Hang lớn nhất – đẹp nhất thế giới chính là Sơn Đoòng, nằm trong quần thể vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, cũng là vùng di sản thiên nhiên thế giới, hiện đang “dậy sóng” bởi câu chuyện cáp treo với nhiều khúc mắc. Nhưng có một câu hỏi đặt ra, chen thêm đường cáp treo nơi Sơn Đoòng có đem lại kết quả tốt hơn hiện nay về kinh doanh du lịch?
Sơn Đoòng được thế giới biết đến, công đầu chính từ những người đam mê thám hiểm trong Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh (BCRA), kế đến là giới truyền thông quốc tế như NatGeo, BBC, NHK, nhiếp ảnh gia quốc tế, điện ảnh và cả những cá nhân là du khách đến từ nước ngoài, họ chung tay quảng bá hình ảnh Sơn Đoòng ra với thế giới.
Vì sao vùng đất Quảng Bình nghèo khó lại khiến họ “phát sốt” để làm nên những sản phẩm truyền thông khiến giới du lịch mạo hiểm đổ xô tìm về Sơn Đoòng? Trả lời cho câu hỏi ấy, chẳng gì hơn chính là vẻ đẹp tuyệt mỹ của một hang động xứng tầm kỳ vĩ nhất thế giới.
Ở Việt Nam, Sơn Đoòng chưa được mặn mà ngay khi hang động này được công bố ra thế giới năm 2009, cho đến khi hãng lữ hành Oxalis thành lập, đăng ký xin tổ chức thử nghiệm tuyến du lịch Sơn Đoòng, cộng với những nỗ lực tự xây dựng thương hiệu, học hỏi kinh nghiệm làm du lịch thám hiểm, đồng thời nhận được sự hỗ trợ từ chính những nhà thám hiểm thuộc BCRA.
Tuyến du lịch Sơn Đoòng thành công ngoài sức mong đợi và tưởng tượng của những người trong nghề. Khi tên tuổi Sơn Đoòng được dọn lên mâm cỗ du lịch thám hiểm thế giới, có sức thu hút lớn thì lần lượt những loại hình đầu tư khác bắt đầu ngắm nghía đến thương hiệu Sơn Đoòng.
Còn du khách thông thường khi nghe mức giá cho một tour thám hiểm Sơn Đoòng, đã chê đắt đỏ nhiều hơn là dám bỏ ra cho một chuyến đi dù nhớ đời với mức giá khoảng 64 triệu đồng (3.000 USD), chưa kể các khoản phụ phí khác trong hành trình đến Quảng Bình – Sơn Đoòng. Nhưng nhìn lại chi phí bỏ ra cho một hành trình tour 6 ngày 5 đêm vào Sơn Đoòng, nghe qua thì đắt, nhưng tính chi li ra thì hẳn thật đáng đồng tiền bát gạo.
Mối lợi cho người địa phương
Trong thời gian khai thác thử nghiệm du lịch thám hiểm Sơn Đoòng, mỗi tuần chỉ có tám du khách vào hang, đồng hành là 25 người, trong đó lao động địa phương hơn 20 người. Năm 2014 Công ty Oxalis sử dụng 50 lao động thường xuyên tại Phong Nha cho tuyến thám hiểm Sơn Đoòng, thu nhập bình quân hằng tháng của những người lao động này từ 3-6 triệu đồng.
Năm 2015, dự kiến nhân lực phục vụ du khách Sơn Đoòng tăng lên 100 người, bởi số lượng khách dự kiến sẽ tăng gấp đôi (khoảng 500 người), trong khi thời gian tham gia tour giảm đi một ngày (còn lại 5 ngày). Nguyên do vì năng lực phục vụ tốt của đội ngũ người địa phương, những dụng cụ và điểm hỗ trợ khi vượt qua các đoạn hang khó đã ngày càng an toàn và dễ chinh phục hơn, nhờ vậy thời gian di chuyển rút ngắn, tăng số lượng tour và người tham dự.
