Hơn 800 đơn xin vào Hội Nhà văn Việt Nam nhưng năm nay hội này chỉ kết nạp 34 hội viên. Con số đó cho thấy rằng, đến tận hôm nay, vào Hội Nhà văn vẫn là khao khát cháy bỏng đối với nhiều người cầm bút trong nước.
Điều đó cũng giải thích rằng, mỗi năm, trước thời điểm Hội Nhà văn kết nạp hội viên mới, không ít thì nhiều, đều xảy ra những vụ bàn tán, thậm chí tranh cãi ồn ào chuyện “kẻ được người không”. Như năm nay, là việc một nhà thơ suýt bước chân vào Hội thì bị loại phút chót chỉ vì các hội viên khác “truy vết”, phản ứng dữ dội về một bài thơ mà anh ta đã làm từ 19 năm trước.
Chuyện nực cười vậy mà cũng có thể diễn ra được ở một hội nghề nghiệp của những người cầm bút. Đáng nói hơn, chuyện vặt vãnh vậy mà cũng xảy ra ở một không gian – nơi làm ra các sản phẩm trí tuệ giúp con người giàu có, cao cả hơn trong đời sống tinh thần. Và chuyện hài hước vậy mà cũng trở thành đề tài tranh luận đáng kể trên các mặt báo, làm tốn bao giấy mực. Cứ như thể cuộc sống sáng tạo văn chương không có gì đáng nói hơn tranh cãi xứng đáng hay không xứng đáng có một vé hội viên Hội Nhà văn. Và thời sự văn chương cũng chỉ có thế.
Đã có những dè bỉu hội hè, nhưng không ai khác, chính những người dè bỉu lại tìm suất ghế trong đời sống hội hè. Đã có những diễn ngôn coi thường “tập thể phải đạo”, rồi trớ trêu thay, cũng chính những kẻ từng hiên ngang bất cần lại chạy đôn chạy đáo mong có một danh dự ghi trên tấm thẻ ghi nhận là “nhà văn” để cạnh tranh với chính những kẻ mình từng khinh thị. Rồi cũng lại có những tiếng nói ôn tồn phản biện sự tiêu cực hay tầm thường trong cơ chế quản lý của chức nghề nghiệp này, nhưng rồi không cần tìm đâu xa, chính anh ta lại có thể hả hê ướm mình vào những chiếc ghế rồi sốt sắng chứng tỏ quyền uy ngay khi có cơ hội mà phạm vi chiếc ghế ngồi cho phép.
Có lẽ Hội Nhà văn trở thành nơi chứa đựng những mâu thuẫn đủ mang lại một sân khấu lớn trong đời sống, như có một bàn tay thiên tài xây dựng một kịch bản hội tụ mọi biểu trưng hài hước trên đời.
Thế rồi cuối cùng thì nhìn lại sau những ồn ào của hội nghề nghiệp, những cuộc tranh luận và đáp trả bằng ngôn từ sắc sảo sống động mà các nhà văn nhà thơ dành cho nhau, thì độc giả ngơ ngác tự hỏi: Họ là ai? Tác phẩm của họ là gì?…
Hãy thử đặt cái nhìn sang lĩnh vực xuất bản sẽ thấy câu trả lời cho truy vấn trên là một khoảng trống. Khoảng trống ấy ngày càng lớn dần lên, đong đếm được, cảm nhận rõ khi mà số lượng sách văn học dịch trên thị trường đang dần áp đảo. Độc giả không còn cái háo hức tìm kiếm và chờ đợi những tác phẩm được viết bởi các tác giả trong nước. Các nhà kinh doanh xuất bản không còn hào hứng đầu tư vào tác phẩm của tác giả Việt Nam bởi đó là một ngách thị trường thu hẹp dần.
Chưa bao giờ như lúc này, trừ một số rất ít tên tuổi bán chạy rất nhiều năm, thì không xuất hiện những cái tên mới được độc giả quan tâm đón chờ sách mới. Sâu xa hơn, xét về giá trị, giới phê bình (dường như cũng bận rộn hội hè phe cánh) cũng hiếm khi tiến cử được những tác phẩm sáng tạo đủ sức tạo ra những đột phá mang dấu ấn cá nhân, độc lập trong thời kỳ này.
Những cuộc tranh cãi có màu sắc đấu tố, những cuộc bới móc danh dự tàn nhẫn cuối cùng cũng chỉ để giải quyết vấn đề quẩn quanh cái ghế ở nơi được coi là danh giá, không hơn.
Đó là đặt trong toàn cảnh văn chương. Nếu thu hẹp lại ở khoanh vùng sách của hội viên Hội Nhà văn thì càng thấy không có gì đáng bàn khi mà nhiều người cầm được tấm thẻ như một cứu cánh của nghề viết. Từ đó, tấm thẻ là bảo chứng và cơ hội để tìm những đợt tài trợ từ các hội địa phương mong trình làng các tác phẩm ở mức lúa non gặt vội chứ không thể tự lực mang tác phẩm của mình bước ra thị trường rộng lớn để cạnh tranh với các tác giả độc lập khác.
Bên cạnh đó, những giải thưởng văn học, giải sách chính thống đang dần cho thấy sự phù phiếm phấn son bề mặt khi làm truyền thông tốt, những bảng chứng nhận được thiết kế sang trọng hơn, các buổi lễ tôn vinh chuyên nghiệp hơn… nhưng không đủ bảo chứng tác phẩm trong một thị trường, độc giả đang thay đổi, biết đòi hỏi một chất lượng cao hơn. Một trong các nguyên do là bản thân các giải thưởng không được đặt trên những hệ giá trị rõ ràng, tiêu chí chuyên môn minh bạch và hệ thống đánh giá ghi nhận thuyết phục, phù hợp.
Cuối cùng, vẫn còn nhiều người viết cần được kẻ khác phát hiện ra mình và tìm thấy sự tồn tại mình trong một tập thể có nhiều người tương đồng về mục đích: coi một ghế trong hội là lẽ sống và cùng đích của việc viết thay vì tìm kiếm sự tồn tại ngay trên giá trị tác phẩm. Dĩ nhiên, điều này không bao hàm tất cả mọi người cầm bút, nhưng cũng không thể phủ nhận tính phổ biến của một môi trường sống và viết vì những thứ chẳng thuộc về văn chương. Những cuộc tranh cãi có màu sắc đấu tố, những cuộc bới móc danh dự tàn nhẫn cuối cùng cũng chỉ để giải quyết vấn đề quẩn quanh cái ghế ở nơi được coi là danh giá, không hơn.
Còn vị trí cá nhân trong đời sống sáng tạo biểu hiện qua những cuốn sách thuyết phục, có sức sống – điều độc giả quan tâm và chờ đợi ở người viết thì vẫn là một khoảng trống mịt mờ.