Câu chuyện về những kiệt tác của nhà danh họa Gustav Klimt – trong đó có tranh chân dung Adele Bloch-Bauer, một trong mười tác phẩm hội họa cao giá nhất của mọi thời sẽ được chuyển thể điện ảnh trong năm 2014.
Đây cũng là câu chuyện về cuộc đấu tranh cam go giành lại quyền sở hữu những bức tranh trong số hàng ngàn tác phẩm bị Đức quốc xã chiếm đoạt vào thời kỳ chúng cầm quyền, thế nhưng hồi kết thì đáng buồn.
Sinh ra ở thành Vienna vào năm 1916 trong gia đình gốc Do Thái quyền quý, cô Maria Bloch-Bauer sau đó đã kết hôn với ca sĩ opera Fritz Altmann và đến năm 1940 thì đôi vợ chồng trẻ đào thoát sang Mỹ để tránh họa phát xít. Maria Altmann là cháu ruột của Ferdinand Bloch-Bauer, nhà sản xuất đường hàng đầu của nước Áo trước khi đất nước này bị chế độ Hitler thôn tính và sáp nhập vào nước Đức quốc xã. Doanh nhân Ferdinand Bloch-Bauer từng đặt hàng Gustav Klimt vẽ chân dung người vợ yêu của ông là Adele. Hai bức chân dung nàng Adele Bloch-Bauer sau đó đã lọt vào kho tranh bị bọn phát xít chiếm đoạt.
Đòi lại tranh được thừa kế
Adele Bloch-Bauer đã hai lần ngồi mẫu để Klimt vẽ chân dung, lần đầu vào năm 1907, khi Klimt đang trong giai đoạn phát triển rực rỡ nhất hội họa tượng trưng của ông và phong trào “Art Nouveau thành Vienna” mà ông là một thành viên xuất sắc đang gặt hái những thành công. Các nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật gọi giai đoạn này là “thời kỳ hoàng kim” của Klimt bởi trong tranh sơn dầu của ông khi đó có dát những lá vàng mỏng, tạo hiệu quả trang trí. Thật ra Klimt đã dùng lá vàng trong tranh từ trước đó khá lâu nhưng chỉ đến lúc ông vẽ kiệt tác Chân dung Adele Bloch-Bauer I và nhất là bức Nụ hôn (1907-1908) thì hội họa của ông mới thăng hoa. Bức Chân dung Adele Bloch-Bauer II được Klimt vẽ năm 1912 không nổi tiếng bằng bức chân dung đầu tiên. Năm 1925, Adele qua đời ở tuổi 43 vì bệnh viêm màng não và trước khi qua đời, bà đã viết di chúc: “Tôi thành tâm mong muốn chồng tôi hiến tặng hai bức chân dung cho Bảo tàng quốc gia Áo”. Thế nhưng ước muốn đó của bà đã không được ông Ferdinand Bloch-Bauer thực hiện, đơn giản bởi ông cũng đào thoát sang Thụy Sĩ để tránh nguy cơ vào trại tập trung, để lại toàn bộ tài sản cho các cháu, trong đó có bà Maria Altmann. Ferdinand Bloch-Bauer (mất năm 1945 tại Zurich).
Câu chuyện về những bức chân dung nàng Adele Bloch-Bauer tưởng chừng chìm vào quên lãng bởi bà Maria Altmann hầu như không còn nhớ đến những bức tranh của Klimt mà mình được thừa kế từ người chú ruột đã qua đời nửa thế kỷ trước. Thế rồi – như sau này cây bút William Grimes viết trên tờNew York Times nhân tang lễ của bà Maria Altmann vào năm 2011, rằng bà đã biết đến những thông tin từ kho lưu trữ của Chính phủ Áo được nhà báo Hubertus Czernin phát hiện, cho thấy hàng loạt những bê bối, theo đó chính quyền ở Vienna đã có những hành động bất minh: chỉ trả lại những tác phẩm bị phát xít Đức chiếm đoạt khi nào chủ nhân của chúng ký thỏa thuận sẽ từ bỏ quyền sở hữu với tác phẩm khác của họ cũng bị cướp trong Thế chiến II.
William Grimes viết: “Dưới áp lực đòi điều tra lại quá khứ dưới thời phát xít, vào năm 1998 Chính phủ Áo đã phải thông qua một đạo luật hủy bỏ thứ thỏa thuận bất minh ấy và Bộ Văn hóa Áo lần đầu tiên công khai kho lưu trữ cho các nhà nghiên cứu. Khi khảo sát các tư liệu tại Bảo tàng quốc gia Áo, ông Hubertus Czernin đã đi tới kết luận rằng Ferdinand Bloch-Bauer chưa từng hiến tặng cho bảo tàng các bức tranh của Gustav Klimt”.
