World Cup 2014 không phải là vòng chung kết bóng đá thành công nhất của đội tuyển Mỹ về thành tích, khi họ chỉ lọt vào vòng 2 (đội Mỹ từng vào đến bán kết của World Cup 1930 và tứ kết World Cup 2002), nhưng lại là kỳ World Cup thành công nhất về mặt quảng bá bóng đá cho người Mỹ. Ở đất nước mà bóng đá chỉ xếp thứ năm trong số các môn thể thao được yêu thích (sau bóng bầu dục, bóng chày, bóng rổ và khúc côn cầu trên băng), lương của một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp chỉ bằng 1/10 lương một vận động viên bóng rổ nhà nghề, thì phải sau mùa hè tại Brazil, dân Mỹ mới xếp bóng đá vào danh sách các môn thể thao đáng xem.
Có được điều này là nhờ vào đội tuyển quốc gia do huấn luyện viên người Đức Klinsmann dẫn dắt đã thực sự chinh phục người Mỹ, tạo được một tinh thần Mỹ, lối đá Mỹ đầy cuốn hút. Chất Đức do Klinsmann đem lại kết hợp với chất Mỹ đã tạo nên bản sắc mới cho đội tuyển nước này. Ngoài ra, đội tuyển Đức “xịn” vô địch World Cup một cách thuyết phục càng làm cho niềm tin vào bóng đá đẹp của người dân xứ cờ hoa tăng lên. Họ chấp nhận bóng đá, đến sân vận động, xem các ngôi sao sân cỏ thi đấu, hò reo cổ động… Nhờ tinh thần đang lên ấy của người Mỹ mà những câu lạc bộ chọn quốc gia này là điểm đến trong hành trình du đấu hè được hưởng lợi. Đó là Manchester United (M.U), Manchester City, Liverpool và Arsenal (Anh), Real Madrid (Tây Ban Nha), Bayern Munich (Đức), AC Milan, Inter Milan, AS Roma (Ý). Nghĩa là hầu hết các câu lạc bộ hàng đầu của bốn nền bóng đá mạnh nhất lục địa già.
Có đến 109.318 người đến xem trận đấu giữa M.U và Real Madrid tại Mỹ (ngày 2-8)
Các sân vận động chật cứng khán giả và dù chỉ là các trận theo kiểu giao hữu dưới danh nghĩa cúp (như International Champions Cup), giá vé vẫn cao ngất ngưởng, cao nhất lên tới 400-500 USD. Nhưng khi đã yêu thì điều đó không còn quan trọng, họ đến để được xem các ngôi sao hàng đầu thế giới bằng xương bằng thịt, điều chỉ có thể thấy trong mùa hè, còn khi giải chuyên nghiệp Mỹ (MLS) khởi tranh, họ phải hài lòng với những ngôi sao đã qua thời đỉnh cao như David Beckham, Thierry Henry, hay tương lai gần nhất là Frank Lampard. Chẳng hạn, trận đấu giữa M.U và Real Madrid có sự xuất hiện của đương kim quả bóng vàng Cristiano Ronaldo trong hai mươi phút cuối. Trận đấu tại Michigan ấy, mà vé được bán sạch chỉ sau vài giờ, đã thu hút lượng khán giả kỷ lục là 109.318 người. Kỷ lục trước đó về số khán giả Mỹ đến xem một trận bóng đá là 101.799 người, trên sân Rose Bowl, là trận chung kết Olympic bóng đá năm 1984.
Đương kim vô địch Đức Bayern Munich dĩ nhiên không muốn “mất phần” vào tay các đồng nghiệp đến từ Anh, Ý hay Tây Ban Nha. Mà người Đức đã làm là làm đến nơi đến chốn. Họ đã khai trương Văn phòng đại diện chính thức của mình tại Mỹ, sau đó có một trận đấu ra mắt thành công trước khán giả Mỹ, với chiến thắng nhẹ nhàng 1-0 trước đối thủ đến từ Mexico CD Guadalajara trong trận tranh Cúp Audi Football Summit. Sau trận đấu này, Bayern Munich bay đến Portland, tham gia các hoạt động do nhà tài trợ T-Mobile và adidas tổ chức, trước khi có trận đấu với đội Các ngôi sao giải nhà nghề Mỹ (6-8). Tất cả các cầu thủ nổi tiếng nhất của Bayern Munich sẽ có mặt và đội bóng có một buổi tập mở cho khán giả nước chủ nhà thưởng thức.
Bóng đá chuyên nghiệp phải gắn với làm kinh tế, mà có ai làm kinh tế tốt hơn người Mỹ? Một khi dân Mỹ đã có niềm đam mê với trái bóng tròn, giới kinh doanh Mỹ sẽ vào cuộc và đẩy hoạt động kiếm tiền thông qua bóng đá chuyên nghiệp lên một tầm cao mới. Hãy chờ xem! Chưa gì mà các nhà tài trợ cho M.U đã muốn đội bóng này quay lại Mỹ ngay mùa hè sau, thay vì du đấu châu Á như dự kiến.
Địch Vân