Sức hấp dẫn của Đà Lạt đâu cần tìm đâu cho xa, nằm ngay trong đời sống thường nhật của người Đà Lạt. Dĩ nhiên là phải nhìn ra, giữ gìn sự chuyên nghiệp trong nhịp điệu từ tốn sẵn có.
Với người mỗi năm đi Đà Lạt một, hai lần, thì một chuyến nghỉ cuối tuần ba ngày hai đêm bây giờ là một phép tính khó. Khó không phải bởi eo hẹp thời gian, mà ngược lại, là ít nhiều có cảm giác thời gian giãn ra, chẳng biết làm gì, đi đâu cả. Mọi thứ dịch vụ mới lạ một cách… cũ kỹ và dễ gây nhàm chán, theo nghĩa, các điểm đến, trải nghiệm mà ta gặp ở đây nhang nhác những nơi khác; sự nhang nhác sao chép gây khó chịu. Mọi chỗ mọi nơi đều hao hao, giả giả như một lớp nước sơn lòe loẹt không chuyển tải được ngôn ngữ của bản sắc.
Thật ra, Đà Lạt đâu có nghèo nàn đơn điệu đến vậy!
Thử làm một du khách thoát khỏi sự lôi kéo rộn ràng của các bảng xếp hạng “chốn check-in thần thánh”, “chỗ sống ảo đẹp mê hồn”, “điểm đến chill đã đi là không muốn về”, “top check-in ở Đà Lạt cứ ngỡ ở nước ngoài”…; thử đặt mình trong một khung thời gian hẹp của một ngày một đêm ở Đà Lạt với cuộc dò tìm xem còn điều gì “nguyên chất” ở thành phố này có thể quyến rũ ta?
***
Một buổi sáng ở Home Coffee trên đường Cô Giang. Nếp nhà cũ có lẽ được xây từ thập niên 1960, với khoảng sân khá rộng, tường rào cây được cắt tỉa xanh gọn. Những bộ bàn ghế gỗ được đặt bên một hành lang có nhiều chậu sen đá tươi tốt, một vườn hồng môn và phong lan mà gia chủ chăm chút bốn mùa rộn hoa. Vài năm trước, cũng ở khoảng sân này, buổi sáng tôi có thể chọn bất cứ một bàn nào để ngồi ngắm mảnh vườn nhỏ, nhưng bây giờ thì ngay cả các buổi sáng trong tuần, các bàn ở khoảng sân trước thường được đặt hết; khách vãng lai đến muộn một chút thì phải vào trong nhà ngồi, ngắm vườn qua cửa sổ hoặc chọn những bộ bàn ghế mới được gia chủ kê thêm dọc theo bờ tường cạnh những luống hoa hồng môn rực rỡ.
Nhạc xưa. Là Khánh Ly, Thanh Lan, Thanh Tuyền, Tuấn Ngọc, Ngọc Lan. Và Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Trường Sa, Lam Phương hay Ngô Thụy Miên. Cả nhạc Pháp lãng mạn của thập niên 1960 – 1970. Thứ âm nhạc tái tạo trong tâm trí một đời sống trung lưu và phong lưu êm đềm đã cũ. Bên trong của nếp nhà thấp, mỗi bờ tường, cánh cửa đều đã được phủ qua dung môi đậm đà của thời gian.
Và cũng như nhiều người Đà Lạt sống lâu năm trong bầu trời hoài niệm, chủ nhà bày lên kệ những vật dụng gắn bó không nỡ bỏ đi qua nhiều thời kỳ, từ cái tivi, máy hát cũ cho đến những ảnh chụp sinh hoạt gia đình, cả những món lưu niệm mà mỗi thành viên gia đình mang về sau những chuyến đi xa. Bấy nhiêu đủ biến ngôi nhà nhỏ trở thành một bảo tàng sống động. Vậy là thanh âm cho đến thị giác đã hòa trong một sắc thái Đà Lạt nguyên tuyền, một kiểu cách sống và lưu trữ Đà Lạt tự nhiên, dễ chịu. Trên bộ bàn gỗ, khách được mời ly cà phê phin cùng ổ bánh mì xíu mại, đĩa trứng omelette, một ly yaourt mứt dâu tằm – những món điểm tâm xếp vào hàng “tủ” của người Đà Lạt xưa nay.
Khách nhắm mắt nghe những bước chân trong khu vườn buổi sáng, qua những luống hoa và tiếng đánh màn trập máy ảnh. Trong gian bếp nhỏ bên cạnh được che bằng một tấm màn vải, ông bà chủ và cô con gái, cậu con trai đang từ tốn làm từng món ăn sáng theo lối bếp nhà “home-made” Đà Lạt thứ thiệt.
Thế thôi, mà sân nhà ngày càng đông du khách đến. Khách đến dù cần chụp ảnh, ưa sống ảo thì cũng tự biết phải nhỏ nhẹ, ý tứ để không làm xáo trộn, không làm thương tổn cái khoảnh khắc nhẹ nhàng lịch thiệp của một kiểu dịch vụ du lịch mang đậm cốt cách địa phương.
