Tôi mở bài hát ‘Một đời người một rừng cây’ của nhạc sĩ Trần Long Ẩn do ca sĩ Trọng Tấn hát, nhắm mắt lại, và trôi bồng bềnh trong đầu là hình ảnh và câu chuyện những người bạn đặc biệt của mình: “những người sống vì mọi người” – bám trụ ở Sài Gòn để góp tay chống dịch.
“Phải đâu may nhờ rủi chịu…”
Tôi nhớ TS-BS. Nguyễn Phú Hương Lan (Phó trưởng khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới) quá chừng khi nghe câu hát ấy. Đó là buổi tối ngồi với nhau ở The Odys, một khách sạn rất xịn xò ở đường Nguyễn Thái Bình (quận 1) mà mấy tháng qua chỉ phục vụ một nhóm đối tượng “khách lưu trú” đặc biệt: y bác sĩ đang chống dịch tại Bệnh viện Nhiệt đới hoặc bệnh viện dã chiến. Bác sĩ Lan có cái chút điệu đà mà rất gần gũi của một cô gái Sài Gòn, nói như reo: “Trời ơi ở nhà Odys mấy tháng trời mà mới được gặp ông chủ nhà Khang Duy đây nè…”.
Rồi câu chuyện về Hương Lan cứ vậy mà được ráp lại: một người phụ trách phòng xét nghiệm, tức là việc siêu nhiều, nhưng… tương đối an toàn vì không phải tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân.
Mỗi ngày Hương Lan tới bệnh viện, thấy bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí nhiều thầy cô giáo của mình thực sự đúng chữ “oằn mình” mà cố gắng cứu chữa cho các bệnh nhân Covid. Lan về nói chuyện với chồng, với con, và hôm sau xách giỏ… lên lầu cao nhất của bệnh viện để chia lửa chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng.
“Ai nghe bác sĩ Covid cũng sợ, không dám chứa. Chớ sao nữa, có gia đình, chồng con còn không được về nữa mà. Vậy mà cái khách sạn này chịu chứa, lại còn cho ăn thiệt là ngon. Có hôm ngồi ăn tô mì vịt tiềm, mở video call nói chuyện với con trai, nó hỏi sao mẹ sướng dữ vậy…”. Lan kể, về những chuỗi ngày dài đằng đẵng mỗi ngày làm việc từ sáng sớm tới tối muộn, một mình chạy trên đường Võ Văn Kiệt về.
Một mình thiệt, vì ngoài đường đâu có ai, cửa hàng quán xá gì cũng đóng cửa tắt đèn tối thui. Cô đơn và có chút tủi thân nữa. Nhưng mà đi qua thêm bốn cái chốt gác nữa là về tới “nhà”. Cô gọi đó là cái tổ ấm đã cưu mang mình những ngày khó nhọc nhất…
Mọi người ngồi yên, tự hỏi vì sao cô không kể những “chiến tích” của mình, mà cứ lo cảm ơn khách sạn, cảm ơn những anh chị em phục vụ khách sạn cũng hơn bốn tháng không được về nhà.
“À, cũng vui lắm. Bữa đó Lan đang ở trong phòng khách sạn, xịt dầu thơm đi làm thì… không nghe mùi nữa. Vậy là biết F0 rồi chớ sao. Lan vô bệnh viện, nằm điều trị hai tuần thì hết. Hết rồi thì xung phong quay lại làm bác sĩ điều trị. Nên rời bệnh viện là quay về… nhà Odys này. Có hai chị em cùng là bác sĩ F0 khỏi bệnh ở chung với nhau, lấy mớ vỏ chanh bỏ vô cái bình đun nước của khách sạn để xông. Vừa xông vừa sợ hơi lên nhiều quá thì còi báo cháy! Giờ nói thiệt, xông mấy bữa thì cháy mất tiêu cái bình nước, Khang Duy đừng bắt đền tội nghiệp!” – cô bác sĩ bẽn lẽn nói trước khi xuống nhà dọn đồ để sáng sớm mai lên xe đi Sóc Trăng chi viện.
“Hồn nhiên như ngàn ánh lửa…”
Trần Khang Duy – ông chủ trẻ của chuỗi khách sạn The Odys này – ngồi cười hạnh phúc, mắt hơi hoe đỏ khi nghe bác sĩ Lan kể chuyện. Anh cũng mắc cỡ vì nhiều nhân viên xung quanh quá, nên đánh trống lảng qua chuyện Juca – cô gái một mình vác 350 tấn gạo đi cứu trợ khắp chốn. Duy nói Juca là trùm ghé The Odys ăn ké đồ ăn ngon nấu cho y bác sĩ.
