Đây là một sự kiện quốc tế chuyên ngành, có quy mô lớn do Bộ VHTTDL, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) và UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp tổ chức, dự kiến sẽ thu hút sự tham gia của khoảng 350 đến 400 đại biểu, trong đó có khoảng 150 đại biểu quốc tế đến từ hơn 30 quốc gia đại diện cho Cơ quan Du lịch quốc gia, các nước thành viên UNWTO, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ, các đại sứ quán tại Việt Nam, các công ty lữ hành lớn tại các thị trường trọng điểm của Việt Nam và các cơ quan truyền thông báo chí quốc tế…
Tổng cục Du lịch cho biết rằng năm ngoái, Tổng thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) thăm làm việc ở Ninh Bình và có ấn tượng tốt đẹp. Ông đề xuất sáng kiến tổ chức hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh tại Ninh Bình và được Chính phủ chuẩn y, giao Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình thực hiện. Đây là lần đầu tiên một hội nghị tầm quốc tế về du lịch tâm linh được tổ chức ở Việt Nam, cho thấy hình thức du lịch này đang được quan tâm và tạo điều kiện phát triển. Theo chương trình, sau một ngày tham quan chùa Bái Đính, quần thể danh thắng Tràng An, nhà thờ đá Phát Diệm, các đại biểu sẽ hội thảo quanh chủ đề: Ý nghĩa của du lịch tâm linh; Giao lưu văn hóa và du lịch có trách nhiệm – tăng cường tương tác thông qua du lịch tâm linh; Tính bền vững tại các điểm du lịch tâm linh; Sản phẩm du lịch tâm linh – những kinh nghiệm và kết nối khả năng của điểm đến với nhu cầu hiện tại và tiềm năng.
Ngoài Ninh Bình, Việt Nam còn nhiều nơi có tiềm năng lớn cho việc phát triển du lịch tâm linh chẳng hạn như Huế, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ – những vùng còn tồn tại nhiều quần thể đình chùa cổ. Nếu như các điểm đến tâm linh ở miền Bắc như chùa Hương, các chùa quanh Hà Nội bị khai thác quá mức và không đúng cách, làm mất đi nét đẹp vốn có thì Huế dường như ngược lại, nhiều công trình tôn giáo ở đây còn được ít người biết đến. Là một trung tâm Phật giáo lớn của cả nước, Huế có hệ thống chùa chiền dày đặc, nhiều chùa được liệt vào hàng quốc tự.Ngoài ra, văn hóa Phật giáo tại đây còn được biết đến bởi các nghi lễ được bảo lưu khá nguyên vẹn, với không ít lễ hội mang màu sắc tâm linh đặc sắc. Cố Giáo sư Thái Quang Trung, người đã dành nhiều công sức để định vị thương hiệu cho du lịch Huế từng nhận định: Điều kiện tự nhiên và môi trường văn hóa đích thực ở Huế rất thích hợp với loại hình du lịch dưỡng sinh, một loại hình du lịch “quý tộc” và đắt tiền nhất hiện nay trên thế giới, cho phép con người tìm lại sự cân bằng cho chính mình thông qua nghỉ ngơi và các liệu pháp thư giãn. Hiện nay, các công ty du lịch cũng tổ chức các tour du lịch hành hương hằng năm nhưng đa số cũng chỉ dừng ở mức đến thăm các ngôi chùa cổ của Huế để ngắm kiến trúc đẹp, thưởng thức ẩm thực chay chứ chưa thể ở lại tìm hiểu sâu hơn về văn hóa.
Năm 2010, một hội thảo Di sản văn hóa Phật giáo và vấn đề phát triển du lịch đã bàn về vấn đề phát triển du lịch tâm linh ở Huế. Sau đó một số chùa ở Huế với sự hợp tác của các đơn vị lữ hành đã bắt đầu hình thành một số tour du lịch để cho du khách tu tập, học thiền ở lại chùa. Nhưng thực tế, các hãng lữ hành vẫn mạnh ai nấy làm mà chưa có liên kết một cách bài bản, chưa dựa vào được cộng đồng để tạo sản phẩm, vấn đề lợi ích giữa các bên tham gia vẫn chưa giải quyết được. Quan trọng hơn, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc tạo ra các điều kiện, cơ chế, chính sách phát triển du lịch tâm linh vẫn chưa rõ ràng. Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng du lịch tâm linh ở cố đô chưa phát triển được một phần là do cơ quan quản lý nhà nước, trung tâm xúc tiến du lịch của Huế còn quá yếu.
Chùa Thiên Mụ, điểm đến hàng đầu ở Huế
Ở các nước Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật… du lịch tâm linh đang rất phát triển. Nhiều người Việt Nam cũng đã sang tận các nước này để học thiền, học đạo. Các vị sư ở Việt Nam được mời ra nước ngoài giảng dạy về tâm linh cũng ngày càng nhiều.Tuy nhiên, ngay trong nước thì loại hình du lịch trên lại chưa được khai thác đúng cách. Mong là hội nghị tới đây sẽ đưa ra nhiều giải pháp cụ thể để loại hình du lịch đang là xu hướng của thế giới này có thể phát triển bền vững ở Việt Nam.
Cẩm Tú tổng hợp