Vợ tôi phàn nàn, tôi lẩm cẩm rồi, ngồi nhắc đi nhắc lại những chuyện đâu đâu. Nhưng chắc không ít người như tôi; thường hay nghĩ lại những ngày xa xưa, nhất là khi năm tàn tết đến. Hồi ấy, vừa cưới xong tôi đưa vợ về quê ngoại thăm cậu mợ út.
Ngày ấy cũng vào độ tháng chạp âm lịch này. Đất vườn nhà cậu nói nhỏ thì không nhỏ, diện tích tầm tầm khoảng hai công. Quả thật lý tưởng, tôi rất thích và ao ước được về sống nơi ấy, xa lánh chốn phồn hoa đô thị công nghiệp với âm thanh xe cộ ồn ào và bụi khói. Về dưới sống vui hưởng thú điền viên, sáng ngồi uống tách trà, nghe cao cao trên vòm cây tiếng chim hót líu lo, trưa nằm đung đưa cánh võng, mắt lim dim, mơ màng, tai nghe tiếng chim cu gù gọi bạn… Cu kêu ba tiếng cu kêu/ Trông mau tết đến dựng nêu ăn chè. Hàng ngày vô tư, thưởng thức hai bữa cơm ngon đạm bạc, an toàn từ con cua, ốc, cá… tự thân lớn lên bằng nguồn thức ăn thiên nhiên, hóp ngụm canh ngọt mát nấu tép với các loại rau tạp tàng mợ hái trong vườn như: rau má, rau trai, nhãn lồng, cải trời, rau dền…
Không như những nhà vườn khác, cậu không trồng chuyên một giống cây ăn trái để bán cho bạn hàng xa. Vườn nhà có trái cây ăn quanh năm như: dừa, mít, vú sữa, xoài, bưởi, chanh, đu đủ, sa kê… chỉ dành ăn trong gia đình, mùa nào trái nấy. Số còn lại cho vào thúng, rổ đặt trước cửa nhà bán cho bà con chòm xóm và khách chạy xe qua đường, kiếm thêm chút tiền mua những thứ lặt vặt cần thiết. Cây ăn trái trồng bao quanh, bên hông nhà là ao nuôi cá, cậu thả trồng bông súng lấy bóng mát cho cá, tiện thể thêm phần rau ăn trong gia đình.
Cọng bông súng, nấu canh chua cá rô, là nhất trần gian, hay ăn tươi, chấm cá, thịt, kho cũng ngon, thật sảng khoái, đặc biệt là chấm mắm kho. Ngày xưa, ở xứ Đồng Tháp có rất nhiều bông súng: “Muốn ăn bông súng mắm kho/ Thì vô Đồng Tháp ăn no đã thèm”. Ngày nay, đâu phải cần đi qua Đồng Tháp chi cho xa, về quê ngoại mình, mặc sức tha hồ mà ăn cho đã cái thèm, cái nhớ của kẻ sống ở thị thành. Trước sân nhà trồng một số hoa, kiểng. Nhưng cậu có thú đam mê sưu tầm các giống mai, nên mai có mặt nhiều hơn. Theo cậu, ông bà ta cho rằng tất cả mọi việc bắt đầu từ mùa xuân. Mùa xuân là mùa dậy thì của một năm. Mùa tình yêu rực rỡ của bướm và hoa.
Tuy có trăm, ngàn hoa thi nhau khoe sắc dâng hương chào đón Tết đi chăng nữa, cậu vẫn yêu thích hoa mai. Ông bà ta có quan niệm đã trở thành nếp nghĩ văn hóa niềm tin như là tập quán, mai vàng là biểu hiện của sự may mắn. Nếu vào sáng ngày mùng một của năm mới, nhà ai có gốc mai nở rộ rực vàng hết các cành, coi như cả năm gặp được nhiều điều lành, làm ăn phát tài.
- Xem thêm: Màu tết, mùi tết
Để có được điều may mắn ấy, theo kinh nghiệm dân gian lâu đời, người ta lặt hết các lá mai vào ngày 13 và 14 tháng chạp âm lịch. Sau đó, tưới nước thúc cho mai tức nhựa, đâm nụ xanh khắp các cành. Đặc biệt, chỉ lặt lá những cây mai vàng, đây là loại mai có lá mỏng, viền lá có nhiều gai nhuyễn, hoa thông thường nở 5-6 cánh màu vàng, bên trong nhụy có màu vàng hơi nâu, hương thơm nhẹ. Đôi khi có hoa nở nhiều cánh hơn từ những gốc mai lai tạo mới. Còn lại các giống khác không cần lặt lá như:
- Mai chiếu thủy, lá nhỏ, hoa 5 cánh trắng tinh, giống hình ngôi sao, hoa nở thành chùm nhỏ, đong đưa trong gió hết sức biểu cảm. Hoa trút xuống đất tỏa ra làn hương thơm dịu nhẹ. Buổi sáng đầu ngày, tôi thường ngắt một cánh hoa cho vào miệng hút nhè nhẹ, đầu lưỡi cảm nhận hương vị ngọt của sương đêm đọng vào trong nhụy hoa.