Một khách vào Sơn Đoòng, doanh nghiệp khai thác sẽ phải đăng ký và đóng phí cho vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng ở năm 2014 là hơn 11 triệu đồng (530 USD/người), đến năm 2015 dự kiến mức phí sẽ là khoảng 14 triệu đồng (660 USD/người). Mỗi hành trình tham gia tuyến Sơn Đoòng, sẽ có hai kiểm lâm đi kèm để giám sát các hoạt động của du khách, nếu trong suốt hành trình tour, du khách không xâm hại đến môi trường, giữ được nguyên trạng vẻ đẹp tự nhiên của hang động, khi đó hãng lữ hành khai thác và kiểm lâm sẽ ký một biên bản xác nhận và kết thúc tour tham quan. Việc khai thác hiện nay kéo dài từ 7-8 tháng/năm, vào mùa mưa ngừng khai thác Sơn Đoòng, vừa để đảm bảo an toàn vừa để các thảm thực vật kịp hồi phục và trở lại nguyên trạng.
Nhiều ý kiến cho rằng Sơn Đoòng thuộc một phần di sản, nên phải để tất cả mọi người bình đẳng hưởng thụ, nhưng nhìn về một kiệt tác thiên nhiên như thế, chắc chắn cần phải có một đẳng cấp, một kiến thức, một niềm đam mê nhất định mới hiểu rõ được vẻ đẹp và sự diệu kỳ của di sản ấy, giải pháp cáp treo chắc chắn không phải là lý tưởng, cứ có cáp treo là ai cũng có thể khám phá hết vẻ đẹp Sơn Đoòng.
Đẳng cấp tụt hậu
Năm 2013, tính tất cả các tuyến khai thác du lịch hang Én – trong lộ trình thám hiểm Sơn Đoòng – chỉ 137 người tham gia, nhưng khi Sơn Đoòng được biết đến là hang đẹp và lớn nhất thế giới, du khách tham gia tour du lịch hang Én ngày một nhiều thêm. Khi Sơn Đoòng trở thành thương hiệu, các hệ thống hang động khác vùng Phong Nha cũng được tiếng thơm lây, chỉ riêng năm 2014, theo số liệu Công ty Oxalis tổ chức đưa khách đi hang Én đã là 700 người, chưa kể các công ty khác. Vào mùa cao điểm, Phong Nha đón không dưới 10.000 khách, phần lớn vào thăm động Thiên Đường dễ đi hơn.
Phong Nha có hai hệ thống sông ngầm lớn, đầu tiên là nhánh hang Én, Sơn Đoòng, hang Va, thứ hai là nhánh hang Vòm, hang Thiên Đường, nước Moọc. Hơn 300 hang động ở Quảng Bình chủ yếu xoay quanh hai hệ thống sông ngầm này, và trên bề mặt núi đá vôi, hầu hết phía dưới địa tầng là các hang động đã và đang được khám phá, do vậy việc đụng chạm bất kỳ lớn nhỏ nào lên bề mặt vùng địa tầng ở Phong Nha, đều ít nhiều đụng chạm đến hệ thống hang ngầm chằng chịt phía dưới.
- Xem thêm: Nhật ký khám phá Sơn Đoòng
Ngày 4-11 vừa qua, tỉnh Quảng Bình chính thức họp báo, gợi ý giải pháp xây cáp treo chỉ đi phía trên vườn quốc gia, trong đó có một trạm cách cửa sau Sơn Đoòng 300m. Cái khúc mắc là ở chỗ cũng đúng vào ngày này tại cuộc họp báo giới thiệu du lịch Việt Nam tại London (Anh), đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết chưa có quyết định cuối cùng về cáp treo. Hay trước đó không lâu tỉnh cũng phủ nhận xây dựng cáp trong rừng nguyên sinh.
Nhưng nếu tuyến cáp treo xây dựng thành công, trạm cách cửa sau Sơn Đoòng được cho không xâm hại đến địa tầng (có khả năng là hang Va ở bên dưới), du khách từ đó đi vào cửa sau Sơn Đòng, cũng chỉ loanh quanh được 600m rồi lại phải trở ra, bởi bức tường Việt Nam với vách thẳng đứng hơn 60m, chỉ các thiết bị chuyên dụng hiện nay của những người thám hiểm thực thụ ở BCRA mới có khả năng chinh phục.
Nếu Sơn Đoòng có cáp treo, cũng là điều hay bởi người dân thường dễ dàng có thể tham quan Sơn Đoòng, nhưng thương hiệu Sơn Đoòng sẽ không còn sức hấp dẫn như trước, bởi môi trường, cảnh quan khó giữ nguyên khi lượng du khách quá tải.