Những năm gần đây, khu vực Tây Bắc ngày càng được giới du lịch quan tâm với lượng du khách hằng năm vào khoảng mười triệu lượt người. Dù được đánh giá là nhiều tiềm năng nhưng những tỉnh rừng núi này vẫn chưa thể trở thành điểm đến phổ biến bởi vấn đề đi lại còn khó khăn, nhân sự làm du lịch còn thiếu và yếu… Theo đó, dự án Chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (gọi tắt là dự án EU, do Liên minh châu Âu tài trợ) đã có chương trình hỗ trợ Tây Bắc trong việc nghiên cứu quy hoạch, xây dựng thương hiệu và hỗ trợ phát triển cộng đồng.
Ngoài phong cảnh đẹp có ở khắp mọi nơi, Tây Bắc còn được du khách trong nước, quốc tế biết đến với phố cổ Đồng Văn, đèo Mã Pí Lèng lớn nhất thế giới, hệ thống di tích Điện Biên Phủ, các phiên chợ vùng cao – nơi giao lưu, gặp gỡ với nhiều sắc thái văn hóa. Bên cạnh đó, Tây Bắc cũng là vùng đất của các lễ hội truyền thống độc đáo như Gầu Tào, nhảy lửa, lễ hội hoa ban, đua ngựa ở Bắc Hà, Lào Cai… Nhiều du khách cũng thích vào thăm các bản làng dân tộc, mua hàng thổ cẩm làm quà lưu niệm. Tuy nhiên, với hầu hết du khách trong nước và quốc tế, Tây Bắc chỉ là điểm đến dành cho một nhóm người tự muốn khám phá chứ không phải là nơi tham quan, nghỉ dưỡng được tổ chức một cách chuyên nghiệp. Điều này khiến cho Tây Bắc mất đi nguồn thu từ du lịch.
Khó khăn lớn nhất trong việc phát triển du lịch Tây Bắc là hạ tầng du lịch còn quá thiếu thốn. Tại Hội chợ Du lịch quốc tế VITM 2013 vừa qua, tám tỉnh Tây Bắc kêu gọi đầu tư vào 16 dự án du lịch trọng điểm nhưng nhận được rất ít sự quan tâm của nhà đầu tư bởi những khó khăn về điều kiện tự nhiên. Nhiều ý kiến cho rằng muốn thu hút đầu tư vào các điểm du lịch ở đây cần phải có cơ chế thông thoáng hoặc phải được Nhà nước hỗ trợ về hạ tầng cơ sở. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết chất lượng nguồn nhân lực cũng là khó khăn rất lớn của vùng. Bộ máy quản lý du lịch cấp tỉnh vừa thiếu và yếu nên khó tham mưu cho cấp lãnh đạo về định hướng quy hoạch và phát triển du lịch. Trong khi đó, để bảo vệ và gìn giữ những giá trị văn hóa dân tộc, các tỉnh cần quy hoạch lại không gian văn hóa truyền thống cho các phiên chợ tình; hệ thống tuyến điểm du lịch phải có sự liên kết đa dạng giữa các loại hình du lịch sinh thái, khám phá, du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng …
Du khách quốc tế khám phá Tây Bắc
Trong khi đầu tư một khu nghỉ dưỡng còn khó khăn, việc đầu tư cho phát triển loại hình du lịch cộng đồng được đánh giá có tính khả thi hơn. Theo ông Don Taylor, chuyên gia của dự án EU thì một số khu vực ở Tây Bắc có tiềm năng du lịch cộng đồng. Những nơi đó cần phải được đầu tư và tập huấn nhân sự để đáp ứng nhu cầu của du khách. Du lịch cộng đồng nghỉ tại nhà dân hiện chỉ cung cấp dịch vụ lưu trú và ăn uống, trong khi những trải nghiệm về cuộc sống như lao động và bán hàng lưu niệm còn thấp. Một trong những lý do là thiếu hiểu biết về nhu cầu của khách, sự yếu kém trong kỹ năng kinh doanh và trình độ ngoại ngữ. Nhiều doanh nghiệp cho biết để người dân Tây Bắc hiểu được cách thức phục vụ khách, làm những món ăn và đáp ứng nhu cầu của khách là cả một quá trình dài. Chẳng hạn, việc vận động để người dân thay đổi thói quen chăn nuôi dưới nhà sàn, xây dựng nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn để hút du khách homestay đòi hỏi nhiều sự kiên nhẫn…
Ông Nguyễn Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH-TT-DL Lào Cai, cho biết: “Tám tỉnh Tây Bắc mở rộng sẽ phối hợp với dự án EU thành lập một mô hình kiểu mẫu cho ban quản lý du lịch cấp cộng đồng, xây dựng một số nhà văn hóa xã điển hình, trong đó tăng cường các trang thiết bị phù hợp để hỗ trợ phát triển du lịch có trách nhiệm. Chúng tôi hướng tới phát triển du lịch cộng đồng để người dân cùng được hưởng lợi”. Dưới sự hỗ trợ của Tổng cục Du lịch, dự án EU, các tỉnh khu vực Tây Bắc đã hoàn thiện bộ thương hiệu du lịch của khu vực và xây dựng kế hoạch quảng bá chung tầm nhìn 2020. Để hướng đến chương trình “Năm du lịch quốc gia khu vực tám tỉnh Tây Bắc mở rộng vào năm 2017”, từ nay đến năm 2016, tất cả các sản phẩm du lịch của vùng được hoàn thiện và quảng bá rộng rãi.
Mong rằng việc làm này sẽ góp phần đưa thêm du khách đến với Tây Bắc.
Cẩm Tú tổng hợp