Một chú cá đang nhởn nhơ bơi lội trong làn nước mát thì từ xa, một chú cá khác bơi đến và hỏi “Nước hôm nay thế nào?”. Chú cá kia liền hỏi lại “Nước là cái gì?”. Như những chú cá quen bơi nhưng ít thắc mắc về nước, chúng ta cũng có những khi xa lạ với “văn hóa” – “nước” mà chúng ta sống trong đó. Đó là lý do mà Cultura Fish – Hiếu Văn Ngư ra đời.
Hiếu Văn Ngư gồm 8 thành viên 9X, hầu hết là du học sinh, đang làm công việc tìm hiểu, gìn giữ, lưu truyền nghệ thuật hát bội, hát ru, hò, lý… Chính vì là 9X, bao gồm các thành viên đang ở trong nước và nước ngoài nên cách các bạn làm dự án cũng trẻ trung, chuyên nghiệp với song ngữ; hình ảnh, đoạn phim minh họa sống động, xuất hiện trên các nền tảng web, facebook, youtube… mà cả dân chuyên nghiệp hay người mới tìm hiểu đều cảm thấy thích thú.
Chú cá ham hóng chuyện
Từ một cuộc thi mang tên “Sáng kiến TechCul” do UNESCO tổ chức hướng đến các tổ chức và cá nhân có giải pháp sử dụng công nghệ để bảo tồn văn hóa phi vật thể trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, Hiếu Văn Ngư, sau một thời gian ấp ủ, đã chính thức thành lập để tham gia TechCul vào cuối năm 2020. Hiếu Văn Ngư đem đến TechCul ý tưởng Hát bội 101 – đưa hát bội vào đời sống đương đại với sự hỗ trợ của công nghệ. Vượt qua 443 thí sinh đến từ 34 quốc gia, Hiếu Văn Ngư đoạt giải ICHCAP ichLinks Prize.
Hiếu Văn Ngư – Cultura Fish là dự án khơi gợi nét đẹp của nghệ thuật Việt Nam trong lòng khán giả trẻ thông qua chuyện kể, workshop, khóa nhập môn thưởng thức và các sản phẩm ứng dụng. Hiếu Văn Ngư theo đuổi các giá trị: biết người, biết ta, hòa nhập thế giới.
Lục Phạm Quỳnh Nhi, người điều hành hoạt động của nhóm cho biết: Hiếu là hiếu thảo, hiếu học, ưa thích; Văn là văn hóa, văn chương; Ngư là con cá. Hiếu Văn Ngư hiểu đơn giản là con cá ham hóng chuyện, ham tìm hiểu về văn hóa: “Con cá nhỏ đang bơi trong nước nhưng ngày nào đó sẽ ra biển lớn. Con cá có tính động, thể hiện khát vọng của nhóm là người Việt Nam nên hiểu rõ văn hóa Việt Nam để có thể tự tin đi ra thế giới”.
Tám bạn trẻ chung đam mê cải lương, hát bội…
Lục Phạm Quỳnh Nhi, sinh năm 1997 tại Phù Cát, Bình Định, từ nhỏ đã được cha hát ru bằng những bài lý. Năm học cấp 2, Nhi theo gia đình chuyển vào TP.HCM. Học giỏi từ nhỏ, đến năm lớp 12, cũng như các bạn trong lớp chuẩn bị đi du học thì Nhi bắt đầu băn khoăn: mình chuẩn bị gì cho hành trang đi ra thế giới. Thế là Nhi tranh thủ xin nghỉ những giờ tự học ở trường cấp 3 Đinh Thiện Lý, đi hai chuyến xe buýt từ quận 7 sang quận 10 học đàn tranh. Nhờ đó mà khi đi học tại Canada và tham gia các chương trình trao đổi sinh viên tại Đài Loan, Trung Quốc, Nhi mang đàn tranh biểu diễn trong các chương trình lễ hội văn hóa, tổ chức những buổi nói chuyện về đàn tranh cho người quan tâm…
Năm thứ hai đại học, Nhi quyết định ngưng học, trở về Việt Nam, tiếp tục tự học và làm nhiều việc “cần phải làm trong đời”. Nhi bắt đầu trợ giảng trong các khóa học thưởng thức/ cảm thụ cải lương do Cội Việt tổ chức; sản xuất nội dung cho chuỗi chương trình Diễn xướng Nam bộ, dẫn chương trình Nhịp phách cổ kim; mở các lớp ca cổ và đờn cho người trẻ. Trước khi cùng các bạn thành lập Hiếu Văn Ngư, Nhi đã có thời gian làm trợ lý nghiên cứu dự án Lịch sử truyền khẩu của cải lương (Hội đồng Anh tổ chức) và hoàn thành cuốn Đường vào đờn ca tài tử.
Thành viên của Hiếu Văn Ngư đến từ nhiều lĩnh vực. Có người là kỹ thuật viên IT, có kế toán, giáo viên cấp hai, nhà nghiên cứu, họa sĩ, chuyên viên marketing, giáo viên dạy nhạc; cũng có bạn người Mỹ do lấy vợ là thành viên Cultura Fish nên “được” gia nhập theo. Thành viên trẻ nhất đang ở Úc (sinh năm 1998), phụ trách khâu biên dịch. Nhi trẻ nhì.
