Cuộc xung đột tại Syria đã bước vào năm thứ tư và trong lúc thế giới đang tìm một giải pháp để đưa nước này thoát ra khỏi bế tắc thì cuộc khủng hoảng Ukraina ập đến khiến cho triển vọng giải quyết vấn đề Syria trở nên xa vời. Tính đến nay, tổn thất về nhân mạng của cả hai bên xung đột đã lên đến 140 ngàn người. Theo những dữ liệu do Liên Hiệp Quốc công bố ngày 12-3, hiện có khoảng 5,5 triệu trẻ em Syria được xếp vào quy chế tỵ nạn, nền kinh tế Syria đang rơi tự do, phân nửa trong tổng dân số 22 triệu người sống dưới mức nghèo khổ, khoảng 2,5 triệu người đã mất việc làm và tỷ lệ người thất nghiệp lên đến 44%!
Người dân Syria chờ nhận hàng cứu trợ
Trong thời gian trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraina, Nga và Mỹ là hai nước bảo trợ chính cho hội nghị hòa bình Geneva II về Syria và theo nhận định chung, một giải pháp chính trị cần phải đạt tới để tránh cho đất nước này tiếp tục rơi vào cảnh chiến tranh và đổ máu. Vòng đàm phán thứ ba giữa đại diện chính quyền Syria và phe chống đối dự kiến mở vào những ngày đầu tháng Ba, nhưng vụ Ukraina bùng phát với sự bất đồng nghiêm trọng giữa Mỹ và Nga khiến cho mọi người lo ngại rằng tiến trình giải quyết vấn đề Syria sẽ rơi vào bế tắc. Mối quan hệ Nga – Mỹ hiện được các nhà bình luận miêu tả là “rơi xuống điểm thấp nhất kể từ cuộc Chiến tranh lạnh”. Trước động thái của chính quyền Crimea tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập bán đảo này vào nước Nga, Mỹ và các đồng minh châu Âu dọa sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt thích đáng đối với Moscow. Về phần mình, ông Antonio Guterres, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tỵ nạn (UNHCR), cho biết cơ quan ông đang chuẩn bị các điều kiện cho việc hỗ trợ người tỵ nạn đến từ Crimea và đã huy động các toán công tác đến tại các điểm nóng ở Ukraina để theo dõi tình hình. Tuy nhiên, ông bày tỏ hy vọng là tình hình sẽ diễn ra trong chiều hướng không phải buộc nhiều người Ukraina ở Crimea rời bỏ nơi sinh sống của họ.
Khi được hỏi hỏi về số phận Syria, ông Guterres cũng nói lên nỗi thất vọng trước sự bất lực của Hội đồng Bảo an LHQ sau khi có đến ba dự thảo nghị quyết lên án và đe dọa trừng phạt chính quyền Bashar al Assad đều bị hai thành viên thường trực của hội đồng là Nga và Trung Quốc phủ quyết. Tổ chức UNHCR dự báo là nếu tình hình ngày một xấu hơn, người Syria sẽ thay thế người Afghanistan để trở thành dân tộc có nhiều người tỵ nạn nhất thế giới. Hiện đã có 2,5 triệu người Syria được LHQ ghi nhận đang có mặt tại các nước láng giềng như Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Iraq, nhưng theo ước tính của Guterres, con số này phải lên đến hơn 3 triệu người. Điều hiển nhiên là những nước chủ nhà, nơi người tỵ nạn Syria tá túc, cũng đang vật lộn với một nền kinh tế đầy khó khăn, và mai đây, sự tập trung của thế giới hướng về Ukraina sẽ khiến cho cả người tỵ nạn Syria lẫn các nước trên càng lâm vào tình thế bi đát.
Lê Nguyễn tổng hợp