Hội họa mà anh đào sâu vun xới là những cơ thể nghịch dị, những ảnh tượng phóng chiếu một thế giới tiềm thức, trên quang cảnh cánh đồng siêu thực.
Nghệ thuật (hậu) hiện đại, với sự vận động của quan niệm cả về thực hành sáng tạo lẫn thị hiếu tiếp nhận, đã vượt thoát khỏi chuẩn mực chung của cái đẹp tiêu chuẩn, đẹp thống nhất, để đến với cái đẹp khác, đa dạng, cái đẹp của sự đặc thù. Thước đo tính đặc thù của một nghệ sĩ, thứ nhất là xác lập được phong cách và facture (bút pháp) của riêng mình, như một dấu ấn định danh cá nhân, thứ hai, là thể hiện được sự chuyển đổi, tức phá cáchđể tự làm mới mình.
Trong một vài năm trở lại đây, cái tên Lê Minh Phong đã xuất hiện đột ngột và dần dần tạo nên một hải lưu ngầm được công chúng nhận diện, từ triển lãm cá nhân cho tới các phòng tranh và bộ sưu tập cá nhân. Tiếp xúc với tranh của Phong, ấn tượng ban đầu của người chiêm ngưỡng là “lạ” và một khi đã biết đến, chỉ cần nhìn facture là nhận ra ngay là tranh của anh.
Thậm chí, gần đây tranh của anh còn trở thành “phục trang” thời thượng cho những chuyên khảo, chuyên luận văn học, có thể kể đến Tròng trành và Lệch chuẩn: Viết như nội tâm hóa tham dự văn chương (NXB Hội Nhà văn, 2020) của Đỗ Lai Thúy, Trên đôi cánh tưởng tượng (NXB Hội Nhà văn, 2020) của Văn+, Phê bình phân tâm học: Phía của những ám ảnh nghệ thuật (NXB Khoa học xã hội, 2021) của Vũ Thị Trang, Dám ngoái đầu nhìn lại (NXB Hội Nhà văn, 2021) của Nguyễn Thị Tịnh Thy.
Miền cư trú sáng tạo
Lê Minh Phong hiện sống và làm việc tại Huế. Xứ Huế thi vị, mộng mơ đã mang lại cho Phong một chất nền cảm hứng. Ngay từ đầu thế kỷ XX, với tư cách là một trung tâm chính trị-văn hóa và sinh hoạt nghệ thuật sôi nổi, ở Huế đã xuất hiện rất nhiều họa sĩ tiêu biểu như Nguyễn Văn Nhân, Lê Đức Trạch, Lê Văn Miến, Tôn Thất Sa, Nguyễn Khoa Toàn, Phi Hùng. Nửa sau có Đinh Cường, Bửu Chỉ, Dương Đình Sang, Hoàng Đăng Nhuận.
Trong sự hình thành của mỹ thuật Việt Nam hiện đại, với mốc là sự thành lập của trường Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội vào năm 1925, thì Huế với trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế cũng là một trong ba trung tâm mỹ thuật chính, cùng với Hà Nội với trường Mỹ thuật Đông Dương và Gia Định với trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định.
Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế được thành lập từ năm 1957, bên bờ sông Bến Ngự, Huế, ba năm đầu trường thuộc Viện Đại Học Huế, Viện trưởng là Linh mục Cao Văn Luận. Giám đốc của trường là họa sĩ Tôn Thất Đào (1910 – 1979), tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương khóa VIII (1932 – 1937) cùng với Lương Xuân Nhị, Nguyễn Văn Khánh, Đỗ Đình Hiệp… Phó giám đốc của trường là họa sĩ Lê Yên (1913 – mất sau 1975). Các giảng viên của trường còn có điêu khắc gia Trương Đình Ý, các họa sĩ Phạm Xuân Sanh, Thiêm Quốc Hùng, Phạm Đăng Trí. Trường đã góp công rất lớn cho việc bồi đắp nhân tài và kiến tạo nên một nền tảng mỹ thuật trù phú trên mảnh đất Cố đô.
Song, Lê Minh Phong lại gần như đứng ngoài dòng chủ lưu. Phong chưa hề trải qua một đào tạo mỹ thuật bài bản chính quy nào. Anh tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế và sáng tác văn chương, từng công tác tại tòa soạn Tạp chí Sông Hương.
