Đó là sự quan tâm tối cần thiết trong bối cảnh hiện nay, hay thực ra cơ quan quản lý ngành ngân hàng chưa tin tưởng vào sự vận hành của hệ thống?
Ngân hàng Nhà nước đề ra nhiệm vụ trong năm 2014 là tập trung kiểm soát việc thực hiện trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng thương mại nhằm đảm bảo an toàn tài chính, an toàn trong hoạt động ngân hàng, trước hết là đảm bảo nguyên tắc có nguồn để xử lý nợ xấu. Các ngân hàng phải tự đánh giá lại chất lượng và khả năng thu hồi các khoản nợ nhằm có biện pháp giải quyết như thu hồi nợ, bán nợ xấu cho các công ty quản lý tài sản, mua bán nợ…, để từng bước xử lý và giảm nợ xấu, phục vụ cho tăng trưởng và phát triển. Việc các ngân hàng đang đẩy mạnh hoạt động cho vay dịp cuối năm Âm lịch cũng được nhắc nhở phải giữ nghiêm kỷ luật tiêu chuẩn tín dụng, để không phải đối mặt với nợ xấu mới.
Ngân hàng Nhà nước cũng cảnh báo rằng tình trạng nợ xấu trong cho vay sản xuất – vốn có tỷ trọng tín dụng cao nhất trong dư nợ tín dụng – hiện chiếm tỷ lệ rất cao. Mới đây nhất, trong Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 15-1-2014 về việc tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2014, các tổ chức, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng được yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc các quy định và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lãi suất, áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay.
Việc định hướng cho các tổ chức tín dụng như vậy là rất cần thiết, tuy nhiên cơ quan quản lý có lẽ không nên đi sâu vào những vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh cụ thể. Cận kề Tết Nguyên đán, các ngân hàng thương mại được chỉ đạo phải tiếp tục triển khai tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất của các khoản vay cũ, xem xét miễn, giảm lãi vốn vay trên cơ sở khả năng tài chính của mình. Hoặc cụ thể hơn nữa, các ngân hàng thương mại được yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ và tiết giảm chi phí hoạt động để tích cực trích lập sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, cũng như triển khai các giải pháp nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh trong tương lai.
Tiết giảm chi phí không cần thiết là chuyện rất nên làm, đặc biệt trong bối cảnh hoạt động kinh doanh ngân hàng còn nhiều khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động của mình, tùy vào quy mô nguồn vốn, đội ngũ nhân lực, khả năng quản trị rủi ro, tình hình huy động và cho vay, phản ứng của thị trường, nhu cầu chiếm giữ thị phần… mà mỗi ngân hàng có thể linh động đưa ra mức lãi suất riêng, phù hợp cho từng thời điểm. Tương tự như vậy là chi phí dành cho quảng cáo, khuyến mãi. Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp và họ có khả năng tính toán hợp lý các khoản chi này trong khuôn khổ cho phép để vừa không lãng phí, vừa đạt được hiệu quả cao nhất. Một chỉ thị cho các ngân hàng phải tiết kiệm chi phí, giảm tối đa các chi phí quản lý, quảng cáo, khuyến mãi và chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay là khá gượng ép, dù rằng mục đích của chỉ thị này được lý giải là nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay vốn.
Minh Hằng