Thung lũng Tú Làn xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình, cách trung tâm Phong Nha khoảng 70km được mệnh danh là rốn lũ của Quảng Bình, hằng năm thường xuyên phải hứng chịu những đợt thiên tai, bị cô lập bởi nước lũ.
Minh Hóa cũng là một trong những huyện nghèo của tỉnh, nhưng từ khi có mô hình du lịch thám hiểm hang động vùng Tú Làn, đời sống cư dân đang thay đổi từng ngày theo chiều hướng tích cực.
Nói đến hệ thống hang động Quảng Bình, người ta biết đến Phong Nha – Kẻ Bàng với chuỗi hang động hang Én, hang Tối, hang Thiên Đường, và nổi bật nhất trong đó là Sơn Đoòng – kỳ quan đệ nhất động… tất cả đã được đưa vào khai thác phục vụ du lịch và đạt hiệu quả tốt cả về mặt kinh tế lẫn quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới.
Riêng với vùng thung lũng Tú Làn, nơi tập trung hơn 20 hang động liền kề như hang Chuột, hang Ươi, hang Kim, hang Tú Làn, hang Tiên, hang Ken, hang Hung Ton… vẫn còn khoảng cách khá xa trong sổ tay lữ hành của người yêu thích du lịch mạo hiểm.
Tháng 6, đề án khai thác du lịch vùng Tú Làn được UBND tỉnh Quảng Bình chính thức phê duyệt, dân nghèo vùng Minh Hóa có thêm nghề mới, là hạt nhân quan trọng trong khâu thực hiện các hành trình du lịch thám hiểm.
Du lịch thám hiểm
Trong chuyến khảo sát và thám hiểm các hang động vùng thung lũng Tú Làn tháng 4-2012, chuyên gia thám hiểm Howard Limbert – thành viên Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh (BCRA) – chia sẻ với chúng tôi rằng: “Tú Làn trong tương lai sẽ là một điểm đến hấp dẫn cho loại hình du lịch thám hiểm.
Tôi cùng những thành viên BCRA đang xây dựng những mô hình phát triển du lịch hướng đến cộng đồng, người dân ở đây còn gặp nhiều khó khăn, và chúng tôi muốn việc khai thác loại hình du lịch nơi đây phải gắn bó với cộng đồng, đem lại nguồn lợi chính cho người bản địa”. Chuyến thám hiểm năm ấy đã khám phá thêm hai hang động mới vùng Tú Làn là hang Ken và hang Ươi.
Trở về từ hành trình ấy, một đề án du lịch ra đời, là sự kết hợp, hỗ trợ giữa các thành viên của BCRA và Hãng lữ hành Oxalis – với chủ nhân cũng là một cư dân bản địa. Từ một làng quê hẻo lánh trong thung lũng Tú Làn, người xã Tân Hóa bắt đầu quen dần với những chuyến đi thám hiểm trong vai trò làm người dẫn đường, khuân vác đồ đạc, nấu bếp cho các chuyến khảo sát liên tiếp diễn ra sau đó.
Cũng trong năm 2012, tuyến du lịch thử nghiệm khám phá hang động thung lũng Tú Làn ra đời, và trong suốt hai năm lượng khách (90% là người nước ngoài) tham gia ngày càng đông. Người Tân Hóa, Minh Hóa ngoài lao động đồng áng, mỗi ngày lại đảm trách thêm công việc hỗ trợ dẫn khách du lịch tham quan chính vùng đất sống của họ.
Chỉ trong hai năm thử nghiệm tuyến du lịch thám hiểm hang động vùng thung lũng Tú Làn, Quảng Bình, theo thống kê của Công ty Oxalis, lượng khách đến tham quan đã mang lại nguồn thu nhập trực tiếp cho người Minh Hóa trung bình năm hơn 600 triệu đồng. Mỗi thành viên tham gia đưa khách đi tham quan nhận được mức thu nhập trung bình 250.000-300.000 đồng/ngày, và hiện có 50 nhân sự như thế.
Điểm hấp dẫn du khách khi tham gia các hành trình thám hiểm vùng Tú Làn, chính là cảm giác được sống hòa mình cùng thiên nhiên, khám phá thêm những nét đẹp do chính những người bản địa hướng dẫn, giới thiệu.
