Cõi người ngỡ rộng dài, hóa ra bé gọn thu mình trong chiếc lá, giọt sương, phận cỏ. Trong cõi nhân gian, cỏ như tấm gương phản chiếu thân phận con người. Được gieo trồng tỉa tót hay hồn nhiên tự mọc, xanh tươi mơn mởn hay úa tàn, vùi sâu đất nâu, sạch hóa trong lửa đỏ bay trắng hồn tro theo gió về trời xanh…
Lặng lẽ, xôn xao, dãi dầu, truân chuyên mà cần mẫn, bền bỉ, bất diệt… như cỏ. Vươn thẳng dậy làm người, bước chân chập chững đầu tiên mẹ dìu, bàn chân chạm cỏ. Hành trình rượt đuổi khẳng nhận, quên đi, để giày thản nhiên giẫm cỏ. Một ngày mệt quá tấm thân, tay buông chân mỏi, nằm xuống đất nghỉ ngơi, ôm chứa hạt bụi phôi pha… Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh. Đến bàn tay tài năng, trí tuệ ưu tư, tâm hồn nhạy cảm tác giả Đoạn trường tân thanh, hình ảnh và ngôn ngữ thơ đã giàu tính ẩn dụ, nhân hóa trong một chiều thu về – dự báo phận người. Cỏ trong thơ xưa xuất hiện chủ yếu ở hai mùa xuân thu. Xuân là cái đẹp đầy sức sống, thu là bóng cái đẹp man mác. Cỏ buồn đẹp phận người.
Cỏ như người, không thoát được vòng quay quy luật, phải chết đi, về thôi chốn nào… Nhưng người cũng như cỏ – cái đẹp có khả năng tái sinh tái tạo. Không tin, bạn thử hỏi lại cỏ… Cỏ lặng im… Cỏ có nói bằng một ngôn ngữ riêng… bạn cũng chưa kịp hiểu. Ngôn ngữ tình yêu thì thầm trong yên tĩnh – Vọng dịu dàng rạo rực trái tim xanh – Như lá cỏ chạm vào nhau khe khẽ – Trên thế gian chỉ có mỗi chúng mình. Ấy là cái đẹp tái sinh tái tạo tự tìm. Bạn mỉm cười. Hiện hữu lặng im. Giọt sương đầu ngọn cỏ. Có một ngôi vườn, một trang sách… bạn có những gì mình yêu sống. Gió lay, cỏ lật, trang thơ xưa xanh lặng ủ hương nay.
Trong tiến trình đồng hành sáng tạo, từ ô cửa nhỏ mở ra thế giới lớn, văn học trung đại – thơ cổ điển Việt có hai người được UNESCO kỷ niệm Danh nhân văn hóa thế giới. Cả hai lưng tựa núi mắt nhìn ra biển. Thiên nhiên và con người hợp nhất thấu cảm nỗi niềm nhân bản – nhân văn. Hình ảnh cỏ thấm đẫm nhân thế, như lời Tự thuật của Nguyễn Trãi: Hoa thường hay héo, cỏ thường tươi… như trải nghiệm một đời ngậm ngùi cõi tạm, con người – thời cuộc chìm nổi. Cỏ trong thơ Nguyễn Du giàu tính ẩn dụ, nhân hóa… thời gian trăm năm, không gian cõi người soi chiếu nhân gian, phận người xoay quanh tài – tình – mệnh…
Lưu dấu thời gian
Thế kỷ XVIII là lịch sử đau thương mà hào hùng. Văn học là lịch sử tâm hồn theo khuynh hướng cảm thương. Trước khi đạt đến đỉnh cao Truyện Kiều đầu thế kỷ XIX, trong chiến tranh, cương tỏa, đổ nát… đã ngân lên những khúc ngâm của chinh phụ, cung nữ, phận người… ai oán cho tình yêu và tuổi trẻ giàu giá trị nhân văn. Cung oán với nỗi niềm thương cảm cỏ cây, sông núi Phong trần đến cả sơn khê – Tang thương đến cả hoa kia cỏ này. Vượt ra ngoài thân phận cung nữ tài sắc bị ruồng bỏ, vang tiếng oán hờn, bi thương nhan sắc bạc mệnh, kết thành cáo trạng với sự phũ phàng tàn ác đối với phẩm giá và tình cảm trong sáng. Trăm năm còn có gì đâu – Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì. Thiên nhiên hoa cỏ như sự lưu dấu thời gian. Cỏ non trong Chinh phụ ngâm là biểu tượng mùa xuân hiện ra mờ ảo đan xen. Ngòi đầu cầu nước trong như lọc – Đường bên cầu cỏ mọc còn non. Tử biệt sinh ly, cỏ mang tâm trạng người chinh phụ trong thời chinh chiến với bút pháp ước lệ tượng trưng. Nước có chảy mà phiền khôn rửa – Có có thơm dạ nhớ chẳng khuây. Từ cỏ ai oán thân phận của Nguyễn Gia Thiều, cỏ đau xót cựa mình khao khát mang màu sắc nhục cảm và giá trị nhân đạo sâu sắc của Đặng Trần Côn… đến ngọn cỏ soi chiếu nhân gian, phổ biến nhân tính cõi người trăm năm của Nguyễn Du.
