mang tên Baegundong (Bạch Vân động), 7 năm sau, nhờ đề xuất của Lý Hoảng – một trong hai bậc đại danh nho thời Joseon – mà được vua ban biển hiệu, đặt tên Sosu (Thiệu Tu). Đây là seowon đầu tiên được “tứ ngạch”, được triều đình bảo trợ, và hiện nằm trong danh sách 12 seowon được đề cử UNESCO công nhận Di sản Văn hóa thế giới.
Muốn kiểm nghiệm thực tế việc các bậc phụ huynh cũng như các trường học phổ thông Hàn Quốc quan tâm giáo dục con em qua trải nghiệm văn hóa seonbi ở các seowon, tôi quyết định đi Yeongju ngày thứ Bảy (5/5), ngày Tết thiếu nhi cũng là ngày đầu tiên trong dịp nghỉ ba ngày đầu hè mà năm nay người Hàn Quốc may mắn tình cờ có được.
Thuận lợi là có bạn Choi Hana dắt đi. Chưa nhìn thấy thư viện thì đã tranh thủ hỏi được kha khá thông tin thú vị. Chẳng hạn, ông nội, ông bố của bạn ấy gắn bó với Nho học ra sao, cháu bạn ấy 12 tuổi đã đọc sách cùng ông thế nào, đọc “Triều Tiên thực lục” hẳn hoi, tất nhiên là bản cho thiếu niên, đã được chuyển thành dạng truyện tranh.
- Xem thêm: Nho học, công lao và hệ lụy
May mắn hơn nữa là được đi cùng họa sĩ nổi tiếng Kim Jin Ho. Ông ấy và bạn Hana quen nhau cách đây 5 năm, khi ông tham gia trang trí mỹ thuật, còn Hana làm tình nguyện viên cho một sự kiện quốc tế ở Pyeongchang. Tôi và Hana đi tàu cao tốc KTX từ Seoul tới Pyeongchang, ông đón và chở tiếp tới Yeongju. Ông làm giám khảo cuộc thi thư pháp trong khuôn khổ lễ hội. Tranh thủ phỏng vấn trên xe, biết ra ông thuộc Ban chấp hành Hội Tranh thủy mặc toàn quốc và mới làm giám khảo cuộc thi chấm tranh thủy mặc tuần vừa rồi. Thế là tôi cứ hí ha hí hửng về vận may “tổ đãi”, dù ngó trên bản đồ thấy hành trình của mình lướt trên hai cạnh của hình tam giác, “mua đường” không ít. “Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa”, chịu xa xôi, diệu vợi chứ sao.
Các bãi giữ xe, mênh mông, san sát. Ông họa sĩ dùng quyền giám khảo mới vào được khu vực ưu tiên vốn chỉ dành riêng cho những người tham dự mặc trang phục truyền thống hanbok.
Người trẻ rất đông. Những cô cậu cấp một được bố mẹ, ông bà mặc cho áo mão quan trạng. Các chàng, các nàng cấp ba từng nhóm bạn tung tăng. Có nguyên cả vài lớp mặc trang phục nho sinh đang chuẩn bị thực hành một nghi lễ trang nghiêm. Rất nhiều lứa đôi, tay trong tay, dặt dìu…
Ông họa sĩ dẫn chúng tôi đến thẳng trường thi, nơi gần 300 người đang thi thư pháp. Họ gồm đủ mọi độ tuổi, lứa trung niên nhiều hơn, ai nấy say sưa hoàn thành tác phẩm của mình thể hiện những câu thơ, từ nổi tiếng được ban tổ chức ấn định (chọn 1 trong 4 đề). Giải Nhất được thưởng 5 triệu Won (tương đương 100 triệu VND), những tác phẩm thư pháp đẹp sẽ thuộc tài sản của seowon, được trưng bày trong các sự kiện hàng năm tiếp theo, và tất cả những người tham gia đều được nhận Chứng chỉ cùng những món quà đặc sản của địa phương. Bạn Hana ham quá, tự hứa học tập, luyện rèn công phu để năm sau “ứng thí”.
