Vào ngày 26-7, Hội thảo nghề nghiệp VietAbroader lần đầu tiên đã diễn ra tại Khách sạn Grand (TP.HCM), đánh dấu một chặng đường mới trong quá trình hình thành và phát triển suốt 10 năm của VietAbroader. Tuy lần đầu được tổ chức nhưng Hội thảo nghề nghiệp đã thành công trong việc giúp các bạn sinh viên có cơ hội được gặp gỡ và lắng nghe những chia sẻ từ các chuyên gia, nhà tuyển dụng từ nhiều lĩnh vực khác nhau.
Sinh viên cần chuẩn bị những gì?
Theo các nhà tuyển dụng, thị trường lao động Việt Nam hiện nay đang thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực có chất lượng cao trong khi nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng vẫn thất nghiệp; bên cạnh đó, không ít du học sinh tỏ ra ngần ngại về việc “trở về” sau khi tốt nghiệp. Với mong muốn trở thành một cầu nối để đưa các sinh viên, các doanh nhân trẻ và các công ty, tổ chức đến gần nhau hơn, Hội thảo nghề nghiệp VietAbroader tập trung vào việc giúp các bạn trẻ tham gia có cái nhìn toàn cảnh cũng như chi tiết hơn về thị trường lao động nói chung và lĩnh vực mà các bạn đang theo đuổi. Ngoài ra, trong chương trình buổi chiều của hội thảo, người tham dự còn có cơ hội được trực tiếp phỏng vấn và tìm kiếm cơ hội làm việc với các công ty, tập đoàn lớn đang hoạt động tại Việt Nam.
Hội thảo được mở đầu bằng phần chia sẻ của chị Đường Thu Hương – Giám đốc Đối ngoại và Điều hành Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Vietnam. Với chủ đề Thị trường việc làm tại Việt Nam: Cơ hội và Thách thức, phần chia sẻ của chị Thu Hương đã giúp mang đến cho các bạn trẻ những nhận định về các cơ hội tại thị trường việc làm Việt Nam dưới góc nhìn của chính những người đã đạt được thành công với lựa chọn của mình. Với những số liệu thống kê từ Jobstreet, chị Thu Hương khẳng định Việt Nam đang sở hữu dân số vàng với khoảng 50% dân số đang ở độ tuổi lao động. Giải đáp cho câu hỏi “Giữa kiến thức nhà trường và kinh nghiệm thực tiễn, đâu là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình tìm việc?”, theo chị Hương, cả hai yếu tố đều quan trọng như nhau trong mắt các nhà tuyển dụng. Nếu như kiến thức nhà trường là nền tảng cho những cuộc nói chuyện, giao tiếp với người khác, thì kinh nghiệm thực tiễn lại thể hiện khả năng giải quyết vấn đề của các ứng viên dự tuyển.
Ngoài ra, với kinh nghiệm của một người đã từng phải trải qua những đắn đo trước khi quyết định trở về Việt Nam lập nghiệp sau quá trình du học, chị Thu Hương cũng đã có những lời khuyên rất thiết thực đến các bạn trẻ. Chị khẳng định tuổi trẻ chính là tài sản quý giá nhất mà các bạn đang có, và cũng chính vì vậy nên các bạn có nhiều thời gian để cố gắng hết sức với sự lựa chọn của mình. Và với câu hỏi của chị Thu Hương “Vai trò của sinh viên Việt Nam với sự phát triển của đất nước?”, nhiều sinh viên tham dự đã chia sẻ những suy nghĩ của mình nhưng đa phần đều có chung suy nghĩ: các bạn trẻ chính là tương lai của Việt Nam và để có những sự thay đổi tích cực, chính các bạn phải tự học cách sống đẹp, sống có ích và luôn cố gắng truyền nguồn cảm hứng đó đến những người xung quanh.
