Ngày 7/3, công ty bảo hiểm Bảo Minh và công ty công nghệ bảo hiểm đến từ Úc là Hillridge đã tổ chức lễ ký kết thoả thuận hợp tác và ra mắt sản phẩm Bảo hiểm Chỉ số Bão. Đây là sản phẩm bảo hiểm trang bị công nghệ tham số hiện đại nhằm bảo vệ người nông dân tại Việt Nam khỏi thiệt hại do bão gây ra.
Tận dụng nền tảng công nghệ từ Hillridge, Bảo hiểm Chỉ số Bão có quy trình mua hàng trực tuyến đơn giản. Việc thanh toán bồi thường minh bạch, công bằng dựa trên một tính toán đã định trước giúp người nông dân, chủ trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp trong vòng 10 ngày có thể nhận được bồi thường bảo hiểm thiệt hại do Bảo Minh chi trả. Khoản bồi thường được tính toán dựa trên dữ liệu vệ tinh đo lường cấp bão và khoảng cách từ cơn bão đến tài sản được bảo hiểm.
Tổng Giám đốc Hillridge, ông Dale Schilling chia sẻ: “Khác với hình thức bảo hiểm truyền thống xác định giá trị bồi thường dựa trên đánh giá thiệt hại, có quy trình phức tạp và thời gian chi trả lâu, bảo hiểm chỉ số thường có thời gian xử lý chỉ trong vòng 10 ngày, căn cứ trên các thuật toán minh bạch và được xác định sẵn”.
“Nhờ vậy, người nông dân Việt Nam có thể nhanh chóng tái tạo lại đàn gia súc gia cầm, trồng trọt lại mùa màng, thay vì phải chờ đợi quy trình đánh giá và bồi thường rất mất thời gian, ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng phục hồi sinh kế sau bão”, ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Tổng Giám đốc Bảo Minh bổ sung.
Là quốc gia ven biển, mỗi năm Việt Nam hứng chịu khoảng 4 đến 6 cơn bão nhiệt đới lớn trong mùa mưa, ảnh hưởng nặng nề đến ngành nông nghiệp. Đáng báo động là chưa đến 5% số người nông dân trên toàn quốc tham gia chương trình bảo hiểm thiên tai.
Bảo hiểm thiên tai sử dụng dữ liệu thời tiết thu thập qua vệ tinh từ Hiệp hội Đại học Nghiên cứu Khí quyển (UCAR) với sự tài trợ của Quỹ Khoa học Quốc gia, một cơ quan chính phủ Hoa Kỳ, kết hợp với hệ thống phân loại cấp bão của Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Hệ thống phân tích tối tân của Hillridge sẽ xử lý các yêu cầu bồi thường dựa trên sức gió và khoảng cách (trong phạm vi 100 km) từ tâm bão đến tài sản được bảo hiểm.
Tại một sự kiện diễn ra đầu tuần này ở Thành phố Hồ Chí Minh, trước sự chứng kiến của Dự án Quản lý Rừng bền vững do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, Hợp tác xã Nông nghiệp Hiệp Thuận, tỉnh Quảng Nam đã trở thành khách hàng đầu tiên mua sản phẩm Bảo hiểm Chỉ số Bão. Đại diện Hợp tác xã (HTX), ông Nguyễn Hữu Dương và Phó Tổng Giám đốc Bảo Minh, ông Nguyễn Ngọc Anh đã ký kết thoả thuận hợp tác, theo đó các nông hộ thuộc HTX sẽ được bảo hiểm khỏi thiên tai và tác động dài hạn từ biến đổi khí hậu. USAID sẽ hỗ trợ thực hiện gói bảo hiểm năm đầu tiên, kèm theo đó là hỗ trợ kỹ thuật cho HTX.
Ông Nguyễn Hữu Dương phát biểu: “Chúng tôi tin rằng nhờ vào chính sách bảo hiểm này cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật từ phía USAID, HTX sẽ giúp 40 chủ rừng với khoảng 154,46 héc ta rừng keo áp dụng giải pháp kỹ thuật tiên tiến quản lý rừng sản xuất thêm yên tâm phát triển diện tích rừng keo tại địa phương, nhờ đó cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho sản phẩm gỗ được chứng nhận do HTX sản xuất”.
“Bảo Minh nhìn thấy nhiều cơ hội lớn cho sản phẩm Bảo hiểm Chỉ số Bão phục vụ người nông dân trong các lĩnh vực thuỷ hải sản và nông lâm nghiệp, gồm cả trái cây, mía đường và cao su, nhất là ở các tỉnh miền Trung thường xuyên hứng chịu giông bão như Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Nam, Bình Định và Bình Thuận”, ông Nguyễn Ngọc Anh phát biểu.
Bảo hiểm Chỉ số Bão có phạm vi bảo hiểm từ chỉ 10 triệu VND, lên đến 75% tổng giá trị tài sản được bảo hiểm, giúp người mua dễ dàng tiếp cận và lựa chọn mức bảo hiểm phù hợp với quy mô hoạt động của mình.
“Hillridge là công ty đầu tiên giới thiệu công nghệ bảo hiểm tối tân này đến người nông dân Úc, và nay chúng tôi cũng đem công nghệ này phục vụ thị trường Việt Nam. Chúng tôi hiểu rằng cộng đồng nông nghiệp Việt Nam quy tụ rất nhiều doanh nghiệp và nông hộ, từ quy mô nhỏ hoạt động độc lập, đến các công ty, xí nghiệp cỡ vừa và các tập đoàn quy mô lớn. Hillridge cam kết cung cấp một sản phẩm bảo hiểm có thể điều chỉnh quy mô theo yêu cầu người mua, để không người nông dân nào gặp khó khăn tài chính ảnh hưởng đến khả năng trồng trọt, chăn nuôi và duy trì nguồn sinh kế gia đình”, ông Schilling bộc bạch.