Không đợi đến khi tốt nghiệp trường mỹ thuật, có những sinh viên đã tự khẳng định mình là một nghệ sĩ có cá tính và dồi dào năng lực sáng tạo. Trần Quốc Long là một trong những sinh viên như thế. Anh được mong đợi sẽ tiếp nối những họa sĩ trẻ đi trước từng gây được sự chú ý trong sinh hoạt tạo hình Hà Nội thời gian qua.
Chắc hẳn những tảng đá chất chồng trên bờ biển Tĩnh Gia (Thanh Hóa) quê nhà đã đi vào những giấc mộng của Trần Quốc Long và trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi, để trong các phác thảo và tác phẩm của chàng trai trẻ này luôn thấy đá. Những hình khối tròn và méo, trơn truội và gồ ghề… trong giấc mơ của Quốc Long đã hóa thân thành những hình khối đầu và mặt người trong tranh. Rộng ra, đối với Quốc Long thì xã hội hoặc tập hợp người hay cõi nhân thế… cũng là những tập hợp các khối đá mà ở quê anh thường được người ta, nhất là bọn trẻ nhặt về, vẽ vời linh tinh lên đó cho vui, để nhịp sống của làng chài nghèo nàn ven biển đỡ phần tẻ nhạt.
Rời quê nhà lên Hà Nội học Đại học Mỹ thuật từ năm 2009 nhưng cho tới nay vẫn chưa ra trường, Quốc Long được bè bạn, anh em gọi là “anh Lục” hay bặm trợn, giang hồ hơn là “Long sáu ngón” bởi đôi bàn tay anh đều có sáu ngón trên mỗi bàn tay. Nhưng anh chàng “điên rồ” trong sáng tác ấy lại hiền như trẻ thơ. Dân xứ biển thường được coi là “ăn sóng nói gió” nhưng Quốc Long lại rụt rè; trông tướng tá to lớn kềnh càng và nước da đen nhẻm bởi nắng gió từ thuở nhỏ nhưng chàng sinh viên mỹ thuật có vẻ quá đỗi lạc lõng giữa chốn phồn hoa, để rồi cứ tìm cách trốn vào thế giới riêng của mình – một thế giới dường như chỉ có đá với những ngón tay thừa và một cõi mộng mị Liêu Trai.
Sử dụng chủ yếu chất liệu sơn mài trong sáng tác, “Long sáu ngón” vẽ và làm tranh khá chậm, nhưng tác phẩm nào của anh cũng xứng đáng để được treo ở nhiều không gian khác nhau. Trong tranh Quốc Long, từ bố cục, đường nét cho tới cách dùng sơn, thiếc, bạc và vàng đều cho thấy một cá tính mạnh mẽ, có phần “điên rồ”. Nhưng rõ ràng đây là cuộc chơi tốn kém đối với một sinh viên nghèo tỉnh lẻ, bởi chất liệu quỳ vàng ngày càng đắt, còn sơn ta truyền thống thì chỉ những họa sĩ khấm khá một chút mới dám trữ để làm tranh. Từ cái khó mà ló cái khôn, Quốc Long thường dùng thiếc với kỹ thuật “toác” khá điêu luyện, phải bỏ nhiều công sức để mài trượt, từ đó những lớp thiếc ánh lên sắc bạc, đồng thời lấp lánh ánh vàng quý giá từ những lớp bạc pha vàng ở bề mặt tranh.
Khi đọc tác phẩm Phía nam biên giới, phía tây mặt trời của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami, người ta nhận ra những ám ảnh về cô đơn và chứng điên tiềm ẩn ở mỗi con người trong xã hội ngày càng bất ổn và phù du này. Có lẽ những ám ảnh như thế cũng tiềm ẩn trong tâm hồn “Long sáu ngón”.
- Bài và ảnh Thái A