Trong cuộc họp bán niên giữa Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sắp diễn ra, ông Jim Yong Kim, chủ tịch WB, sẽ công bố kế hoạch tăng gần gấp đôi ngân khoản cho các nước có thu nhập trung bình vay trong thập niên tới, từ 15 tỉ USD lên 28 tỉ USD/năm, chủ yếu nhằm thỏa mãn nhu cầu phát triển hạ tầng cơ sở của họ. Để thực hiện được mục tiêu này, WB sẽ tăng cường quỹ cho vay thêm 100 tỉ USD, lên gần 300 tỉ USD. Theo nhận định của ông Kim, các nước có thu nhập trung bình ít cần đến sự hỗ trợ phát triển, họ thích tìm đến những khoản vay lãi suất thấp của WB dành cho các chương trình xây dựng hạ tầng cơ sở. Nhu cầu của họ cho chương trình này vào khoảng 1.000 tỉ USD/năm, trong khi sự hỗ trợ từ bên ngoài chỉ được hơn 10% con số đó. Để giúp bù đắp khoản chênh lệch này, WB sẽ chú trọng đặc biệt đến 10 quốc gia, trong đó chỉ ở năm nước Bangladesh, Trung Quốc, Congo, Ấn Độ và Nigeria, số người cực nghèo đã chiếm khoảng hai phần ba tổng số người cực nghèo trên thế giới. Thêm năm nước còn lại (Ethiopia, Kenya, Indonesia, Pakistan và Tanzania), số người cực nghèo sẽ chiếm đến 80% tổng số người nghèo nhất thế giới. Trong thời gian tới đây, WB sẽ nâng mức giới hạn khoản vay của mỗi nước có thu nhập trung bình, mặt khác cũng sẽ tăng lãi suất và một số phí có liên quan đến các khoản vay của họ. Bên cạnh những thay đổi đó, ông Kim cũng đưa mục tiêu mới nhằm tiết kiệm 400 triệu USD trong ba năm thông sự gia tăng hiệu năng hoạt động của chính WB.
Ông Jim Yong Kim, chủ tịch Ngân hàng Thế giới
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với cách suy nghĩ và phương thức hoạt động của WB. Scott Morris, nhà nghiên cứu thuộc Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), cho rằng làm như thế có nghĩa là WB đã gửi đi một tín hiệu rõ ràng là họ không cần thêm tiền đóng góp của các thành viên, nhất là từ Mỹ và châu Âu. Điều này sẽ gây ra một hệ quả quan trọng, làm suy yếu mối quan hệ giữa WB với Mỹ và châu Âu, đưa ngân hàng này vào một tình thế bất ổn thường trực. Một số nhà phân tích kêu gọi WB sử dụng những cải cách như một cơ hội nhằm đánh giá hiệu quả những đồng tiền đã cho vay. Từ lâu, khi cho vay, họ chỉ chú trọng vào khối lượng tiền bỏ ra mà không quan tâm đến tác động xóa nghèo của những đồng tiền đó. Theo Nicolas Mombrial, người lãnh đạo tổ chức chống đói nghèo Oxfam International, trụ sở đặt tại Washington (Mỹ), tác động phát triển phải là vấn đề trung tâm của WB, việc mở rộng hoạt động cho vay đòi hỏi phải có những nguyên tắc chỉ đạo để đảm bảo các khoản cho vay của ngân hàng không có những tác động tiêu cực lên đời sống cộng đồng. Một trong những vấn đề nổi cộm được nêu lên gần đây là quyết định của WB hỗ trợ tài chính cho một dự án gây nhiều tranh cãi là dự án đập thủy điện Inga III trên sông Congo. Dự án bị nhiều tổ chức dân sự chống đối, song Chủ tịch WB, ông Jim Yong Kim, vẫn coi đó là một dự án táo bạo của tương lai.
Lê Cẩn tổng hợp