Phiên làm việc thứ hai của Diễn đàn Kinh tế mùa xuân 2014 diễn ra trong tuần qua (hai ngày 28 và 29-4) tại TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) xoay quanh chủ đề “Động lực phát triển mới thể chế”. Tại diễn đàn này, các chuyên gia hàng đầu về kinh tế của Việt Nam tiếp tục nói thẳng, nói thật, nói rõ những gì được xem là khuyết điểm, là “nút thắt” khiến nền kinh tế chậm phát triển. Các diễn giả đã khởi đầu từ nhận thức về thể chế và đổi mới thể chế từ nhiều cách nhìn và nhiều góc độ khác nhau.
Đánh giá nền kinh tế nước ta “vẫn trong vùng đáy tăng trưởng, khu vực kinh tế trong nước vẫn yếu kém và buộc phải trả giá để tái lập lại”, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – TS Trần Đình Thiên cho rằng điểm nghẽn của thể chế đang nằm ở chỗ vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường hiện nay không còn phù hợp nhưng chúng ta lại rất ít bàn thảo đến đổi mới vai trò của Nhà nước và quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, vì vậy chưa có đổi mới thể chế toàn diện và hệ thống. Đề cập đến các nút thắt cần giải quyết, ông Thiên đặc biệt nhấn mạnh rằng nợ xấu và nợ công đều đang nghiêm trọng. Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – TS Nguyễn Đình Cung phân tích rằng đột phá thể chế là cần thiết khi quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường đang có điểm nghẽn, song quá trình này đòi hỏi Nhà nước phải nhận biết được đầy đủ mức độ và tính chất nghiêm trọng của các điểm nghẽn, các nút thắt và sẵn sàng thay đổi vai trò, chức năng của mình.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công khai, minh bạch, TS Cấn Văn Lực đề xuất nên thành lập hẳn một ủy ban cải cách và kiến nghị: “Muốn cải cách phải có công nghệ, tài chính và phải cải cách thể nhân, nghĩa là đổi mới về con người”. TS Lưu Bích Hồ – nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển đề xuất để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, điểm cốt lõi là phải phân bổ nguồn lực theo cung cầu, cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, đạt hiệu quả tối đa và tối ưu. Nhà nước thực hiện tốt vai trò bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường dịch vụ công có hiệu quả, bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh… Còn TS Trần Du Lịch quả quyết vấn đề cần ưu tiên số 1 hiện nay trong cải cách thể chế là cải cách triệt để tài chính công và hành chính công… Lắng nghe các bài diễn thuyết và từ góc nhìn của mình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhận định: “Đây là thời điểm chúng ta có điều kiện tham gia hoàn thiện thể chế tốt”.
TS Lê Xuân Bá – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho rằng khái niệm thể chế gồm có bốn bộ phận, bao gồm người chơi (Nhà nước, tổ chức sự nghiệp, dân sự, nhà đầu tư…), cơ chế chơi (hay cách thức chơi), luật chơi (Hiến pháp và pháp luật) và sân chơi (thị trường). Do đó, đổi mới thể chế chính là đổi mới cả bốn bộ phận đó trên tinh thần cái gì có lợi cho đất nước, cho dân tộc thì làm, cái gì không lợi thì bỏ. Ông đề nghị cần phải phân quyền rõ ràng, cụ thể chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan lãnh đạo, quản lý Nhà nước, từ Quốc hội đến chính quyền cấp Trung ương và địa phương. Điều quan trọng là cần có chế tài khi cơ quan công quyền không thực hiện được nhiệm vụ. Người dân làm sai thì bị phạt, Chính phủ hay Quốc hội nếu làm sai cũng phải chịu phạt như người dân.
Kết thúc diễn đàn, các chuyên gia có chung nhận định là Việt Nam cần đột phá trong cải cách thể chế nhưng vẫn chưa thống nhất được nội dung cơ bản và đâu là khởi điểm.