Mở đầu Truyện Kiều là chuyện Trăm năm trọn một đời người trong cõi người ta được thu gọn trong cõi thơ. Mênh mông, đa dạng, phức hợp, đầy bất trắc, chẳng lường ngờ… hiện thực cuộc đời, thân phận, số mệnh… chẳng những nàng Kiều, bao người, cả chúng ta… qua cỏ được sử dụng những 23 lần và ẩn chứa bên trong bao nỗi niềm tâm trạng. Cỏ phản ánh và soi chiếu nhân gian của Nguyễn Du – người vốn suy tư, nhạy cảm mà chân thực, thoát khỏi bản ngã ảo tưởng mà A. Einstein thấu hiểu sâu sắc không chỉ hiện thực không – thời gian ma còn về bản chất con người gọi là ảo ảnh quang học về nhận thức.
Bắt đầu từ hội đạp thanh – hội giẫm lên cỏ – hội chơi xuân. Cỏ non như diện rộng trải ra, hoa lê trắng điểm, màu xanh non biểu tượng xuân. Nếu theo cách ngắt nhịp 2/1/3 ở dòng lục Cỏ non/ xanh/ tận chân trời sẽ làm cho màu xanh của cỏ như diện ngút ngàn, 2/1/1/4 ở câu bát Cành lê/ trắng/ điểm/ một vài bông hoa sẽ làm cho màu trắng của cành lê như điểm nổi lên. Nơi ấy, lúc ấy… sáng xuân xanh đẹp, chiều ngả màu dang dở úa tàn trên mộ ca nhi họ Đạm. Sè sè nấm đất bên đường – Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh. Cỏ tàn úa… phận đàn bà… Tài tình bị phũ phàng, ám ảnh lòng đau, áo bọc hoang tàn thân phận. Một vùng cỏ áy bóng tà – Gió hiu hiu thổi một và bông lau.
Gia biến, đứt gánh quạt ước chén thề, bán mình chuộc cha, tỏ lòng hiếu đễ, Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân. Tình chị duyên em, tâm hồn nhạy cảm, mộng tưởng tâm trí… mai sau hồn về: Trông ra ngọn cỏ lá cây – Thấy hiu hiu gió thì hay chị về. Nhắm mắt mở tâm trí, hồn ai nương về trên lá cỏ, khoảnh khắc xao lòng, khôn nguôi thiên cổ. Theo chân họ Mã, tử biệt sinh ly, trời người thấu đau Dàu dàu ngọn cỏ đầm đầm cành sương. Vào tay Tú Bà, ép uổng lầu xanh. Xa lìa tổ ấm, cô độc đất khách, bơ vơ về đâu, vọng ngóng mơ hồ, vô vọng dạt trôi Buồn trông nội cỏ dàu dàu. Trước lầu Ngưng Bích ngọn cỏ héo sầu kiếp người vô định, sắt se, thấm thía. Cái màu âm khí dàu dàu lần đầu xuất hiện ngọn cỏ mộ Đạm Tiên cứ mãi lặp lại bao nẻo đoạn trường đời Kiều. Tình cảnh lâm ly, canh tàn gần sáng, nhắm mắt đưa chân, trốn chạy theo Sở. Lối mòn cỏ lợt màu sương. Cỏ tái lạnh sợ sệt âu lo. Chạy trốn Hoạn Thư – lửa ghen bùng cháy. Pha càn bụi cỏ gốc cây ẩn mình.