Thì ra đầu tiên là Juca qua bắt Duy giải cứu thịt heo để vừa hỗ trợ doanh nghiệp thành viên, lại gây được quỹ mua 10 tấn rau củ đầu tiên để “bán” giá 0 đồng cho bà con các khu phong tỏa. Rồi cứ vậy, đọc “mật mã YBA Tân Sơn Nhất” là được qua trạm gác, ôm xe đi làm chương trình “Chia sẻ với em thơ” đem sữa, bánh kẹo và đồ chơi cho các em nhỏ đang bị cách ly, tranh thủ ghé ăn ké…
À, vụ ghé ăn ké thì đâu chỉ có mình Juca, mà Hoàng Thùy Lâm – một nữ siêu nhân điều động hàng trăm tấn rau củ quả, nấu mấy chục ngàn suất ăn khắp các bệnh viện có COVID-19 cũng hay ghé. Tất nhiên còn có Quang Thịnh trên đường xuôi ngược Sài Gòn – Bình Dương để bơm bình ô xy cho các bệnh viện dã chiến cũng ghé ăn hoài. Điểm danh cho hết, hóa ra còn có Hiếu Đoàn, Thu Thảo, Chế Thanh… cũng từng ghé ăn ké. Họ còn chọc Hiếu Đoàn mở tiệm bán rau bình ổn giá mà ngày nào cũng lỗ một mớ, xong còn phải đi năn nỉ các bếp ăn từ thiện của Lâm nhận giùm rau ế nữa!
Họ ngồi đó, “tố cáo” nhau một cách vô tư, nghịch ngợm, đúng là “hồn nhiên như ngàn ánh lửa” chứ không giống những ông chủ, bà chủ – mà sợi dây kết nối của họ là chi hội Tân Sơn Nhất của Hội Doanh nhân Trẻ TP.HCM (YBA).
“Sống gần nhau thân mới thẳng…”
Tôi nhớ lại, những bạn bè này, thật ra như tôi, cũng vừa mới quen nhau vài tháng trước dịch khi cùng được “cô chủ nhiệm” rủ rê tham gia YBA Tân Sơn Nhất. Mới có mấy tháng, mà giờ những cái cây này đã kết lại thành rừng, tỏa bóng mát làm dịu những bức bối của thành phố vẫn còn lảng vảng nỗi lo dịch giã… “Cô chủ nhiệm”, chính là chủ nhiệm của chi hội này, tiến sĩ kinh tế Đại học Harvard hẳn hoi, nhưng Trần Phương Ngọc Thảo cứ lụi cụi làm tài xế, làm thư ký nhắc tuồng cho các hoạt động của mọi người, rồi lặng lẽ gọi điện an ủi vỗ về mỗi khi nhiều việc quá, lo lắng quá…
Tối về, thấy “cô chủ nhiệm” viết một cái status trên Facebook, đủ làm phần kết của bài hát về bạn bè này nên chép lại ở đây: “YBA Tân Sơn Nhất chiều nay có một buổi thảo luận bàn tròn trực tuyến về chủ đề “Trực diện với COVID-19 cần tâm thế nào?”. Nhưng hạnh phúc hơn là tối nay có một buổi “ngồi lại bên nhau” cùng các hội viên thân yêu và các bác sĩ đã trực tiếp chiến đấu cùng COVID-19 của bệnh viện tuyến cuối là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.
Cảm động nhất là các anh chị không nói gì về những vất vả mình phải trải qua mà nhắc đi nhắc lại rất nhiều lời cảm ơn đến cộng đồng, đến các doanh nghiệp, đến các mạnh thường quân… “Không có các anh chị, nhân viên y tế không trụ nổi tới giờ”. “Các anh chị ráng khỏe nha, ráng vực dậy doanh nghiệp, hồi phục và phát triển kinh tế. Có như vậy nhân viên y tế mới yên tâm tiếp tục chăm sóc cộng đồng, chăm sóc các anh chị, chăm sóc gia đình và nhân viên của các anh chị”.
- Xem thêm: Từ thiện sáng suốt
Nghe những lời chia sẻ rất thật: “Có bữa cầm hộp cơm của tổ chức thiện nguyện gửi đến mà không ăn nổi. Không phải vì mình mệt quá, mà vì cảm động cứ thấy nghẹn ngào không ăn được”. Cảm xúc dạt dào không nói nên lời. Qua COVID-19 thấy được tình quân – dân – y khắn khít. Doanh nhân với y bác sĩ giờ là đồng đội vai kề vai cùng chiến đấu trên mặt trận không tiếng súng. Cuộc chiến vẫn đang diễn ra, chúng ta vẫn phải mạnh dạn xung phong hướng về phía trước. Đó chính là TÂM THẾ của tất cả chúng tôi hôm nay”.
Ừ thì “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai…”.