Adecco Việt Nam công bố bản Cập nhật thị trường lao động Quý 1/2022, chia sẻ những hiểu biết của chúng tôi về nhu cầu và xu hướng tuyển dụng trong quý này, đồng thời đưa ra lời khuyên cho nhà tuyển dụng lẫn người lao động để thích nghi với những thay đổi của “bình thường mới”.
Thị trường tuyển dụng đầu năm khởi động nhộn nhịp
Với chiến lược thích ứng an toàn với COVID-19, nền kinh tế đang có nhiều dấu hiệu lạc quan, kéo theo đó là thị trường tuyển dụng sôi động ngay từ những tháng đầu năm.
So với cùng kỳ năm ngoái, trong quý này, dữ liệu từ Adecco Việt Nam cho thấy số lượng yêu cầu tuyển dụng khá tương đương. Tuy nhiên, số người chủ động tìm việc và ứng viên giảm khoảng 20%.
Giải thích về điều này, ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương, Phó Giám đốc bộ phận Tuyển dụng, Adecco TP.HCM, cho biết, “Đa số các nhân sự có kinh nghiệm nhận thấy bản thân có chỗ đứng tốt và quyết định ở lại công ty hiện tại trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi với nhiều triển vọng phía trước. Mặt khác, các doanh nghiệp tiếp tục tìm kiếm nhân tài để thúc đẩy kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực Sản xuất và Dịch vụ, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động đáng chú ý trong các lĩnh vực này ”.
Bà Nguyễn Thu Hà, Giám đốc Văn phòng Adecco Hà Nội, cũng chỉ ra nhu cầu tuyển dụng cấp thiết trong các lĩnh vực sử dụng số lượng lớn lao động như may mặc, điện tử, chế biến thực phẩm, da giày, v.v. Đơn đặt hàng tăng vọt sau dịp Tết nhưng tình trạng thiếu lao động vẫn tiếp diễn. Theo bà Nguyễn Thu Hà chia sẻ, “Một bộ phận người lao động ở lại quê nhà có khả năng vì họ đã được tìm kế sinh nhai khác. Họ cũng lo sợ về nguy cơ bị lây nhiễm dịch bệnh và một đợt bùng phát khác, đặc biệt là những người phải chăm sóc trẻ nhỏ hoặc người thân lớn tuổi. Thêm vào đó, chi phí sinh hoạt cao cùng với mức lương chưa tương xứng cũng khiến người lao động ngần ngại trong việc quay trở lại các vùng đô thị ”.
Điều không mấy ngạc nhiên là các nhà máy đang cố gắng nhiều cách để thu hút người lao động trong bối cảnh thiếu hụt nhân công hiện nay. Các cách tiếp cận rất đa dạng, từ việc trả tiền thưởng khi ký kết và thưởng khi giới thiệu người quen, đến việc hợp tác với các đơn vị tuyển dụng hoặc trung tâm giới thiệu việc làm ở địa phương.
Du lịch, một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19, cũng đang tuyển dụng quy với mô lớn. Du lịch đã mở cửa trở lại hoàn toàn kể từ ngày 15 tháng 3 với những thay đổi sâu sắc trong mô hình hoạt động và hành vi của khách du lịch. Tin vui này đi kèm với lo ngại về cơ sở vật chất xuống cấp, và quan trọng hơn là sự thiếu hụt nhân sự cùng với kỹ năng sa sút sau một thời gian dài ngủ đông.
Năm 2021, số lao động làm việc toàn thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020. Số còn lại đã bị cho thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng, nghỉ việc tạm thời hoặc làm việc cầm chừng. Nhiều nhân sự chuyên môn đã rời đi trong hai năm qua và hiện không muốn quay lại do lo ngại về những bất ổn dịch COVID-19 gây ra.
Các công ty du lịch – nhà hàng – khách sạn đang gấp rút tuyển dụng và đào tạo nhân viên để chuẩn bị tái khởi động. Bên cạnh các quy định về an toàn, trải nghiệm trực tuyến cũng đang trở thành tiêu chuẩn trong bình thường mới. Vì vậy, bên cạnh các vị trí truyền thống, các vị trí am hiểu công nghệ đang được săn đón để đảm bảo trải nghiệm khách hàng tốt nhất khi đặt phòng, làm thủ tục hoặc tương tác trực tuyến. Nhiều doanh nghiệp vừa tuyển dụng và đào tạo lại các nhân sự cũ, vừa tìm kiếm sinh viên mới tốt nghiệp để san sẻ công việc.
Trong quý này, các nhà tuyển dụng trong các lĩnh vực Fintech, Bán lẻ và Tiêu dùng cũng tăng cường tuyển dụng các vị trí về Bán hàng và Tiếp thị, Sản phẩm và Công nghệ, và Kỹ thuật.
“Xu hướng tuyển dụng gần đây cho thấy Fintech cùng với ngành Logistics và Sản xuất đang đi lên tại Việt Nam. Do đó, tâm điểm hiện đang tập trung vào các vai trò thiên về công nghệ như Quản lý sản phẩm (Product Manager), Phân tích kinh doanh (Business Analyst) hoặc Phát triển phần mềm (Software Developer), cũng như các vai trò Quản lý chất lượng (Strategic Quality), Nguồn cung ứng (Sourcing) và Kỹ thuật (Engineering). Cùng với sự phát triển của các lĩnh vực Năng lượng tái tạo, Dịch vụ Tài chính và Logistics, nhu cầu tuyển dụng đối với các vị trí Đầu tư, Bán hàng và Phát triển Thị trường mới sẽ tăng lên”, ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương cho biết.
