Là những nhà tài trợ thông minh, mọi người nên cân nhắc một cách kỹ càng để từ đó có thể chọn lựa nơi mình tin tưởng “chọn mặt gửi vàng”…
Người dân TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đang trải qua một giai đoạn vô cùng khó khăn khi dịch bệnh COVID-19 lây lan diện rộng. Số ca nhiễm bệnh gia tăng mỗi ngày, vật tư – trang thiết bị y tế thiếu hụt trầm trọng, nhân lực ngành y bị “bào mòn” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, hệ thống y tế quá tải. Nhiều người dân ở TP.HCM và các tỉnh lân cận lâm vào cảnh khốn cùng.
Trong tình thế đó, các chương trình hỗ trợ của chính quyền đã và đang được thực thi. Tuy nhiên, do có nhiều ràng buộc cả “mềm” lẫn “cứng” nên những chương trình này chưa đủ và kết quả nhìn thấy cũng chưa được như kỳ vong. Đây chính là lúc mà sự đồng thuận và nguồn lực cộng đồng đóng vai trò quan trọng để bù đắp những “thiếu hụt” trong việc đáp ứng các đòi hỏi của xã hội. Do đó, trong thời điểm này các quỹ và các chương trình từ thiện cộng đồng đang hoạt động hết sức tích cực khắp nơi nhằm kêu gọi đóng góp từ các cá nhân và tổ chức để giúp cho người dân thành phố và hệ thống y tế bớt khó.
Ai có điều kiện dễ dàng hơn đều mong muốn đóng góp chút phần nhỏ bé để giúp những người và những nơi khó hơn. Và hơn thế nữa, ai cũng mong muốn phần đóng góp của mình tới được đúng nơi cần giúp một cách hiệu quả và trọn vẹn nhất có thể. Có nhiều cách và nhiều tổ chức hoạt động để thực hiện những mong muốn nói trên, tuy nhiên sau đây là ba hình thức hoạt động thiện nguyện cộng đồng khá phổ biến ở Việt Nam mà mọi người có thể tham khảo:
Thiện nguyện thông qua quỹ/tổ chức có tư cách pháp nhân về thiện nguyện
Tùy vào định hướng hoạt động của từng quỹ và tổ chức mà hoạt động của nó sẽ có các mục đích khác nhau, nhưng tất cả đều có một điểm chung là “KHÔNG VÌ LỢI NHUẬN”. “Không vì lợi nhuận” không có nghĩa là mọi đóng góp của bạn vào quỹ/tổ chức sẽ được chuyển 100% tới đối tượng cần trợ giúp. Các quỹ/tổ chức này phải có quy chế tổ chức/hoạt động, bộ máy nhân sự cũng như hạ tầng tối thiếu để duy trì hoạt động gây quỹ và giải ngân thiện nguyện. Do đó quỹ/tổ chức sẽ cần phải trích một số phần trăm nhất định nào đó (có thể lên tới 30%) từ số tiền quyên góp được để chi trả cho chi phí vận hành như tiền lương nhân viên, thuê văn phòng…
Các quỹ/tổ chức này hoạt động chuyên nghiệp và liên tục. Ngoài việc kêu gọi gây quỹ cho những hoạt động thường xuyên nằm trong phạm vi mục đích đăng ký hoạt động của quỹ/tổ chức họ còn tìm kiếm các nguồn tài trợ cho các chiến dịch/hoạt động cứu trợ nhân đạo phát sinh tại từng thời điểm.
Khi bạn đóng góp vào các quỹ/tổ chức có tư cách pháp nhân này, bạn có quyền yêu cầu quỹ/tổ chức cấp giấy chứng nhận cho khoản tiền mà bạn đóng góp. Số tiền này sẽ được loại trừ ra khỏi phần thu nhập chịu thuế nếu bạn nộp giấy chứng nhận này cho cơ quan thuế.
- Xem thêm: Showbiz cõi trên và mặt đất
Người đóng góp cho các quỹ/tổ chức này thường căn cứ vào danh tiếng, sự chuyên nghiệp và tính minh bạch của quỹ/tổ chức để quyết định phần tài trợ của mình. Ở đây, có lẽ cần lưu ý sự độc lập giữa quỹ/ tổ chức với cá nhân điều phối các hoạt động của quỹ/tổ chức. Mọi hoạt động của cá nhân điều phối quỹ/tổ chức không nhất thiết phải đại diện cho quỹ /tổ chức đó. Tính đại diện chỉ có được sau khi có sự uỷ quyền của các thành viên ban quản lý quỹ.
