Văn hóa luôn là một căn cước để trả lời mỗi khi dấy lên câu hỏi Việt Nam, anh là ai? Trong những thời khắc bước ngoặt vận mệnh của dân tộc, các nhà văn hóa – tư tưởng đều hướng về văn hóa như một con đường.
Tiếng gọi của khoảng trống
Tiếng gọi của khoảng trống (Viện Nhân học Văn hóa & Nxb Hội Nhà văn, 2022), là công trình nối tiếp và song đôi với Tròng trành và lệch chuẩn (2020).
Nếu Tròng trành và lệch chuẩn là viết như nội tâm hóa sự tham dự văn chương của Đỗ Lai Thúy, một tổng kết sự viết của ông về văn học và các nhà phê bình văn học Việt, thì Tiếng gọi của khoảng trống là viết như nội tâm hóa sự tham dự văn hóa, là sự hệ thống một con đường của tri thức Việt, thông qua 27 chân dung nhân vật văn hóa Việt Nam cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX.
Mở đầu cuốn sách là một tiểu luận với tên gọi đầy gợi mở Đầy và rỗng, con đường của tri thức Việt trình bày sự phát triển của trí thức Việt Nam từ khi hình thành tầng lớp trí thức Tây học như một mẫu người văn hóa. Trong đó, Đỗ Lai Thúy cũng phân định thành 5 hệ hình nhỏ bao gồm (1) các trí thức Kitô giáo cuối thế kỷ XIX đầu XX, (2) các nhà nho duy tân, (3) các nhà Tây học duy nho, (4) các nhà Tây học thuần thành và (5) các nhà Tây học mác-xít.
Phần thứ hai là 27 chân dung – 27 trường hợp nghiên cứu, những con người mà Đỗ Lai Thúy gọi là “phía sau của mặt trăng.” Như tên gọi, họ là những nhân vật văn hóa góp phần thay đổi hệ hình, nhưng còn bị khuất lấp bởi sự thiếu hụt tư liệu cũng như nhận thức của hậu thế, hay sự chi phối của cái nhìn ý hệ.
Dù họ rất đa dạng, bao gồm những nhà canh tân yêu nước (Phan Thanh Giản, Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký, Phan Châu Trinh…) hay các học giả (Đào Duy Anh, Từ Chi, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn…) nhưng dường như, tác giả phát hiện ra một quán tính ở họ, và cũng như ở trí thức Việt Nam nói chung, đó là mọi con đường đều đi đến văn hóa.
Trong tác phẩm này, Đỗ Lai Thúy lần đầu tiên tự nhận mình là một người “thám mã văn hóa” (trước đây người ta biết đến ông nhiều với tư cách là nhà phê bình văn học/văn hóa). Nhưng qua những chân dung văn hóa của từng nhân vật trong một giai đoạn lịch sử bước ngoặt vừa biến động vừa bi thời, thì Đỗ Lai Thúy đồng thời xứng đáng là một người trục vớt văn hóa.
Cuốn sách này hy vọng góp phần chỉ ra được những khoảng trống đó trên con đường phát triển liên tục của lịch sử văn hóa và lịch sử tư tưởng. Những khoảng trống đó tự thân phát ra lời kêu gọi được lấp đầy. Đó là lý do tôi lấy nhan đề cho sách này là Tiếng gọi của khoảng trống”
ĐỖ LAI THUÝ
Bởi, đối với những nhân vật vốn đã ít nhiều bị chìm khuất trong dòng chảy lịch sử, nay đã được ông đào sâu từng vỉa tầng, để soi chiếu họ dưới ánh sáng mới của đương đại, cho thấy những nỗ lực dang dở nhưng là bài học kinh nghiệm trong công cuộc xây dựng nền văn hóa dân tộc ngày nay.
Nhà trí thức cách mạng Hồ Hữu Tường đề xuất chủ thuyết trung lập chế, một chế độ trung lập khiến Việt Nam không phải chia đôi. Hoặc giáo sư Kim Định với triết lý an vi và minh triết Việt nho như một đề án cứu rỗi nhân loại.