- Bạch mai, lá dày, có gai nhỏ ở viền. Hoa nở 5 cánh hơi dày, màu trắng sữa.
- Tuyết mai, lá nhỏ như mai chiếu thủy, mềm mỏng. Hoa nhỏ bằng mút đũa, màu trắng tinh, hoa nở lác đác chừng vài ba cánh.
- Mai tứ quý, lá dày, có gai nhỏ ở viền. Hoa 5 cánh hơi dày, màu vàng sậm, sau đó, kết trái màu đen huyền, các cánh hoa chuyển sang màu đỏ. Hoa nở suốt bốn mùa nên gọi là tứ quý, thường hoa nở ít, không rộ nhiều như mai vàng.
Để có được những gốc mai đẹp, mới nhìn cứ ngỡ đâu là dễ, nhưng thật ra, nghề trồng mai và thú chơi cũng lắm công phu, cần có sự hiểu biết, đặc biệt là giống mai vàng chơi trong những ngày Tết. Người ta có thể trồng mai vàng bằng cách gieo hạt, nhưng phải đợi thời gian ra hoa chậm, hoặc dùng đất và rễ lục bình bó chiết cành, tuy tỉ lệ sống của cành thấp hơn gieo hạt, trái lại cho hoa nhanh hơn. Đặc biệt, nhựa của giống mai này rất mạnh để nuôi sống thân cây, vì vậy khó mà phân biệt khi thấy nhánh mai trong tình trạng sống ảo.
Chỉ một cành nhỏ thôi, khi cắm trong bình có chứa nước hoặc dâm dưới đất ẩm ướt, nó có thể đâm chồi non cùng với những búp xanh, nở hoa bình thường. Người ta bứng gốc mai vào mùa khô, nắng thật gắt của những ngày hè. Vào thời điểm này, rễ mai đang co lại kém phát triển hay bứng vào những ngày giáp Tết. Đó là lúc chất nhựa trong cây hoạt động mạnh để nuôi cành và lá. Mai vàng nở hoa vào lúc tiết trời lành lạnh, đầy sương.
Thông thường, lá mai vàng úa vào những tháng cuối năm, một số tự rụng, một số bám lấy cành, để rồi vào những ngày Tết nảy chồi non lá màu nâu hồng và những búp xanh nở hoa vàng rực. Vì vậy, người ta có thông lệ lặt lá đồng loạt vào mấy ngày giữa tháng chạp âm lịch. Ông bà ta có quan niệm, dựa theo thuyết âm dương để có sự may mắn khi chọn gốc mai. Không cần bộ rễ độc đáo, thân đẹp phân các chi như kỹ thuật chơi kiểng bonsai, điều quan trọng là ở gốc và cành.
Nếu vô tình mua hoặc ai tặng được một gốc mai có đặc tính: một gốc đâm lên ba cành lớn thì coi như năm đó may mắn, làm ăn phát tài. Dân gian có câu: “Nhất gốc tam cành đa đại phát”. Nhưng dù không có được một gốc mai “đại phát” như vậy đi chăng nữa, nếu buổi sáng ngày mùng một đầu năm mới, bước ra sân nhà, nhìn thấy cây mai nở đều vàng rực hết các cành quả là đều sung sướng tuyệt vời, vui vẻ và hạnh phúc biết bao. Cái màu vàng huy hoàng nhưng không kém phần dịu ngọt ấy gây trong ta thứ cảm giác lâng lâng vui sướng mà trong phút giây đó, tâm hồn lắng dịu, quên hết những mệt nhọc, ưu phiền lo toan của năm cũ để hòa quyện vào tiết xuân.