Năm 1999, bà Maria Altmann và luật sư của bà là E. Randol Schoenberg chính thức đòi chủ quyền 16 bức tranh và phác thảo vẽ Adele Bloch-Bauer cùng 19 chiếc bình gốm mà Bảo tàng quốc gia Áo đang trưng bày. Năm sau, bà kiện Chính phủ Áo tại tòa án bang California. Ca kiện tụng này sau đó được đưa lên Tối cao pháp viện Hoa Kỳ, theo đó cho phép bà theo đuổi vụ tranh chấp dưới đạo luật về sự miễn trừ chủ quyền ở nước ngoài. Dù biết mình đang rất mạo hiểm trong một cuộc đua tranh bất lợi với chính quyền ở Vienna, thế nhưng đến năm 2006 bà Maria Altmann được thông báo rằng ba vị thẩm phán tòa tối cao Mỹ đã ra phán quyết về quyền sở hữu của bà đối với năm tác phẩm của Klimt, trong đó có hai bức Chân dung Adele Bloch-Bauer.
Từ bảo tàng tới thị trường
Tháng 6-2006, tỉ phú Ronald S. Lauder, đồng chủ nhân Bảo tàng Neue danh giá ở New York đã quyết định bỏ ra 135 triệu USD để mua Chân dung Adele Bloch-Bauer I cho bảo tàng của ông và đây là bức duy nhất được đưa ra công chúng trong số năm tác phẩm mà Bảo tàng Vienna trả lại cho bà Maria Altmann. Bức Chân dung Adele Bloch-Bauer II sau đó được bán cho một nhà sưu tập tư nhân với giá 88 triệu USD. Ba bức còn lại cũng được bán cho các sưu tập tư nhân với giá tổng cộng 104,7 triệu USD, và được giữ bí mật hoàn toàn cho tới nay, dù rằng nguyện vọng trước khi qua đời của người ngồi mẫu cho Klimt vẽ là tất cả những chân dung của bà sẽ được người đời sau biết đến rộng rãi. Năm 2006, vào ngày bốn bức tranh kia được nhà Christie’s ở New York loan báo sẽ đưa ra đấu giá, trong một bài báo cũng trên tờNew York Times, nhà báo Michael Kimmelman chua chát: “Đáng buồn làm sao – nếu không làm ai ngạc nhiên – khi nghe tin người thừa kế của Ferdinand và Adele Bloch-Bauer đã thực sự chỉ muốn kiếm tiền – như kế hoạch bà đã tính toán và bán bốn bức Klimt kia tại nhà đấu giá Christie’s. Câu chuyện về công lý và sự cứu chuộc sau thời huy diệt người Do Thái của phát xít Đức (Holocaust) đã chuyển thành một câu chuyện khác về sự say sưa, điên rồ của thị trường tác phẩm mỹ thuật”. Cả bốn tác phẩm ấy, theo nhận định của Kimmelman đều là những tài sản quý giá mà Klimt đã để lại cho hậu thế, tiếc rằng chúng sẽ không còn cơ hội được công chúng chiêm ngưỡng.
Câu chuyện bà Maria Altmann đòi chủ quyền tranh Klimt cũng như bán hết năm bức tranh đi được thể hiện trong ba bộ phim tài liệu, đó là: Vụ cưỡng bức châu Âu (The rape of Europa – 2006, dựa theo cuốn sách của Lynn H. Nicholas), Cướp đoạt tranh Klimt (Stealing Klimt – 2007) và Ước muốn của Adele (Adele’s wish – 2008). Năm 2006, bộ phim Klimt nói về cuộc đời nghệ thuật của họa sĩ Áo vĩ đại đã được đạo diễn Raoul Ruiz dàn dựng với vai Klimt do John Malkovich thủ diễn và đã được chiếu tại Liên hoan phim Berlin năm 2006. Còn câu chuyện về những tranh chân dung Adele Bloch-Bauer được tác giả Anne-Marie O’Connor viết trong cuốn sách Thiếu phụ vàng: câu chuyện lạ lùng về các kiệt tác của Gustav Klimt, chân dung Adele Bloch-Bauer(The lady in gold: the extraordinary tale of Gustav Klimt’s masterpiece, portrait of Adele Bloch-Bauer) xuất bản năm 2012. Sách sẽ được đạo diễn Simon Curtis chuyển thể điện ảnh với vai diễn Maria Altmann được giao cho nữ diễn viên kỳ cựu người Anh Helen Mirren.