Gái thuyền quyên đắm nạn. Trai anh hùng cứu rỗi. Chỉ có Từ, Kiều mới tình thật ngỏ lòng Rộng thương cỏ nội hoa hèn. Chỉ có Kiều, Từ mới cười nhận là tri kỷ. Trượng phu thanh gươm yên ngựa lên đường. Kiều đóng cửa trong phòng gặm nhấm sự thương nhớ Cỏ cao hơn thước liễu gầy vài phân. Từ chết đứng giữa trời vì tình Kiều. Giọt nước mắt nàng thanh lọc, Từ nằm xuống. Xin Hồ Tôn Hiến cho cảo táng di hình bên sông. Không biết nấm mộ anh hùng có chút cỏ xanh nào bao phủ… Thanh lâu thanh y, hoa rụng hương bay. Thân Kiều tưởng như đã chết, vậy mà được sống lại, tái thế tương phùng gặp gỡ gia đình. Mệt lụy đường trần. thôi thì an lạc thiên nhiên, ý thức khiêm cung trong sức sống mới nhi nhiên. Tuổi này giữ với cỏ cây cũng vừa.
Giai nhân chỉ là một nửa. Thật khó nói đâu là một nửa còn lại hoàn thiện đời mình. Nhưng dù sao, ngay buổi đầu, Dùng dằng nửa ở nửa về… ngộ duyên, chờ một nửa – tài tử thư sinh. Chàng Kim đến trong hương hoa lộng ngát, cỏ phản chiếu – tương giao màu áo, màu trời xuân, màu lòng xuân Kiều mở đón Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời. Dễ hiểu vì sao cỏ lại gắn bó nhiều với Kim đến thế. Từ buổi đầu thanh minh, biệt ly… đến hoàng hôn màu cỏ úa, tìm lại nơi hạnh ngộ. Một vùng cỏ mọc xanh rì… hiu hắt tương tư. Năm lần trở lại vườn Thúy và nhà Viên ngoại sau khi thọ tang chú, Kiều mãi dấn thân trên vạn nẻo truân chuyên. Vội sang vườn Thúy dò la… Đầy vườn cỏ mọc lau thưa… Quá khứ hoài tưởng và hiện tại trước mắt tương phản, mình thật cô liêu Cỏ lan mặt đất rêu phong dấu giày. Mãi lần tìm cũng chỉ là Một sân đất cỏ dầm mưa. Hai lần lúc gặp Giác Duyên. Bẻ lau vạch cỏ tìm đi… Rêu trùm kẽ ngách cỏ lên mái nhà. Giác Duyên đã ra đi, như mây bay, như hạc trắng, đẹp như ngọn cỏ không sắc tướng, nối đất vào trời. Một duyên hai nợ ba tình… ngọn cỏ trang Kiều lặng thơm vô thanh trong lời quê chắp nhặt.
