Xung đột leo thang, nguy cơ nội chiến đe dọa “chiến lược phát triển dầu khí quốc gia” của Iraq. Phiến quân ISIL càng tiến vào gần Baghdad, giá dầu trên thế giới càng tăng cao, đầu tư quốc tế cho ngành công nghiệp dầu lửa Iraq càng bị đe dọa. Đâu là những thách thức của ngành công nghiệp dầu khí Iraq?
Tin các thành phố lớn như Mosul, Tikrit rơi vào tay tổ chức thánh chiến mang tên Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Trung Đông, cộng thêm với việc tổ chức vũ trang này đã tạm thời chiếm được nhà máy lọc dầu Baiji cách thủ đô Baghdad 200km về phía bắc, đẩy giá dầu lửa trên thế giới lên cao nhất kể từ tháng 9-2013. Cho dù phiến quân Hồi giáo cực đoan thuộc tổ chức ISIL mới chỉ tràn vào các khu vực ở miền Bắc và bạo động chưa ảnh hưởng đến các vùng sản xuất và xuất khẩu vàng đen của Iraq, tập trung ở miền Nam nước này, nhưng bất ổn tại quốc gia đang làm chủ 11% dự trữ dầu lửa của toàn cầu đang gây lo ngại.
Iraq là nguồn sản xuất thứ nhì trong Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu lửa (OPEC). Mỗi ngày Iraq cung cấp gần 3 triệu thùng dầu thô cho thế giới. Đây là nguồn thu nhập đem về tới 90% ngân sách của nhà nước Iraq và chiếm 75% GDP.
Mới đây, giá dầu lại càng tăng thêm sau khi phiến quân Hồi giáo cực đoan ISIL tạm thời chiếm được nhà máy lọc dầu ở Baiji, có công suất lọc 300.000 thùng dầu mỗi ngày. Sự cố đó không làm sụt giảm khối lượng dầu của Iraq bán ra trên thế giới, vì Iraq chỉ xuất khẩu dầu thô mà thôi, nhưng càng tạo ra tâm lý hoang mang trên thị trường quốc tế.
Một thành viên của lực lượng an ninh của người Kurd bảo vệ một nhà máy lọc dầu ở vùng ngoại ô của thành phố Mosul
Trả lời đài RFI Pierre Terzian, chủ tịch tổng giám đốc cơ quan tư vấn về dầu khí PetroStrategies cho rằng đây là một tín hiệu mới đe dọa dầu lửa Iraq: “Baiji là nhà máy lọc dầu lớn nhất của Iraq, bảo đảm tới 50% nhu cầu tiêu thụ cho khu vực chung quanh, tức là ở nhiều tỉnh thành miền Bắc Iraq. Baiji đã trở thành mục tiêu tấn công. Giao tranh đã diễn ra giữa lực lượng vũ trang ISIL và quân đội. Đối với tổ chức ISIL, kiểm soát được nhà máy lọc dầu Baiji là điều hết sức quan trọng do phong trào nổi dậy này cần xăng dầu để tiến về thủ đô Baghdad. ISIL không có lợi ích gì khi đốt cháy nhà máy lọc dầu này. Cần nhắc lại là hiện thời, ISIL đã kiểm soát được một vài mỏ dầu không lớn lắm ở chung quanh khu vực Mossoul, và một đoạn ống dẫn dầu nối liền hai miền Nam Bắc Iraq. Tuyến đường ống dẫn dầu đó cho phép Iraq xuất khẩu dầu thô qua trung gian Thổ Nhĩ Kỳ trước khi ra tới các nước vùng Địa Trung Hải”.
Thực ra hiện nay Iraq chỉ cung cấp chưa đầy 3 triệu thùng dầu/ngày, tức chỉ tương đương với khả năng khai thác của hồi năm 1989. Trong trường hợp xấu nhất, tức là cộng đồng quốc tế không thể trông cậy vào khối lượng dầu của Iraq, thì dự trữ của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa, OPEC, mà Iraq là một thành viên, hoàn toàn có thể cũng cấp thêm đến 3 triệu thùng dầu mỗi ngày để bù vào chỗ trống Iraq để lại. Tuy nhiên đó chỉ là một giải pháp tạm thời.
Tuy vậy, như nhận định của Bộ trưởng Năng lượng Anh Michael Fallon, nhân buổi lễ khai mạc hội thảo về dầu lửa Iraq mở ra trong hai ngày 17 và 18-6-2014 tại London, “An ninh là một yếu tố tối quan trọng để Iraq trở thành một nhà cung cấp dầu lửa hàng đầu của thế giới”. Iraq là một quốc gia dầu lửa “tiềm năng”. Thế nhưng để “tiềm năng đó không chỉ là những lời hứa hẹn suông hay chỉ là giấc mơ” Iraq cần “đầu tư đáng kể cho ngành công nghiệp dầu khí”.
Một chuyên gia Mỹ về Cận Đông Michael Knight thuộc viện nghiên cứu Washington Institute for Near East Policy, cho rằng thời sự nóng bỏng trong hơn hai tuần qua “đe dọa trực tiếp những dự án đầu tư lâu dài vào Iraq”. Bất ổn về an ninh, chính trị là trở ngại cho chiến lược phát triển về năng lượng của Iraq đã được các nhà cầm quyền ở Baghdad đề ra cách nay đúng một năm.
Hơn một chục năm sau chiến tranh, gần ba năm sau khi quân đội Mỹ đã rút khỏi Iraq, ngành công nghiệp dầu khí của Iraq cần được tiếp sức. Iraq không thể nâng mức sản xuất đang từ 3 triệu thùng dầu một ngày lên thành 6 triệu nếu không có đầu tư.
Tóm lại, xung đột leo thang ở Iraq chưa ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sản xuất hay xuất khẩu dầu lửa của quốc gia này, nhưng sẽ tác động trực tiếp đến chính sách đầu tư của quốc tế vào dầu lửa Iraq và theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (AIE) ISIL đang là mối đe dọa hết sức nghiêm trọng, trong khi đó nhu cầu tiêu thụ của thế giới không ngừng gia tăng.
Lê Quân