“Mỗi thành viên dùng chuyên ngành của mình để tiếp cận văn hóa, vì vậy chúng tôi có góc nhìn khá đa chiều, đôi khi xung đột, nhưng đều đi đến kết quả tốt. Hoạt động cốt lõi của Hiếu Văn Ngư đến giờ vẫn là “tiêu hóa” những kiến thức hàn lâm và chuyên sâu về lịch sử – văn hóa truyền thống và tìm cách giới thiệu, tiếp cận khán giả một cách dễ chịu, cởi mở. Tôi cho rằng không phải mọi người không muốn biết về văn hóa nước nhà, mà “vô tri bất mộ”, thực sự người ta không biết nên bắt đầu từ đâu, như thế nào. Do đó chúng tôi cố gắng sản xuất nội dung sao cho phù hợp và hữu ích với người xem”, Nhi chia sẻ.
Hiểu văn hóa để bảo vệ chính mình
Dự án Hiếu Văn Ngư đang thực hiện mang tên Phong hoa ca vịnh. Đây là dự án lưu trữ, truyền dạy và ứng dụng chất liệu ru, hò, lý hướng đến khán giả trẻ. Thông qua Phong hoa ca vịnh, Hiếu Văn Ngư mong muốn đưa câu hò điệu lý hòa nhập với nhịp sống hiện đại, đồng thời gợi ý cho khán giả trẻ cách ứng dụng chất liệu diễn xướng dân gian sao cho “ôn cố tri tân”.
“Phong hoa ca vịnh có ba trụ cột là nhà nghiên cứu, nghệ sĩ và cộng đồng. Thông thường, khi làm về di sản, mọi người hay chọn góc nhìn từ nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, hoặc đi điền dã. Riêng Hiếu Văn Ngư tổ chức cuộc thi viết về ký ức hát ru, hò, lý, thông qua đó, chúng tôi mong muốn sưu tập ký ức cộng đồng, tìm hiểu đối với mọi người bình thường, hò, ru, lý là gì… Từ đó, mong muốn có nhiều người Việt hiểu hơn về văn hóa Việt. Khi mình hiểu về chính mình, mình sẽ tự tin hơn khi đi ra thế giới, việc hấp thu văn hóa khác cũng dễ dàng hơn. Ít ra, trong một số tình huống, mình có thể bảo vệ chính mình. Nếu ai đó nói áo dài của Trung Quốc thì mình có thể biết cách trả lời, nếu ai đó nói hát bội giống kinh kịch thì mình cũng biết đối thoại”, Nhi nói.
Trên kênh youtube của Cultura Fish hiện nay, khán giả có thể dễ dàng tìm thấy một danh sách ca khúc dân gian do nhóm tự thực hiện, thông qua việc mời các nghệ sĩ thu âm. Đã có nhiều người Việt tại hải ngoại bày tỏ sự thích thú với bộ sưu tập này, đặc biệt, phù hợp cho con trẻ nghe nhạc quê hương. Hát bội 101 là một dự án mà Hiếu Văn Ngư đã khởi động trước Phong hoa ca vịnh.
“Cảm hứng cho dự án này đến từ việc cả nhóm đi coi hát và có một số bạn cần phải nghe nhà nghiên cứu (cũng là thành viên nhóm) tóm tắt cốt truyện mới coi được. Vậy là Hiếu Văn Ngư làm chuỗi nội dung Hát bội 101 để bóc tách những thứ có vẻ “bí ẩn” đó”, Nhi chia sẻ.
Mới đây, Hiếu Văn Ngư đã “trình làng” trên web, facebook thành quả đầu tiên của nhóm. Đó là nhóm đã giới thiệu 15 kiểu nhân vật điển hình trong hát bội để mô tả (hóa trang, kỹ thuật diễn xuất), lưu trữ (bằng cách chụp ảnh và quay phim). “Hy vọng với cách làm này, khán giả trẻ sẽ có hứng thú với nghệ thuật hát bội, bước đầu tiếp cận bộ môn nghệ thuật mang đậm hồn vía dân tộc”, Nhi nói.
Khi được hỏi về kinh phí duy trì nhóm, Nhi chia sẻ: “Mặc dù thù lao cho các thành viên không cao nhưng tất cả mọi người làm việc đều có chi phí hỗ trợ. Chúng tôi có được khoản tiền tài trợ từ Hội đồng Anh, từ UNESCO, từ một công ty tài trợ cho phần làm website, từ việc tổ chức lớp online…
Mọi thứ vẫn còn khiêm tốn nhưng nhóm quyết định dành ra ba năm đầu để dò đường. Chúng tôi cũng đang nghĩ đến xu hướng đưa văn hóa vào trong sản phẩm sáng tạo, sản phẩm công nghiệp… Đây cũng có thể là cách chúng tôi kiếm tiền trong tương lai”, Nhi chia sẻ.
Vương Hoài Lâm – trưởng nhóm nghiên cứu văn hóa: “Tham gia Hiếu Văn Ngư là cơ hội giúp mình có thể tiếp tục trang trải lòng với những thú vui văn hóa mà trước nay mình say sưa, trân quý; là phương tiện giúp mình cân bằng những trạng thái cảm xúc bên trong, khiến mình nhận chân được những giá trị tự thân”.
Nguyễn Lê Thanh Thảo – kế toán: “Càng được đi nhiều nơi, trò chuyện với nhiều người, va chạm có đôi lúc xảy ra xung đột với một số nền văn hóa, mình nhận ra việc tiếp nối di sản của người xưa là lựa chọn của chính mình”.
Hà Hoàng Minh Trang – biên phiên dịch: “Hiếu Văn Ngư là một dự án mà mình tin là có thể đi được dài lâu và xây dựng một sân chơi văn hoá đặc sắc dành cho cộng đồng trong nước và quốc tế”.
– Ảnh: HVN