Việc bắt cóc các nữ sinh để đòi hỏi hủy bỏ các trường học dành cho phái nữ tại Nigeria do Boko Haram – một nhóm khủng bố Hồi giáo thực hiện đang bị cả những lãnh đạo Hồi giáo có uy tín trên thế giới lên án. Số nữ sinh Nigeria bị bắt cóc nay được khẳng định lại là gần 300 và theo tuyên bố của nhóm Boko Haram, sẽ bị đem bán làm nô lệ. Sức ép lên chính phủ của tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan ngày càng nặng nề do thân nhân các nạn nhân biểu tình đòi giải thoát sớm con em họ trong khi nội lực của chính quyền không đảm bảo được việc thỏa mãn đòi hỏi chính đáng của người dân.
Các bà mẹ Nigeria biểu tình đòi thả con của họ
Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, sau khi vụ bắt cóc xảy ra, khoảng 15-17 binh sĩ và một số ít sĩ quan cảnh sát ở Chobok đã bất lực trước 200 tay súng Boko Haram. Tuy sau đó chính quyền trung ương đã điều quân đội, máy bay trực thăng và phi cơ chiến đấu tham gia vào chiến dịch giải cứu, nhưng theo thú nhận của Bộ trưởng Quốc phòng Nigeria Musiliu thì nhiệm vụ của ông là cực kỳ khó khăn. Tình thế buộc chính phủ Nigeria phải kêu gọi sự hỗ trợ của quốc tế và Mỹ là một trong những nước đầu tiên hưởng ứng lời kêu gọi này. Hiện các sĩ quan Mỹ và Anh đang có mặt ở Abuja để giúp chính phủ Nigeria vạch ra kế hoạch giải cứu các nữ sinh và ngăn chặn các hoạt động phá hoại của nhóm Boko Haram. Điều đặc biệt là vào Ngày của Mẹ (10-5) vừa qua, đệ nhất phu nhân Mỹ, bà Michelle Obama đã phát biểu trong buổi phát thanh hằng tuần của Nhà Trắng, lên án việc bắt cóc các nữ sinh là “táng tận lương tâm”. Trước đó mấy ngày, Michelle Obama cũng đã công bố một bức ảnh chụp bà đang mang một tấm biển có hàng chữ Bring Back Our Girls (Trả lại con gái chúng tôi) để biểu thị sự đồng cảm và chia sẻ của bà với những bà mẹ Nigeria đang tìm con. Trong những ngày tới, việc triển khai kế hoạch giải cứu do các chuyên viên Mỹ – Anh vạch ra hy vọng sẽ tạo được những đột biến mới, sau hơn ba tuần lễ (từ 15-4-2014) nhiều thân nhân của gần 300 nữ sinh Nigeria bị bắt cóc phải sống trong tâm trạng hoảng loạn.
Lê Cẩn tổng hợp