Thị trường chứng khoán Việt Nam những tuần qua giống như trò chơi kéo co, giữa tăng và giảm, cứ một tuần tăng điểm liên tục lại đến một tuần liên tục giảm điểm. Chính vì kiểu trồi lên tụt xuống này mà vào cuối tháng 6, khi Bespoke Investment Group công bố danh sách 40 chỉ số chứng khoán biến động mạnh nhất thế giới (theo mức độ biến động 30 ngày), VN-Index đã có tên, với thứ hạng 28.
Tuần cuối tháng 6, VN-Index có chuỗi tăng điểm năm phiên liên tiếp, với mức tăng cả tuần gần 20 điểm, đạt 578,82 điểm. Điểm chung của các phiên tăng điểm là do dòng tiền chảy vào những mã cổ phiếu vốn hóa lớn. Việc nhóm cổ phiếu này tăng giá đã đẩy VN-Index tiến dần tới mốc 580 điểm, một vùng cản mạnh đã được kiểm định nhiều lần trong quá khứ, đồng thời cũng là để xem thị trường có thể quay lại xu hướng tăng trung hạn hay không.
Dòng tiền đầu cơ chưa đổ vào thị trường và vì vậy VN-Index rất có thể sẽ có những phiên điều chỉnh. Diễn biến thời gian qua của thị trường cho thấy những ảnh hưởng từ tình hình Biển Đông đã dần được lượng hóa. Nhà đầu tư cá nhân đa phần đã ổn định tâm lý nhưng vẫn còn khá thận trọng, vừa không muốn bỏ qua cơ hội lại vừa không muốn mạo hiểm. Đó là lý do vì sao thanh khoản của thị trường giảm sút: những người nắm giữ cổ phiếu không muốn bán ra với giá thấp, trong khi những cổ phiếu có tiềm năng, thuộc về các doanh nghiệp niêm yết có kết quả kinh doanh khả quan lại đang có dư mua.
Nếu như trong tháng 5, các nhà đầu tư nước ngoài và khối tự doanh của các công ty chứng khoán song hành nhau với trạng thái mua ròng, cùng nâng đỡ thị trường vượt qua khó khăn trong những phiên giảm điểm, thì tình trạng này không còn trong tháng 6. Dù đợt đảo danh mục của hai quỹ ETF đã chấm dứt, dòng vốn ngoại vẫn tiếp tục chảy vào thị trường. Trong tháng 6, khối ngoại mua ròng hơn 97 triệu đơn vị với tổng giá trị đạt 1.886,91 tỉ đồng, tức là gần 90 triệu USD. Trong khi nhà đầu tư nước ngoài mua ròng khá mạnh thì khối tự doanh của các công ty chứng khoán đã chốt lời. Khối này đã thực hiện 15 phiên bán ròng và chỉ năm phiên mua ròng trong tháng 6. Tính chung cả tháng, khối tự doanh của các công ty chứng khoán bán ròng 14,79 triệu đơn vị, tổng giá trị tương ứng là 374,46 tỉ đồng.
Có thể thấy thanh khoản đang là một lực cản đối với thị trường. Chính vì vậy, giúp thị trường tăng thanh khoản vẫn sẽ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Cơ quan này cho biết sẽ phối hợp với tổ chức tư vấn nước ngoài triển khai thực hiện các giải pháp nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trên bảng MSCI – một tổ chức quốc tế chuyên cung cấp các công cụ hỗ trợ cho các nhà đầu tư trên toàn thế giới. Song song đó sẽ phối hợp với các tổ chức quốc tế để tổ chức các diễn đàn đầu tư tại Việt Nam và nước ngoài để xúc tiến và thu hút vốn đầu tư nước ngoài… Từ nay tới cuối năm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ nghiên cứu xây dựng quy định thành lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư trong trường hợp phá sản các tổ chức kinh doanh chứng khoán, xây dựng các quy định về xếp hạng tín nhiệm và thiết lập tổ chức định mức tín nhiệm của Việt Nam, tiếp tục phối hợp với các đơn vị, bộ ban ngành trong việc xây dựng các quỹ hưu trí bổ sung, quỹ hưu trí tự nguyện nhằm thiết lập hệ thống an sinh xã hội… Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng vừa có kiến nghị gửi Bộ Tài chính về các giải pháp phát triển thị trường vốn, theo đó, kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục hỗ trợ việc triển khai xây dựng thị trường chứng khoán phái sinh, đặc biệt là trong công tác ban hành văn bản pháp luật. Trong thời gian chờ đợi lộ trình xây dựng đề án, cần cho phép triển khai một số sản phẩm mới như tiền phát hành hay chứng quyền…
Đó là những thông tin giúp cho niềm tin vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung và dài hạn được củng cố. Còn trong tháng 7, diễn tiến thị trường sẽ ra sao? Một hai tuần tới sẽ bắt đầu có các báo cáo kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp, những thông tin có thể giúp thị trường tăng điểm, tuy nhiên đà tăng sẽ không lớn và có tính phân hóa dựa vào triển vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết. Ngoài ra, các mã đã tăng nóng có thể dẫn đến áp lực chốt lời khiến thị trường trở về trạng thái giằng co.
Đúng như nhận định, sự giằng co của hai bên mua – bán đã diễn ra ngay trong phiên giao dịch đầu tuần (30-6). VN-Index tăng điểm trong suốt thời gian giao dịch, tuy nhiên lại sụt giảm mạnh tại thời điểm kết thúc phiên, khiến cho thị trường có một phiên điều chỉnh nhẹ. Kết thúc phiên, VN-Index trở về mức 578,13 điểm, giảm 0,69 điểm so với cuối tuần trước, tương đương 0,12%. Tổng khối lượng giao dịch đạt 76,5 triệu đơn vị, tương đương giá trị giao dịch là 1.319,43 tỉ đồng.
Thành Huân