Thiện nguyện thông qua cá nhân/nhóm hoạt động thiện nguyện tự phát
Đúng như bản chất của tên gọi “tự phát”, các cá nhân/nhóm này hoạt động theo mục đích của người đứng đầu hoặc của nhóm đứng đầu và hoàn toàn không có đăng ký pháp nhân. Thông thường, mục đích các cá nhân/nhóm thực hiện công việc từ thiện tự phát này là trên tinh thần “TỰ NGUYỆN”, và khi công việc từ thiện đó hoàn thành thì cá nhân/nhóm cũng ngừng hoạt động.
“Tự nguyện” không có nghĩa là không có chi phí. Thông thường, khi có chi phí phát sinh, cá nhân/nhóm thiện nguyện sẽ tự gánh phần này. Tuy nhiên, có những trường hợp, tùy thuộc vào quy mô của số tiền quyên góp được và thời gian thực hiện hoạt động mà cá nhân/nhóm từ thiện tự phát này có thể phát sinh chi phí vận hành, điển hình như: chi trả trợ cấp cho một số tình nguyên viên để họ thực hiện công việc quản lý số tiền quyên góp và điều phối hoạt động được thực hiện một cách bài bản hơn.
Các cá nhân/nhóm từ thiện tự phát này thường kêu gọi đóng góp theo đợt hoặc theo các tình huống đơn lẻ như các trường hợp cứu trợ nhân đạo cụ thể hoặc tình huống khẩn cấp. Số tiền bạn đóng góp cho các cá nhân/nhóm từ thiện tự phát này sẽ không thể được tính để khấu trừ ra khỏi phần thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.
Người đóng góp cho các cá nhân/nhóm này thường ra quyết định căn cứ vào niềm tin của bản thân mình cũng như dựa trên uy tín của cá nhân/nhóm đứng ra tổ chức từ thiện tự phát.
Tổ chức/doanh nghiệp có tư cách pháp nhân kêu gọi quyên góp và thực hiện từ thiện tự phát
Là các tổ chức/doanh nghiệp không đăng ký hoạt động thiện nguyện chuyên nghiệp, nhưng do tình huống khẩn cấp nào đó, đứng ra kêu gọi đóng góp để thực hiện một hoạt động cụ thể. Cũng giống như cá nhân/nhóm tự phát nói trên – hoạt động của tổ chức/doanh nghiệp này trên tinh thần tự nguyện, và thường các tổ chức/doanh nghiêp này cũng huy động nhân sự sẵn có trong tổ chức mình để tham gia việc quản lý quỹ và điều phối hoạt động. Vì vậy số tiền quyên góp được thường sẽ được chuyển 100% tới người hưởng lợi.
Việc kêu gọi đóng góp thường trong phạm vi nội bộ của tổ chức/doanh nghiệp nhưng cũng có thể có các đóng góp phía bên ngoài. Số tiền bạn đóng góp cho tổ chức này cũng cũng không được khấu trừ khi tính thu nhập chịu thuế.
Cuối cùng, người viết muốn nhấn mạnh rằng: dù bạn đóng góp cho hình thức thiện nguyện nào, việc đòi hỏi báo cáo chi tiêu cho riêng khoản đóng góp của bạn gần như là không khả thi, trừ một số trường hợp đặc biệt. Tại sao lại gần như không khả thi? Bởi để làm được việc đó thì sẽ cần phải sắp xếp đội ngũ nhân sự riêng chỉ để phục vụ công tác báo cáo và sẽ phải trích tiền quyên góp để trả lương cho họ, mà như vậy thì số tiền chi cho đối tượng hưởng lợi trực tiếp sẽ giảm đi. Bạn có muốn điều đó không? Chắc chắn là không rồi, bởi đó là sự lãng phí nguồn lực không cần thiết.
Đối với quỹ/tổ chức chuyên nghiệp, hàng năm họ sẽ có báo cáo tài chính để chia sẻ rộng rãi cho bất cứ ai quan tâm. Đối với cá nhân/nhóm và các tổ chức/doanh nghiệp hoạt động tự phát, danh sách người/số tiền ủng hộ thu được và tổng số tiền chi ra là những thông tin bạn có thể yêu cầu.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy quỹ/tổ chức/cá nhân/nhóm/doanh nghiệp thực hiện công việc thiện nguyện cũng có “this” có “that”. Thông tin của cá nhân điều phối, của quỹ/tổ chức, của nhóm cần phải minh bạch, rạch ròi để nhà tài trợ có đủ cơ sở khi ra quyết định. Là những nhà tài trợ thông minh, mọi người nên cân nhắc một cách kỹ càng để từ đó có thể chọn lựa nơi mình tin tưởng “chọn mặt gửi vàng”.