Trong hành trình mới đây, Miquel Pascual, 21 tuổi, đến từ Tây Ban Nha sau hành trình khám phá vùng Tú Làn đã chia sẻ rằng: “Đây là một cuộc trải nghiệm mạo hiểm tôi chưa từng có trong đời. Cảm giác hồi hộp, sợ hãi, sau đó là niềm vui khi chinh phục hẳn một hang động hoàn toàn không có tác động của phương tiện hiện đại, tôi có cảm giác mình như được trở thành một nhà thám hiểm thực thụ”.
Khi người dân hưởng lợi
Hiện tại, mỗi ngày đều có các đoàn du khách đến thám hiểm Tú Làn, với hành trình trung bình kéo dài từ 1-4 ngày, ba nhà ở dành cho du khách được xây dựng theo mô hình homestay tại Tân Hóa, một quỹ hỗ trợ do Công ty Oxalis thiết lập để xây dựng, sửa chữa và xây mới Trường Tiểu học số 2 Tân Hóa với nguồn kinh phí ban đầu lên đến 200 triệu đồng… Có thể nói, Tân Hóa, Minh Hóa đang thay đổi diện mạo từng ngày, tất cả nhờ vào du lịch.
Năm mươi người địa phương khi dẫn khách tham gia hành trình du lịch mạo hiểm, đều đã qua quá trình đào tạo kỹ năng cứu hộ an toàn do các chuyên gia hàng đầu của BCRA như Ian Watson, Martin Holroyd… hướng dẫn, các khóa học sơ cấp cứu do Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam huấn luyện, các kỹ năng đảm bảo giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm… các nhân sự này khi đạt chuẩn do BCRA đánh giá sẽ được tuyển chọn để phục vụ du khách.
Khi người Tân Hóa, Minh Hóa làm du lịch, ngoài nguồn lợi chính về kinh tế, ý thức giữ gìn môi trường tự nhiên cũng thay đổi theo chiều hướng tích cực, bởi người dân thấy được vẻ đẹp của rừng, hang động là của chính họ. Ý thức ấy ngày càng ngấm dần trong cách cư xử với thiên nhiên.
Du khách Deirdre Osegan đến từ Đan Mạch đã không giấu khỏi ngạc nhiên: “Tôi đi qua nhiều hành trình thám hiểm thuộc khu vực châu Á, lên cả Kashmir, nhưng khi đến Tú Làn, tôi thực sự ấn tượng vì cảnh đẹp, hoang sơ, người phục vụ chu đáo, chuyên nghiệp, có tinh thần cao trong việc gìn giữ môi trường, nhìn cách họ dọn từng mẩu rác khiến tôi ngạc nhiên, bởi tôi thấy ngay cả cư dân ở những thành phố lớn không phải ai cũng có ý thức tốt như thế”.
Người dân được học thêm cách chuẩn bị các món ăn đơn giản, đậm văn hóa vùng miền để giới thiệu và chăm sóc du khách. Cứ mỗi lời khen nhận từ khách, lại thêm một niềm vui, và đó là giá trị thực mà người dân đang thụ hưởng.
Trong một hành trình trải nghiệm Tú Làn với bữa tiệc thịt nướng bên dòng thác ở cửa hang Hung Ton, Alexander Bosodin, du khách Nga đầy phấn khởi chia sẻ: “Món bánh cuốn thịt nướng được người dẫn đường hướng dẫn cách làm, ăn thật ngon. Tôi mơ cũng chưa thể hình dung có ngày mình được ăn một bữa thịnh soạn giữa rừng, bên dòng thác đẹp với trải nghiệm kỳ thú như chuyến đi này”.
Trước khi có du lịch, người Tân Hóa, Minh Hóa sống dựa vào rừng, ngay thời điểm 2012 khi tham gia vào hành trình thám hiểm vùng Tú Làn, chúng tôi cũng gặp không ít hình ảnh cây rừng được hạ đổ, xẻ ván. Trở lại sau hai năm, rừng xanh nay đã khác, bởi người dân hiểu đây mới chính là ngôi nhà của họ, nhà có sạch, có đẹp, khách sẽ đến và họ được hưởng lợi.
Nhờ vậy, vùng Minh Hóa nay đã giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường. Theo ước tính của Hãng lữ hành Oxalis, sẽ có khoảng 2.000 du khách đến Tú Làn trong năm 2014. Việc phát triển dân trí, kinh tế, văn hóa của người Minh Hóa, chắc chắn sẽ tỷ lệ thuận với số lượng du khách tìm đến Tú Làn, và đó mới chính là câu chuyện khai thác du lịch bền vững.