Một hội thảo quốc tế “Khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc đặt dàn khoan 981 trong vùng biển Việt Nam được Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh tổ chức trong hai ngày 26 và 27-7, thu hút sự tham dự của 50 học giả là những chuyên gia về luật quốc tế đến từ 12 quốc gia cùng đại diện một số cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, nhà báo và các nhà nghiên cứu của Việt Nam.
Bằng những phân tích độc lập, khách quan và khoa học, các học giả đã làm sáng tỏ những vấn đề pháp lý quốc tế của việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 sai trái trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời phân tích kỹ các quy định của các văn bản pháp lý quốc tế liên quan đến việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp chính trị, ngoại giao. Khả năng áp dụng các biện pháp pháp lý để giải quyết các tranh chấp hiện nay trên Biển Đông cũng được đề cập trên cơ sở phân tích sâu sắc những điều kiện, cơ chế khởi kiện và giá trị pháp lý của các phán quyết do các tòa án quốc tế đưa ra.
Một số học giả cho rằng Trung Quốc muốn thể hiện mình không còn là một Trung Quốc của mười năm trước, mà đã mạnh hơn nhiều nên tùy tiện tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở nhiều nơi, kể cả những nơi chỉ có những mỏm đá nhỏ lô nhô trên mặt biển.
Bà Jeanne Mirer – Chủ tịch Hiệp hội Luật sư dân chủ quốc tế (IADL) nêu lên một thực tế là Trung Quốc chưa bao giờ thừa nhận mình làm sai, kể cả những sai phạm mà cộng đồng thế giới lên án mạnh mẽ như việc hạ đặt phi pháp giàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bà tiên đoán rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ không thay đổi ý đồ xâm lấn biển Đông dù đã di chuyển giàn khoan đó ra khỏi vùng biển Việt Nam. Theo đề xuất của bà, các chuyên gia luật pháp quốc tế cần hợp lực để tìm ra phương án tối ưu nhất đối phó với những bước đi rất khó lường của Trung Quốc.
Tại hội thảo, Giáo sư Baladas Ghoshal – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nam Á và Đông Nam Á thuộc Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ) đánh giá rằng tiếng nói của ASEAN sẽ góp phần kiềm chế tham vọng của Trung Quốc.
Là người am hiểu tình hình tranh chấp trên Biển Đông, Giáo sư Carl Thayer (Đại học New South Wales, Úc) nhận định nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang trên Biển Đông là rất thấp vì cộng đồng quốc tế sẽ ngăn chặn họ sử dụng vũ lực. Giáo sư phân tích rõ từng bước đi có tính toán của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông, phản biện những lập luận chủ quyền sai trái của các học giả Trung Quốc, đề xuất nhiều giải pháp, đặc biệt là đề nghị khối ASEAN xây dựng lực lượng kiểm ngư, lực lượng cảnh sát biển chung, thiết lập một diễn đàn thống nhất của toàn khối, lập hẳn một hội đồng bảo an của ASEAN…
Nguyễn Thắng