***
Khi đã thuộc làu hết các bài của du lịch bề nổi Đà Lạt, thì khách còn quay lại để mà làm gì? Một thành phố sẽ biết cách quyến rũ bằng những điều ẩn giấu, không phải bằng sự đáp ứng thỏa mãn dễ dàng. Tôi nghĩ ra điều này khi lướt qua những phòng trưng bày tư nhân.
Với một lịch sử nhiều biến thiên, những phòng trưng bày gia đình, cá nhân có ý nghĩa đặc biệt để mở cho ta một lối đi vào khám phá thành phố ở một chiều kích khác.
Với một lịch sử nhiều biến thiên, những phòng trưng bày gia đình, cá nhân có ý nghĩa đặc biệt để mở cho ta một lối đi vào khám phá thành phố ở một chiều kích khác.
Nếu trước đây, không gian trưng bày kỷ vật ở Dinh Tỉnh trưởng đáp ứng phần nào những cuộc tìm kiếm lai lịch thành phố qua các kỷ vật, thì lúc này Đà Lạt có thêm một điểm nữa, nơi mà cánh cửa đóng kín của gian phòng nhà sưu tập được mở ra để đón khách xa bước vào như trở về với lai lịch văn minh của một thành phố. Quán cà phê Thi Tuấn trên đường Yagout là một địa điểm như vậy. Những máy hát cổ, từ máy nghe đĩa than đến đầu đọc băng cối, những cuộn băng chiếu phim, ấn phẩm trước 1975 và những bộ album hình ảnh người Đà Lạt xưa đang làm cho lịch sử thành phố như gom gọn trong cấu trúc một villa.
Bộ sưu tập tư nhân chuyên sâu và đa dạng của anh Thi (một nhà sưu tầm, một người chơi guitar cổ điển có tiếng ở Đà Lạt) đã được những người thích lối “du lịch chậm” gần đây chú ý.
Khách bất ngờ khi đến Thi Tuấn có thể lần dở những tờ bướm giới thiệu phim của rạp Hòa Bình, Ngọc Hiệp, chạm vào những bao đựng ảnh cho đến ảnh chụp đóng triện nổi của các ảnh viện Đà Lạt thập niên 1950 – 1970. Một tour bỏ túi được chủ quán tổ chức cho những du khách muốn tìm về đời sống văn hóa Đà Lạt xưa ngay trong quán cà phê này. Khách sẽ được chính chủ bộ sưu tập giới thiệu kỹ thuật chiếu phim, các dòng máy ảnh, máy nghe nhạc và in sang băng đĩa các thời kỳ và thưởng thức những bản ghi âm quý trong hàng ngàn đĩa than, băng cối…
Anh Thi chính là con của ông chủ tiệm radio Hoàng Anh (60 Minh Mạng cũ, nay là Trương Công Định), nên một phần kho tàng cá nhân của anh được thừa hưởng từ di sản người cha để lại. Ngoài ra, anh cũng là người trưởng thành trong không gian văn hóa phong phú của Đà Lạt, có mối quan tâm đặc biệt đến các kỷ vật và thông qua các kỷ vật, tìm cách kể câu chuyện lịch sử văn hóa theo lối độc đáo của một nhà sưu tập. Phía sau câu chuyện từng chiếc máy ảnh cũ, từng cuốn sách trôi nổi, từng cuộn băng… là lịch sử thăng trầm của thành phố qua từng thời kỳ.
Máy móc, kỷ vật ở đây không vô tri như những vật dụng lỗi thời, chỉ để ngó cho thỏa “cơn khát vintage”, mà có thể còn cất lên âm điệu xưa, chiếu lại đoạn phim cũ, làm sống lại những hồi quang văn minh của nơi chốn.
Từ không gian của quán Thi Tuấn, tôi hình dung chuyện kể lịch sử Đà Lạt đã sống động theo một cách thế trực quan và thú vị. Ở đó, như anh Thi nói, người Đà Lạt tìm lại được hồn cốt, ký ức của mình; còn du khách thì tìm thấy Đà Lạt ở một chiều kích sâu sắc hơn.
***
Làm sao có thể khơi nhiều thêm những kho tàng như thế để Đà Lạt có được một nhịp cân bằng, tạo ra những sản phẩm mới thuần chất Đà Lạt chứ không chỉ dựng lên những thứ miệt mài đáp ứng các nhu cầu cả thèm chóng chán của du khách đại chúng? Bài viết này không có mục đích giới thiệu điểm đến, nhưng với hy vọng đây là những gợi ý để Đà Lạt “nguyên chất” hơn bằng chính vốn liếng bản sắc và độc đáo của mình.
- Xem thêm: Đà Lạt trăm năm: Màu của tiếng vó ngựa