Những ngày về quê ngoại, loay hoay với công việc, nằm lăn qua, trở lại cũng thấy ngày sắp cạn, năm mới gần kề. Mợ tôi ra chợ huyện mua sắm quần áo mới cho mấy đứa em, cháu và một số thứ lặt vặt cần thiết cùng bộ cò bay ngựa chạy, bánh, mứt “thèo lèo cứt chuột”… cúng đưa ông Táo về trời. Thời tiết lúc này khô ráo, nắng ấm, tôi phụ cậu dọn dẹp, lau chùi nhà cửa, gom hết các cây chân nhang trong lư hương trên các bàn thờ đem đốt.
Tiến hành lau chùi bàn thờ ông bà xong, cậu ra sau vườn hái mấy trái khế chua, đem vào vắt nước, trộn với cát, hai cậu cháu ngồi hì hụt chùi, đánh bóng bộ lư và cặp chân đèn bằng đồng thau, sáng bóng như mới. Qua ngày hôm sau, cậu cầm lưỡi hái ra vườn, cắt bỏ hết những tàu lá chuối khô buông lòng thòng, chọn một số tàu lá lớn, tốt, róc bỏ lá rồi chẻ dây, bó lại để dành cho ngày gói bánh. Tuy tiết trời khô ráo không mưa, nhưng khắp vườn cỏ vẫn mọc vươn cao xanh rì từ sương đêm. Cậu tôi không như một số người hàng xóm, họ ỷ lại khoa học tiến bộ, lạm dụng hóa chất mà lười làm cỏ bằng dao như khi xưa, thường họ mua thuốc diệt cỏ về phun, độ ba ngày sau, cỏ chết vàng héo, khô dần.
Cậu nói làm bằng cách này, tuy khỏe, mau nhưng rất độc hại, hóa chất làm ảnh hưởng môi trường nước nuôi cá và rau tạp tàng không ăn được, chưa kể ảnh hưởng tới bầy gà. Vì vậy, cậu mướn thêm vài ba người phụ tiếp tục làm cỏ bằng dao. Tuy ba người làm, vậy mà hai ngày mới hết cỏ trong vườn. Công việc nặng nhọc thuộc về cánh đàn ông trong gia đình đã xong thì bầu không khí đón Tết cũng rộn ràng không kém.
Mợ và mấy đứa em gái, người thì ngâm củ kiệu, cắt đầu, cắt đuôi chuẩn bị làm dưa, kẻ thì bào dừa, đâm lá dứa, vắt lấy nước cốt màu xanh để ướp dừa xào mứt. Hai cậu cháu tôi rảnh rỗi, thả dọc theo mấy bờ chuối, chọn lựa buồng nào có trái lớn, căng tròn, qua ánh mắt quan sát của người làm vườn, cậu nhìn độ căng và màu của trái chuối mà đoán biết thời gian để chặt đem vào dành cho đêm cuối năm gói bánh tét.
Bánh tét là món bánh rất quen thuộc gần gũi trong văn hóa ẩm thực của người dân Việt Nam dùng làm thức bánh ăn chơi hàng ngày hay cúng trong các ngày giỗ, Tết. Sau khi đã chọn loại gạo nếp thơm không lẫn gạo tẻ, mợ vo sạch, cho vào thau ngâm với nước ấm để qua đêm, phần đậu xanh cũng vo sạch, ngâm tương tự. Phần tôi thì ra sau vườn, chọn những tàu lá chuối già còn xanh, lành lặn, dùng dao nhỏ bén rọc bỏ phần sống lá, phải khéo tay không cho lá bị rách rồi cắt lá thành từng tấm hình vuông chừng 30cm x 30cm, đem rửa sạch cả hai mặt, sau đó nhúng lá vào nồi nước nóng để lá mềm, dai, không bị rách khi gói. Phần công việc của tôi xem như đã hoàn thành.
Qua sáng hôm sau, mợ trút gạo nếp ra chiếc rá vo lại lần nữa, kế đó hai tay mợ cầm rá vẩy vẩy theo chiều lên xuống cho gạo nếp ráo nước, xong trộn vào hai muỗng cà phê muối, tiếp tục vo lại đậu xanh, đãi vỏ cho sạch, đem hấp trong chiếc chõ. Trong thời gian hấp đậu, mợ băm nhỏ củ hành tím cho phân nửa vào chảo phi thơm, khi đậu chín, múc ra cho vào chảo xào, nêm một chút tiêu, muối; còn thịt ba chỉ, thái thành những miếng to bản có độ dày chừng 0,3cm, ướp thịt với một chút nước mắm, tiêu, bột nêm và nửa phần hành tím băm nhỏ còn lại. Để khoảng 30 phút cho thịt thấm gia vị. Công việc chuẩn bị nguyên liệu đã xong, mợ kêu mấy đứa em gái, trải chiếc chiếu xuống nền nhà, đặt các thứ nguyên liệu và lá, dây lạt trên mặt chiếu theo thứ tự để thuận lợi cho việc gói bánh. Trong lúc tôi và cậu xếp gạch kê lò thì mợ và em gái ngồi gói bánh.
