Việt Nam sẽ gặt hái được những lợi ích gì trong việc hợp tác với nền kinh tế mạnh về công nghệ xanh và phát triển bền vững như Đài Loan?
Theo số liệu do Statista và CIA thu thập, ở hai quốc gia Việt Nam và Đài Loan, khoảng 30% GDP mỗi nền kinh tế là đến từ các lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Đây là những ngành nghề có đóng góp rất lớn trong việc thúc đẩy kinh tế, nhưng cái giá phải trả lại thường là sự suy thoái môi trường.
Việt Nam và Đài Loan là hai nền kinh tế năng động, đã và đang vươn lên mạnh mẽ ở khu vực châu Á. Có thể thấy, nền kinh tế hai bên có nhiều đặc điểm tương đồng, mỗi nền kinh tế đều sở hữu những thế mạnh riêng. Chính vì vậy cả hai hoàn toàn có thể hợp tác để học hỏi, bổ trợ lẫn nhau để cùng phát triển, đặc biệt là trong hành trình phát triển nền công nghiệp xanh vốn được xem là xu thế tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia trên thế giới đang hướng đến.
Kể từ khi Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường sau Công cuộc Đổi Mới năm 1986, Đài Loan và Việt Nam đã thiết lập mối quan hệ hữu nghị, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình phát triển kinh tế của đôi bên. Sự hợp tác và nỗ lực của Việt Nam – Đài Loan đã mang lại những kết quả tốt đẹp. Cụ thể, tính tới năm 2020, thương mại song phương giữa hai nền kinh tế đã đạt 21 tỷ đô la Mỹ. Ngoài ra, kể từ những năm 1990, Đài Loan vẫn luôn nằm trong số 5 nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất ở Việt Nam.
Đài Loan còn là thị trường lớn thứ hai thế giới trong việc tiếp nhận người lao động nhập cư Việt Nam. Số lượng du học sinh Việt Nam ở Đài Loan đứng đầu so với các quốc gia khác.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 5 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 4 của Đài Loan. Không dừng lại ở đó, Việt Nam còn là thị trường quan trọng thứ 4 của nhà đầu tư Đài Loan. Trong hai năm qua, nhiều doanh nghiệp Đài Loan chuyển đến hoặc mở rộng hoạt động hiện có tại Việt Nam.
Năm 2020, tập đoàn Foxconn đã chính thức đầu tư tại Việt Nam. Theo đó, các tập đoàn điện tử uy tín khác trên trường quốc tế như Wistron, Wieson, Au Optronics, Lite-on cũng lần lượt chuẩn bị tiến vào thị trường Việt Nam. Riêng các “ông lớn” ngành điện tử như Foxcom, Weistron, Foxlink… đã đầu tư vào Việt Nam cũng đang triển khai chiến lược mở rộng đầu tư. Tất cả những điều này cho thấy hai bên có mối quan hệ khăng khít hơn bao giờ hết.
Tiềm năng hợp tác và phát triển giữa Việt Nam và Đài Loan
Các doanh nghiệp Đài Loan tin tưởng vào tiềm năng phát triển quan hệ đối tác kinh tế và thương mại với Việt Nam, nhất là khi Đài Loan gia nhập thành công CPTPP. Theo đó, Đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc (TECO) cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rằng CPTPP sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là nông sản và thủy sản, sang thị trường Đài Loan.”
Những năm gần đây, Việt Nam hoan nghênh các nhà đầu tư Đài Loan đầu tư vào các lĩnh vực điện tử, công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, năng lượng tái tạo, nông nghiệp chất lượng cao. Đây được biết đến là các lĩnh vực mà doanh nghiệp Đài Loan có thế mạnh, đồng thời cũng là các lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu phát triển và thúc đẩy đầu tư.
Các nhà đầu tư Đài Loan đã có mặt ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế của Việt Nam. Trong đó phải kể đến đã có nhiều dự án quy mô lớn, mang lại những đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam.
“Tiềm năng liên kết và hợp tác giữa Đài Loan và Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp, bao gồm sản xuất dệt may, tự động hóa trong ngành công nghiệp ô tô – xe máy, thành phố thông minh, công nghệ điện tử, hậu cần dây chuyền lạnh, công nghệ nông nghiệp, đào tạo và phát triển kỹ năng con người là vô cùng mạnh mẽ, tạo nên nhiều lợi thế cho mối quan hệ hợp tác song phương.” – Đại diện TECO nhận định.
Việt Nam được biết tới là điểm đến hấp dẫn, thu hút dòng vốn FDI bởi lợi thế ổn định về mặt chính trị, đảm bảo sự lành mạnh, công khai và minh bạch trong chính sách đầu tư; cùng với đó là môi trường kinh doanh mở với các chỉ số tích cực về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh.
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Phát triển châu Á, nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á vào năm 2022, dự kiến ở mức 6,5%; mở ra nhiều cơ hội giúp Việt Nam vươn lên trở thành đối tác kinh tế và thương mại hàng đầu trong khu vực.