Sẵn sàng cho một năm đầy cơ hội
Như đã nêu trong Báo cáo Hướng dẫn lương 2022 của chúng tôi, việc tương tác trực tuyến ngày càng phổ biến dẫn đến sự quan tâm ngày càng tăng đối với các vị trí sáng tạo liên quan đến trực quan và trải nghiệm trực tuyến, chẳng hạn như Thiết kế đồ họa, Thiết kế UI/UX hoặc Tiếp thị kỹ thuật số. Tương tự, các vị trí chịu trách nhiệm về sự thích ứng của công ty như Chiến lược & Chuyển đổi (Strategy & Transformation), Tạo giá trị (Value Creation) hoặc Tham mưu (Chief of Staff) cũng đang được chú ý.
Bà Nguyễn Thu Hà tin rằng nhân sự trong lĩnh vực CNTT sẽ tiếp tục được săn đón trong những năm tới. Bà đưa ra nhận định, “Dịch COVID-19 để lại nhiều di sản tác động đến cách chúng ta làm việc. Các xu hướng chuyển đổi số, tự động hóa, làm việc từ xa, và thuê ngoài là một vài ví dụ. Đầu tư vào nhân sự CNTT là điều tất yếu để doanh nghiệp có thể tăng trưởng và phát triển trong bối cảnh hậu COVID-19. Bên cạnh xu hướng chuyển đổi công nghệ của các doanh nghiệp nội địa, việc gia tăng đầu tư nước ngoài và nhu cầu thuê ngoài trong lĩnh vực này cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu nhân sự CNTT”.
Chẳng hạn, tháng 11 vừa qua tại Đà Nẵng, công ty có trụ sở tại Singapore Infracrowd Capital đã ký biên bản ghi nhớ về việc đầu tư phát triển Trung tâm dữ liệu với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 100 triệu USD.
Bà Nguyễn Thu Hà cũng chỉ ra rằng xu hướng làm việc từ xa sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn cho những ứng viên có khả năng ngoại ngữ và kỹ năng số.
“Trong kỷ nguyên kỹ thuật số hiện nay, để duy trì được năng lực cạnh tranh đòi hỏi người lao động phải đầu tư vào cả chuyên môn và kỹ năng mềm. Hơn nữa, việc chuẩn bị cho mình các kế hoạch sự nghiệp ngắn hạn và dài hạn cũng đảm bảo người lao động có thể chủ động hơn trong việc đối mặt với các biến động của thị trường lao động trong tương lai”.
Ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương nhấn mạnh các yếu tố nhà tuyển dụng chú trọng nhất: “Với xu hướng làm việc từ xa và số hóa, thế giới gần đây đã chuyển từ việc yêu cầu sự hiện diện tại nơi làm việc sang văn hóa làm việc linh hoạt nhưng hiệu quả. Do đó, bên cạnh việc thành thạo các công cụ kỹ thuật số, thì tính sáng tạo, khả năng quản trị từ xa, kỹ năng xây dựng lòng tin, và tư duy phản biện là các yếu tố cần thiết để trở nên nổi bật giữa hàng triệu nhân sự cổ cồn trắng”.
Về phía người sử dụng lao động, giờ là lúc để “đi đầu trong việc thúc đẩy tương lai của công việc (future of work) bằng việc áp dụng mô hình nơi làm việc mới – mô hình làm việc kết hợp hoặc linh hoạt”, ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương đưa ra lời khuyên. Ông cho rằng, “Đây cũng là cơ hội cho các sáng kiến mới trong văn hóa tổ chức, chẳng hạn như sử dụng các công cụ số trên quy mô lớn hơn khi chuyển đổi quy trình nhân sự”. Tuy nhiên, cơ hội đi kèm với thách thức, “Người sử dụng lao động nên cân bằng giữa nhu cầu cạnh tranh và thích ứng với mô hình làm việc kết hợp mà không tạo ra ảnh hưởng lớn đến các chính sách về tiền lương và phúc lợi của nhân viên. Ngoài ra, việc duy trì sự hòa nhập và mức năng suất có thể gặp nhiều trở ngại khi đội ngũ không phải lúc nào cũng gặp mặt nhau.”
Đối với các doanh nghiệp Sản xuất, bà Nguyễn Thu Hà cho rằng “hình thức phi tập trung có thể giúp ích trong việc tìm nguồn cung lao động”. Bà giải thích, “Việc di dời các nhà máy về khu vực nông thôn giúp tiếp cận với lực lượng lao động địa phương, những người đã rời bỏ các khu công nghiệp trước đây, đồng thời giảm thiểu chi phí lao động. Nhiều nhà sản xuất đã đi theo hướng này trong những năm gần đây, mở rộng và xây dựng thêm các nhà máy ở các tỉnh như Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên”.
Ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương cho biết thêm, “Các chiến dịch tuyển dụng hàng loạt và xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn là chìa khóa để rút ngắn thời gian tuyển dụng. Về lâu dài, doanh nghiệp cũng nên sửa đổi các chính sách giữ chân người lao động và đãi ngộ để duy trì những người lao động có tay nghề cao”.