Dựa trên Thỏa ước dự phòng (SBA) các nước phương Tây sẽ cung cấp tổng số tín dụng trị giá 27 tỉ USD cho Ukraina trong vòng hai năm, trong đó riêng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hỗ trợ 14-18 tỉ USD giúp nền kinh tế nước này đang ở bên bờ vực thẳm sau khi Nga cắt các khoản trợ giúp.
Đây là khoản trợ giúp tín dụng có điều kiện mà quan trọng hơn cả là Ukraina phải chấm dứt việc hỗ trợ giá bán khí đốt, được thỏa thuận giữa trưởng phái đoàn IMF tại Ukraina là ông Nikolay Gueorguinev và các nhà chức trách nước này. Theo đại diện IMF, các chi tiết của khoản hỗ trợ còn chờ ban điều hành định chế quốc tế này phê duyệt trong tháng 4.
Đáp ứng đòi hỏi của IMF, ngày 26-3 Ukraina đã đồng ý tăng 50% giá gaz trong nước kể từ ngày 1-5 tới đây, đồng thời hủy bỏ dần tất cả các trợ cấp năng lượng đến năm 2016. Đây là hai vấn đề mà tổng thống bị phế truất Yanukovych từ chối thực hiện.
Trong một động thái trấn an dư luận, Thủ tướng tạm quyền Arseny Yatseniuk giải thích với Quốc hội rằng các biện pháp khắc nghiệt nói trên là cần thiết để đảm bảo có được khoản hỗ trợ từ Mỹ và EU, nếu không thì kinh tế Ukraina sẽ giảm tới 10% trong năm nay. Hồi đầu tháng 3, chính phủ tạm quyền Ukraina cho biết nước này cần đến 35 tỉ USD trong hai năm tới để tránh đổ vỡ nền kinh tế.
Cùng lúc đạt được thỏa thuận với IMF về khoản hỗ trợ, Ukraina đã nhận được thông báo chấm dứt giảm giá khí đốt từ Nga. Như vậy bắt đầu từ 1-4 giá khí đốt từ Nga sẽ ở mức 480 USD/1.000 mét khối, trước đây Nga có thỏa thuận giảm 100 USD/1.000 mét khối cho Ukraina.
Trong một diễn biến khác, nhiều chính khách và chuyên gia phương Tây khẳng định châu Âu đã có thể ít phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt của Nga hơn và có thể đứng vững được một thời gian tương đối dài nếu nguồn năng lượng này bị cắt đứt.
Thế nhưng sự khẳng định này không mấy đứng vững khi trong số 450 tỉ mét khối khí đốt châu Âu sử dụng hằng năm, có đến 167 tỉ mét khối, tức 34% do Nga cung cấp. Thông tin cụ thể cho thấy nguồn khí đốt thay thế này trong thực tế là không thể có, bởi các nước sản xuất khí đốt của châu Âu như Hà Lan, Anh và Na Uy khó tăng được sản lượng trong một thời gian ngắn mà phải mất nhiều tháng. Ngay cả việc nhập khí đốt hóa lỏng từ Mỹ cũng không thể thay thế được khí đốt tự nhiên của Nga, nhất là khi giá bán có thể đắt gấp đôi hiện nay.
Hiện tại, các bể dự trữ khí đốt của châu Âu chỉ đầy khoảng 46%, đủ dùng trong vài tháng. Một số nước như Hy Lạp, Bulgaria, Slovakia, Hungary không có bể chứa dự trữ, đang phụ thuộc toàn bộ lượng khí đốt đến từ Nga.
V.Đ