Nếu so sánh với các thị trường lao động trong cùng khu vực, Việt Nam được đánh giá cao bởi thị trường lao động trẻ, dồi dào với hơn ¾ dân số trên 15 tuổi tham gia lực lượng lao động; cùng với đó là tinh thần đoàn kết, năng động và sáng tạo – đây là nguồn nội lực sinh quan rất quan trọng để Việt Nam có thể vươn xa “sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Trong công cuộc cạnh tranh thương mại, chi phí lao động sản xuất ở Việt Nam cũng là yếu tố quyết định để các doanh nghiệp nước ngoài rót vốn đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất tại quốc gia này. Cụ thể, ước tính chi phí lao động tại Trung Quốc năm 2018 là 5,51 USD/giờ, trong khi đó con số này là 2,73 USD/giờ tại Việt Nam.
Đáng nói hơn hết, lợi thế về vị trí địa lý đã đem lại cho nền kinh tế biển Việt Nam một tiềm năng phát triển vô cùng lớn. Nước ta có đường biển dài, khí hậu nhiệt đới gió mùa, đây là điều kiện thuận lợi để tạo nguồn năng lượng tái tạo dồi dào như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thủy điện nhỏ, năng lượng đại dương, năng lượng sinh khối và năng lượng địa nhiệt.
Theo hãng nghiên cứu Wood Mackenzie, Việt Nam được dự báo là thị trường đứng thứ 17 trong top 20 thị trường điện gió lớn nhất thế giới với gần 10 GW công suất lắp đặt mới trong giai đoạn 2021-2030. Vừa qua, trang tin công nghệ Tech Wire Asia đã đưa ra lời nhận định rằng Việt Nam sẽ trở thành “Cường quốc Năng lượng Xanh” ở châu Á.
Là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất Đông Nam Á, bên cạnh đó là công suất lắp đặt điện mặt trời cao nhất khu vực, Việt Nam có đủ điều kiện để trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực và thế giới về năng lượng tái tạo. Theo các chuyên gia dự đoán, nếu tiếp tục duy trì tốc độ mở rộng năng lượng tái tạo như 2 năm qua, Việt Nam sẽ vươn cao hơn nữa trong bảng xếp hạng, có thể vượt qua các quốc gia Australia, Italy về phát triển năng lượng tái tạo và các giải pháp năng lượng sáng tạo.
Trong khi đó, Đài Loan là một trong bốn con Rồng châu Á, với nền kinh tế không chỉ phát triển nhanh chóng mà còn vô cùng sáng tạo, mang đậm dấu ấn riêng. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, kinh tế Đài Loan xếp vị trí thứ 15 toàn cầu và thứ 4 đối với khu vực châu Á. Từ năm 2017, lĩnh vực công nghiệp xanh của Đài Loan có kim ngạch xuất khẩu 9.829 tỷ đôla, chiếm 3,1% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu.
Những năm vừa qua, Đài Loan đã có các bước tiến mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghiệp xanh và năng lượng tái tạo, giúp giải quyết các vấn đề môi trường, xã hội; đảm bảo hiệu quả trong việc tăng trưởng kinh tế. Từng được xem là “Đảo rác”, Đài Loan giờ đây tự hào với tỷ lệ tái chế ấn tượng lên đến 55% – một trong những tỷ lệ cao nhất thế giới.
Vốn được biết đến với bề dày kinh nghiệm tích lũy trong việc phát triển công nghiệp năng lượng xanh, Đài Loan có thể đồng hành và sử dụng thế mạnh của mình để giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp tiềm năng này.
Tại thị trường Việt Nam, trong lĩnh vực năng lượng, doanh nghiệp Đài Loan không chỉ bán sản phẩm năng lượng đơn thuần mà còn có thể bán cả giải pháp để tiết kiệm tối đa chi phí cho năng lượng trong chiếu sáng, sản xuất cho doanh nghiệp Việt.
Thông qua các buổi triển lãm điển hình như Triển lãm Công nghiệp Xanh Đài Loan, Triển lãm Nhiệt điện Quốc tế Đài Loan, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thêm các cơ hội cập nhật xu hướng phát triển của năng lượng xanh, năng lượng tái tạo tại Đài Loan và trên thế giới. Đồng thời mở ra cơ hội hợp tác song phương cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyên ngành năng lượng.
Việt Nam có thể học hỏi gì từ Đài Loan trong lĩnh vực năng lượng xanh?
Trên thực tế, Việt Nam có thể học hỏi được khá nhiều điều từ Đài Loan trong vấn đề phát triển kinh tế bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường.