Cùng thời có hai nữ sĩ là Bà Huyện Thanh Quan và Hồ Xuân Hương, phong thái sống và phong cách thơ rất khác nhau. Người phong nhã kín đáo, đoan trang điềm đạm, cảnh tình nhuốm màu hoàng hôn mang tâm trạng ai hoài, bảng lảng khói sương Cỏ cây chen lá đá chen hoa… Người tung tẩy chủ động hành động tự tin, phong tình, táo bạo… Tưởng như trò chơi con trẻ mà tung tẩy nõn nường. Một dòng nước biếc cỏ lèo tèo… Kìa cái diều ai gió lộn lèo. Không biết chắc được Hồ Xuân Hương có gửi tặng thơ cho Nguyễn Du không… Dù sao cũng cảm động lý thú một duyên ngầm tao ngộ Nhớ người cũ, viết gửi Cần Chánh học sĩ Nguyễn hầu – Nghi Xuân, Tiên Điền. Hai câu cuối, theo GS Hoàng Xuân Hãn nên đọc là: Biết còn mảy chút sương siu mấy – Lầu nguyệt năm canh chiếc bóng không. Sương siu có nghĩa là bịn rịn, mấy nghĩa là với… Chẳng biết có đúng ý thơ của Xuân Hương… ngụ hỏi người xưa nay vinh hiển, còn chút gì mảy may bịn rịn với ta chăng, riêng ta vẫn năm canh đơn độc vò võ trông người. Chắc chỉ có hai người thấu cảm. Từ chàng: Thịt da ai cũng là người cho đến nàng: Nhắn nhủ ai về thương lấy với – Thịt da ai cũng thế mà thôi. Nói cái chuyện việc thịt da mà nữ tính thâm thúy. Người sao thơ vậy. Cỏ trong thơ Hồ Xuân Hương như bao hình ảnh nôm na thân thuộc: đình làng, bến nước, giếng khơi, bánh trôi nước… Quen thuộc hiện hữu mà phá cách, giải thiêng… nên tung tẩy, bình đẳng, mới mẻ, sống động. Hai câu luận trong bài Vịnh giếng: Cỏ gà lún phún leo quanh mép – Cá diếc le te lách giữa dòng. Giếng thanh tân… có lẽ thời còn con gái đi học, ôm ấp non tơ mà mới mẻ, phong tình. Ốc nhồi tượng trưng thân phận thấp hèn Bác mẹ sinh ra phận ốc nhồi. Cỏ hôi là không khí ngột ngạt, lấm láp đời thường Đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi. Ấy là biệt tài tạo nghĩa sống động mang ý thức phản kháng. Nó lan xa trong đời sống nhân gian, khơi liên tưởng mọi thời, chạnh suy tưởng ở người hiện đại.
Tương quan tình yêu hòa điệu
Cỏ lặng xuyên trong thơ xưa như một liên ký hiệu Đạo người giàu tính triết mỹ. Từ ô cửa mở ra chân trời, ngọn cỏ Việt gặp gỡ tương thông với thế giới. u Mỹ với W. Whitman duy nhất tập thơ Lá cỏ… khiêm nhường, giản dị, gần gũi với đất, sự sống nơi nơi. Đấy là cỏ, cỏ mọc khắp nơi, ở nơi nào có đất và nước – Đấy là không khí cho tất cả mọi người trên trái đất. Chết đi, nguyện tái sinh tái tạo trong ngọn cỏ: Tôi ký thác tôi cho bùn đất để tái sinh từ ngọn cỏ tôi yêu – Bạn muốn gặp lại tôi, hãy tìm tôi dưới đế giày của bạn. Cho đến phương Đông, mẹ sông Hằng hiền hòa và cha rặng Himalaya hùng vĩ, trong tương phản đối lập lại dung hòa sinh ra Tagore với Thơ Dâng phụng hiến. Cỏ như một biểu tượng xuất hiện 9 lần có ý nghĩa rộng lớn. Tương quan giữa con người và con người, con người với thiên nhiên vũ trụ là tương quan tình yêu hòa điệu. Bình đẳng, tự do, rộng mở, như nhiên… Trong sân chầu vũ trụ – Chiếc lá cỏ bình thường – Cùng ngồi chung một thảm – Với mặt trời – Và sao sáng trong đêm.
Thơ được tạo nên bởi âm tiết của những giấc mơ (Lawrence Ferlinghetti – 52 định nghĩa về thơ được sử dụng trong thế kỷ 21). Ngày mang nụ cười của đêm sáng màu tư duy cảm xúc. Đêm mang giấc mơ của ngày ánh tâm hồn thư thái. Gió vẫn thổi, đường xưa cỏ mọc. Bàn chân ai một lối đi về…
- Xem thêm: Chiếc lá trong thơ Việt