Những điều tuổi trẻ thừa, tuổi trẻ thiếu
Sau phần chia sẻ của chị Thu Hương là phần chia sẻ của các diễn giả: anh Edward Thái, chị Vũ Hoàng Yến, chị Nguyễn Trần Phi Yến, anh Ngô Chí Giang (Tony) và anh Huỳnh Minh Việt. Dù chủ đề là “Làm sao để chuẩn bị tốt nhất cho thị trường lao động Việt Nam”, phần chia sẻ vẫn tập trung vào những kỹ năng và lưu ý chung mà bất cứ bạn trẻ nào cũng cần phải biết. Từ những chi tiết nhỏ như việc phải lưu ý đến việc làm nổi bật lên thế mạnh của bản thân trong mắt nhà tuyển dụng cho đến tầm quan trọng của việc chăm chút cho bộ hồ sơ của mình được gọn gàng và logic, các diễn giả còn chia sẻ thêm những việc mà các bạn phải chuẩn bị cho mình trong một quá trình. Chị Phi Yến chia sẻ: “Một trong những vấn đề mà các bạn trẻ hay gặp chính là ảo tưởng về bản thân, các bạn phải học cách nhìn ra xung quanh chứ không chỉ tập trung vào bản thân mình”. Trong khi đó, anh Tony lại khẳng định các bạn phải nỗ lực để vượt ra khỏi nhóm nhân viên có kỹ năng “trung bình”. Các nhà tuyển dụng thường không yêu cầu các bạn trẻ phải có tất cả các kỹ năng cần thiết vào thời điểm tuyển dụng, nhưng cái mà họ tìm kiếm chính là tiềm năng và khả năng phát triển của các ứng viên. Ngoài ra, thất bại và cách mà các bạn trẻ học từ thất bại của mình cũng được các diễn giả nhắc đến trong buổi chia sẻ.
Bên cạnh việc “phân tích, mổ xẻ” về góc nhìn của những nhà tuyển dụng, các diễn giả cũng chia sẻ những câu chuyện của chính mình trong những ngày đầu lập nghiệp. Dường như định hướng luôn luôn là một trong những thử thách với những người trẻ dù ở bất cứ thế hệ nào. Việc chưa xác định được điều mình muốn làm khi tốt nghiệp không phải là một điều xấu. Thực tế, chưa thể xác định liệu việc tìm được một công việc làm tốt ngay sau khi tốt nghiệp và việc gặp phải những khó khăn, thất bại lúc đầu để từ đó nhận ra mình đã đi sai hướng, cái nào tốt hơn cái nào. Và đó cũng là lúc kỹ năng “tự đánh giá bản thân” trở nên quan trọng. Cuối cùng, anh Edward đề cập đến một vấn đề mà nhiều du học sinh hiện đang bối rối: “Có trở về Việt Nam hay không?”. Anh chia sẻ: “Làm việc ở các nước phát triển với áp lực công việc cao và một hệ thống chuyên nghiệp, các bạn trẻ sẽ học được nhiều kinh nghiệm và kỹ năng trong một thời gian ngắn, tuy nhiên cơ hội để được giữ các vị trí quan trọng ở thời điểm nửa đầu của sự nghiệp cũng thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất ở đây chính là cơ hội để tạo nên những thay đổi. Ở Việt Nam, những trí thức trẻ có kiến thức, kỹ năng sẽ có nhiều cơ hội hơn để làm những việc có tác động tích cực đến xã hội, và chính xã hội Việt Nam cũng đang cần những người trẻ dũng cảm và có mong muốn đóng góp cho đất nước.
Một điểm đặc biệt nữa của chương trình hội thảo chính là các phòng thảo luận ngành nghề, tạo cơ hội cho người tham dự được gặp gỡ các chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Các lĩnh vực được thảo luận bao gồm: Các dịch vụ tài chính phiên, Giáo dục, Tiếp thị – PR – Truyền thông, Tập đoàn đa quốc gia, Công ty khởi nghiệp – Công nghệ – Điện tử thương mại, Tổ chức phi lợi nhuận.
Nhật Hà