Nhìn chung, Đài Loan và Việt Nam đều đã từng gặp rất nhiều trở ngại do nền kinh tế kém phát triển, nền nông-công nghiệp lạc hậu, xu hướng thất nghiệp diễn ra phổ biến và mức sống thấp. Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, Đài Loan đã tập trung kích thích ngành công nghiệp và dịch vụ. Quá trình phát triển kinh tế của Đài Loan đã trải qua nhiều giai đoạn, song hiện tại, Đài Loan đang phát triển nền công nghiệp xanh giá trị cao, xây dựng kinh tế dựa vào tri thức.
Cụ thể, Đài Loan đã tập trung mở rộng nhu cầu thị trường nội địa, thúc đẩy đầu tư công nghiệp, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển và thành lập chuỗi công nghiệp năng lượng tái tạo hoàn chỉnh. Hàng năm, chính phủ Đài Loan cung cấp nguồn ngân sách và trợ cấp cho các mô hình hệ thống năng lượng tái tạo khác nhau. Bên cạnh đó, Đài Loan còn có chính sách ưu đãi về thuế đối với ngành công nghiệp xanh. Ngoài ra, chính phủ Đài Loan cũng tích cực thực hiện các chính sách phi kinh tế như thúc đẩy phát triển và nghiên cứu công nghệ và đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Ở Đài Loan, luật được thông qua vào năm 2017 bắt chính phủ phải cam kết loại bỏ dần năng lượng hạt nhân, và đến năm 2025 phải có 20% điện năng được tạo ra từ các nguồn năng lượng tái tạo. Kể từ đó, nhiều sáng kiến xanh đã được đưa ra và áp dụng ở Đài Loan với mục tiêu tối thượng là không còn phát thải khí nhà kính vào năm 2050.
Tiềm năng về năng lượng gió ở khu vực quanh bờ biển cũng được Đài Loan tận dụng triệt để. Vào năm 2019, Đài Loan đã cho ra mắt trang trại gió ngoài khơi thương mại đầu tiên ở bờ biển Miaoli với khả năng cung cấp điện cho 128.000 hộ gia đình.
Có thể thấy, dù các dự án môi trường quy mô khổng lồ cần được chính phủ hoặc doanh nghiệp tài trợ, nhưng chính hành động và đóng góp của những cá nhân và cộng đồng nhỏ lẻ mới là động lực quan trọng giúp phát triển bền vững ở Đài Loan lớn mạnh và đạt tầm ảnh hưởng lớn như hiện tại.
Sunny Founder – nền tảng đầu tư năng lượng mặt trời hướng tới cộng đồng là một ví dụ điển hình. Ở Sunny Founder, chỉ với mức phí ít nhất là 450 đô la Mỹ, mọi người đều có thể tham gia đầu tư vào các sáng kiến năng lượng xanh và được cam kết chia cổ tức trong vòng hai tháng với tỷ suất hoàn vốn trung bình là 6%.
Với hiện thực phát triển mạnh mẽ của năng lượng xanh tại Đài Loan, Việt Nam chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi được kinh nghiệm thành công của nước bạn trong lĩnh vực tiềm năng này để tìm kiếm cơ hội rút ngắn khoảng cách và đuổi kịp các nước đi trước, tiến gần hơn đến mục tiêu tự cung tự cấp năng lượng trong tương lai.
Tham gia CPTPP để củng cố mối quan hệ hiện tại
Mới đây, Đài Loan đã nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Việc này hứa hẹn sẽ đem lại nhiều tác động tích cực lên hoạt động khai thác tiềm năng tăng trưởng kinh tế chung của đôi bên. Đặc biệt, Việt Nam có thể học hỏi được rất nhiều từ thành tựu mà Đài Loan đạt được ở lĩnh vực năng lượng tái tạo và công nghệ bền vững hơn mười năm qua.
Theo Tổ chức Thương mại Thế giới, 25% tổng giá trị thương mại của Đài Loan năm 2020 đến từ những giao dịch với các quốc gia thành viên của CPTPP. Chính vì vậy, nếu gia nhập thành công CPTPP, Đài Loan sẽ có nhiều cơ hội để hợp tác chặt chẽ hơn với các quốc gia này so với thời điểm hiện tại.
Là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu, việc gia nhập CPTPP cũng sẽ giúp Đài Loan đến gần hơn với mục tiêu tiến vào nền kinh tế toàn cầu, đa dạng hóa danh mục đầu tư thương mại bên ngoài, cũng như bứt phá hơn trong lĩnh vực năng lượng xanh và công nghệ bền vững – hai lĩnh vực mà Đài Loan đang là đầu tàu trong khu vực.
Rõ ràng, việc tăng cường hỗ trợ và hợp tác lẫn nhau không chỉ thúc đẩy sự phát triển kinh tế nói chung, mà còn có thể mang lại một tương lai ‘xanh’ hơn cho cả đôi bên. Và khi cả hai nền kinh tế cùng bắt tay để đạt được hiệu quả sinh lợi, sự phát triển tổng thể trong khu vực sẽ là mang lại lợi ích lâu dài về sau.