Khu vực thi sáng tác, bình luận văn chương thì phóng khoáng hơn. Band roll được treo bên một lầu các xinh đẹp, công bố các đề thi cho từng đối tượng học sinh, sinh viên, dân chúng. Thí sinh thoải mái kiếm bàn ghế cho mình ở bất cứ nơi nào giữa thiên nhiên, một tảng đá, một bãi cỏ, một mái hiên, hay bên bờ suối…
Các hoạt động khác vô cùng phong phú. Có thể chơi bắn cung, làm quen với Hội Hàn cung thế giới. Có thể trải nghiệm in bản khắc gỗ. Có thể vẽ, viết trên những cây quạt tuyệt đẹp bằng giấy Hanji sắc sảo hay bằng lụa óng. Thưởng thức trà lễ. Hay ăn bữa trưa đến 50 món dọn trên những bàn gỗ chân quỳ cổ kính…
Trên sân khấu lớn, nối tiếp nhau các chương trình đa dạng hấp dẫn, âm nhạc dân gian, âm nhạc cung đình, quân nhạc… Chưa kể ở bất kỳ một khoảng đất, một bãi cỏ rộng lớn nào cũng có thể bỗng trỗi lên tiếng chiêng trống và du khách được cuốn vào cuộc diễn xướng dân gian đặc sắc của một làng quê nào đó.
- Xem thêm: Xu hướng du lịch mới ở Hàn Quốc
Tiêu điểm của lễ hội, tất nhiên chính là Sosu seowon “có núi có suối tịch tĩnh, ẩn mình trong mây, bên cạnh khe núi ôn hòa”. Ngoài cùng là khu đình với lầu các, nơi nho sinh ngắm cảnh, tịnh tâm giữa thiên nhiên xinh đẹp. Không gian học tập hướng mặt về phía Đông bao gồm 11 giảng đường, 1 tàng bản các chứa gần 1.700 đầu sách với hơn 100 loại sách. Trai thất, nơi nho sinh ăn ở, sinh hoạt được bố trí đối xứng trong những khu vườn rộng rãi phía đông và phía tây của giảng đường. Trong cùng và được bao quanh bởi những bức tường, hướng mặt về phía Nam là khu thờ tự cao quý, tôn nghiêm, thờ phụng An Hyang (1243-1306), ông Tổ của Tân Nho giáo Korea, người đã đưa ảnh hưởng Tống Nho vào bán đảo thời Hậu kỳ Goryeo.
Khuôn viên lễ hội còn bao gồm toàn vẹn một ngôi làng cổ, du khách ghé vào những ngôi nhà được bảo tồn nguyên dạng kiến trúc xưa, nhà của yangban (lưỡng ban, tức quý tộc) phân biệt rõ nét với nhà người bình dân. Sân vườn, mái hiên các ngôi nhà cũng được sử dụng làm không gian cho các gallery tranh dân gian, tranh thủy mặc, thư pháp, đồ gốm sứ, các nhạc cụ…, các gian hàng thủ công mỹ nghệ…
Khu Bảo tàng rộng lớn, phong phú tranh ảnh, hiện vật, trình bày khái quát lịch sử du nhập, phát triển Nho giáo ở Korea, tập trung giới thiệu Sosu Seowon cũng như văn hóa seonbi trong truyền thống triết học, đạo đức, giáo dục Tính lý học thời Joseon. Một triển lãm chuyên đề vừa mới được khai mạc nhân tuần lễ hội.
Cũng như chúng tôi, du khách, cả người Hàn lẫn khách nước ngoài, cứ thế mê mải trong thế giới phong lưu của nho sinh. “Nhàn, Mỹ, Thanh, Thích”. “Thanh, Tân, Sái, Lạc”. Hân thưởng, trân quý cái đẹp của vạn vật cùng tha nhân, hân thưởng, trân quý niềm vui đời sống, nỗ lực vun bồi cái đẹp hoàn thiện của bản ngã…
Cứ thế mê mải quên thì giờ, đến lúc trở ra, kẹt xe trên cao tốc, chạy tới Heongsong rồi quành lại Pyeongchang, Hana phải đặt mua lại vé cho chuyến tàu muộn hơn… Quá mệt, nhưng mà một hành trình tinh thần thật mãn nguyện.