Còn đối với những nhân vật đã được biết đến nhiều, thì ông lại mang đến một diễn ngôn khác về họ, soi tỏ họ bằng một ánh sáng khác. Phan Châu Trinh, sau đó là Phan Khôi, Đào Duy Anh và Nguyễn Kiến Giang đều là những người thực hiện bước ngoặt từ chính trị sang văn hóa. Họ đều có giai đoạn khởi phát hoạt động chính trị sôi nổi, nhưng rồi chủ động hoặc bị động, nhận ra phát triển văn hóa là con đường tối ưu cho đất nước, và chuyển qua hoạt động văn hóa, để lại những giá trị văn hóa lớn.
Lịch sử thú vị hơn em tưởng
Song hành với Tiếng gọi của khoảng trống, là tác phẩm Lịch sử thú vị hơn em tưởng (tập 1, tái bản và bổ sung, Nxb Hội Nhà văn, 2022) của tác giả Đỗ Cao Sang với dung lượng 500 trang với 3.000 bài thơ 5 chữ về lịch sử và nhân vật văn hóa Việt.
Đỗ Cao Sang cũng chọn văn hóa là con đường dẫn đạo và lấy một hình thức mang tính truyền khẩu dân gian là thơ để phổ biến giáo dục văn hóa. Hàng nghìn năm lịch sử văn hóa dân tộc được anh tuyển lựa, cô đọng và diễn giải theo cá tính của riêng mình.
Cũng những nhân vật trong Tiếng gọi của khoảng trống, nếu Đỗ Lai Thúy tìm sâu và minh định hàn lâm, thì Đỗ Cao Sang lại khái quát hóa chân dung họ qua những bài thơ dễ hiểu, dễ thuộc, giống như một bên là chân dung nghệ thuật đi sâu vào từng chi tiết, sắc thái bản diện, còn bên kia là chân dung ký họa, cho thấy những đường nét, hình khối chấm phá. Hay chính Đỗ Cao Sang cũng “vịnh” một bài thơ về Đỗ Lai Thúy:
“Sách Vẫy Vào Vô Tận
Chân Trời Có Người Bay
Mới mẻ, nhiều sáng tạo
Phong cách hiếm xưa nay.
Khoa học và nghệ thuật
Muốn thấy sự giao thoa
Đọc ngay Đỗ Lai Thúy
Chắc chắn sẽ tìm ra.”
Tiếng gọi của khoảng trống và Lịch sử thú vị hơn em tưởng cũng nằm trong dự án tủ sách mới Thú vị hơn bạn tưởng của Đỗ Cao Sang cùng cộng đồng English Lights Your Home (ELYH). Xuất phát điểm ban đầu là một cộng đồng kết nối những người yêu thích tiếng Anh, ELYH đã trở thành một “học hội” hướng đến các giá trị giáo dục khai phóng và tôn vinh văn hóa, đặc biệt cho giới trẻ.
Và để thúc đẩy mục tiêu của mình, cộng đồng đã tổ chức xuất bản nhiều đầu sách khác nhau, không chỉ về tiếng Anh (Tiếng Anh thú vị hơn em tưởng, Tiếng Anh và danh nhân thế giới), mà còn tiến dần chuyển đổi sang lịch sử, văn hóa và nhiều lĩnh vực khác.
Trong bối cảnh trăm hoa đua nở của các tủ sách, thì sự xuất hiện của tủ sách Thú vị hơn bạn tưởng cũng đóng góp thêm một tín hiệu tích cực hướng tới sự lan tỏa tri thức và hiểu biết tới bạn đọc hiện nay. Có lẽ, sách vẫn còn có một vai trò trong việc “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.” Mọi con đường đều đi đến văn hóa.
Tiếng gọi của khoảng trống và Lịch sử thú vị hơn em tưởng tới đây sẽ được tổ chức ra mắt vào 8h30 ngày 20/11/2022 tại sân khấu chính Phố Sách Hà Nội 19 Tháng 12, Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
- Xem thêm: Cánh bằng bạt gió