Muốn có chiếc bánh ngon và đẹp thì bánh phải được làm tròn trịa, buộc chặt vừa phải để chỗ cho nếp nở, nhân bánh phải nằm ngay giữa, nên việc xếp lá chuối cũng được xem là yếu tố quyết định. Xếp lá khéo tay, đè hai phần lá lên nhau theo chiều ngang, tiếp đó đè thêm hai mảnh lá theo chiều dọc lên phía trên. Phải xếp lá to ở dưới lá nhỏ ở trên để bánh không bị vỡ khi gói và luộc. Sau khi đã xếp lá đúng theo quy cách cho gạo nếp lên mặt lá, dàn đều theo chiều dọc rồi cho đậu xanh sống vào dàn đều, nhưng không cho các hạt đậu nằm bên ngoài phần gạo nếp.
Kế đó, đặt phần thịt lên trên, phủ thêm lên thịt một lớp gạo nếp và đậu xanh, gấp hai mép lá ở hai đầu, cuộn tròn lại như cuộn giò, buộc cố định bánh theo đường kính của thân bánh. Trước khi buộc, đặt cọng dây lạt đã được se trước từ vài ba sợi nhỏ theo chiều dọc từ chiếc bánh này sang chiếc kia thành một cặp, khi buộc phần dây của bán kính thân bánh sẽ giữ chặt cọng dây này dùng làm quai bánh. Sau khi mợ và mấy đứa em đã gói bánh xong, tôi và cậu tiến hành nhúm lửa, mợ xếp vào dưới đáy nồi một lớp lá chuối giữ cho bánh đừng bị cháy trong khi luộc.
- Xem thêm: Nhớ tết quê
Sau đó xếp bánh từng cái ngay ngắn, thẳng hàng cho bánh dễ chín và đều, đổ nước vào nồi ngập mặt bánh. Kế đó, hai cậu cháu tôi khiêng nồi đặt lên lò, thay phiên ngồi canh không cho quá lửa, bởi vì thời gian bắt đầu luộc tới khi bánh chín mất từ mười đến mười hai tiếng đồng hồ. Khi bánh chín, nhấc nồi xuống, lấy từng cặp bánh ra vắt lên một cây tre được đặt nằm ngang, buộc cố định hai đầu vào hai thân cây cột nhà cho bánh rỏ nước. Vì bánh không giữ được lâu ngày, cho nên phải gói vào đêm cuối năm dành ăn trong ba ngày Tết. Đối với bánh nhân mặn, đậu xanh, thịt heo thì có thể chấm đường cát, hay ăn cặp với dưa món mặn, dưa kiệu, tôm khô, thịt kho rệu với hột vịt.
Tết năm ấy gia đình sum họp rất vui, ấm áp hạnh phúc, khi tiếng chuông chùa xa xa vọng lại, chỉ thời khắc giao thừa, mợ xếp bánh, mứt, hoa, đèn lên bàn thờ cúng. Sau đó mấy đứa cháu mặc quần áo mới, đứng khoanh tay chờ chúc Tết, mừng tuổi, chúc sức khỏe cậu mợ và hai vợ chồng tôi. Sau khi nhận những phong bì màu đỏ lì xì, chúng nó tản ra, thay quần áo mới treo lên đi ngủ để sáng mai đón Tết; còn hai vợ chồng tôi cùng cậu mợ đi chùa hái lộc, cầu mong điều may mắn, sức khỏe và hạnh phúc.
Tết ở quê nhưng rất đậm đà tình cảm gia đình, lòng tôi nhớ mãi. Tết năm nay ngồi nhắc lại với vợ mà lòng dâng tràn niềm mơ ước, muốn được về quê ngoại, sống những ngày còn lại nơi có tình làng, nghĩa xóm, bà con thân tộc, không tất bật bon chen, lo lắng, suy nghĩ bất trắc thị thành đầy rẫy những hiểm nguy luôn chực chờ từ sự ô nhiễm môi trường, ngộ độc thực phẩm, tai nạn giao thông… Ngày xuân ngồi ngẫm nghĩ, ngộ ra một điều, vợ mình nói đúng: “Người già hay sống trong hoài niệm”.