Về tác phẩm, anh đã trình làng Chưa đủ để gọi là khoảnh khắc (tập truyện ngắn, Nxb Văn học, 2011), Trong tiếng reo của lửa (tập truyện ngắn, Nxb Trẻ, 2015), Điều tìm thấy (tập truyện ngắn, Nxb Đà Nẵng, 2019), Đường đi (tiểu thuyết, Nxb Đà Nẵng, 2019). Một con đường những tưởng thênh thang và ổn định đối với một người theo nghiệp văn.
Nhưng có lẽ, những rực khát lẫn bất toàn biểu đạt của một cá tính giàu nội năng đã dẫn dắt Phong đến với hội họa, để dấn thân trở thành một họa sĩ tự học, tự đào luyện. Anh vẽ, không phải để tìm lấy một sinh kế, hay thỏa ước muốn trở thành họa sĩ, trái lại, để tìm một ngôn ngữ, hay tiếng reo phù hợp cho thanh quản của mình. Và, một khi đã kiệt cùng những khả thể văn chương, hội họa dường như là thứ “phương ngữ” hiệu quả nhất cho anh quyền được nói.
Sự chuyển đổi từ văn chương sang hội họa
Sự độc đáo của Lê Minh Phong, vô hình trung, lại đến từ điều bị coi là sở đoản của anh. Mặc dù là họa sĩ tự hành, không trải qua trường lớp, nhưng sáng tạo hội họa của Phong lại khởi phát từ một cảm quan uyên nguyên đến từ văn chương. Đó là sự chuyển đổi từ ngôn ngữ văn chương sang hội họa. Mỗi một bước ngoặt cách mạng lớn trong lịch sử nghệ thuật thế giới, đòi hỏi một đại chuyển đổi. Còn mỗi một bước ngoặt canh tân trong sự nghiệp sáng tác của một họa sĩ, cũng cần một tiểu chuyển đổi. Phải có chuyển đổi, thì mới có vận động phát triển. Một chuyển đổi lớn là chuyển đổi về nguyên lý, mang tính thời đại và hệ hình.
Ai cũng nghĩ nghệ thuật Phục hưng đã là đỉnh cao của tỷ lệ hoàn hảo, tráng lệ và đã hoàn kết. Nhưng rồi một sự chuyển đổi lớn về nguyên lý, từ nét sang mảng, từ mặt phẳng/bề mặt sang chiều sâu/bề sâu, từ hình thức đóng (kiến tạo, tektonisch) sang hình thức mở (phi kiến tạo, atektonisch), từ đa dạng đến thống nhất, từ rõ ràng tuyệt đối đến rõ ràng tương đối, mở ra nghệ thuật Baroque [1].
Câu chuyện chuyển đổi tương tự, về quan niệm ánh sáng hoặc thực tại, lần lượt tiếp diễn qua Ấn tượng, Lập thể, Siêu thực, Biểu hiện trừu tượng… Còn chuyển đổi nội tại, gọi là nhỏ, ở cá nhân họa sĩ, như Rembrandt thời trẻ và giai đoạn về sau, hay Picasso qua các giai đoạn Xanh, Hồng, ảnh hưởng châu Phi, Lập thể phân tích, Lập thể tổng hợp… không có nghĩa là không đáng kể, trái lại, có thể là thành tựu đời đời và góp phần tạo ra chuyển đổi lớn.
Lê Minh Phong, vì vậy, là một nghệ sĩ phức hợp [2]. Bởi bản thân anh có một sự chuyển đổi từ ngôn ngữ thi văn của một nhà văn sang ngôn ngữ hội họa của một họa sĩ. Văn chương của Lê Minh Phong đậm chất biểu hình. Truyện của anh có khuynh hướng đặc tả những chiều cạnh thị giác, hình học (“Như vậy, cả ba người họ tạo thành một tam giác. Giữa tam giác đó là một hình tròn. Không phải là một hình tròn cỡ lớn. Nó tỏa sáng. Ánh sáng không nhợt nhạt như mặt trăng nhưng cũng không đến nỗi chói chang như mặt trời. Không thể phân biệt được đó là mặt trăng hay mặt trời. Chỉ biết nó đang tỏa sáng. Và nó sẽ được gọi là vật tỏa sáng”[3]) thậm chí nén ép chuyển động và thời gian vào trong không gian (“Các chuyển động đều diễn ra trong giây 59 của phút 60 khi kim giờ chỉ vào con số XII”[4]).
Đến hội họa, anh gần như cởi bỏ gánh nặng biểu hình, chỉ còn mang đến thứ hội họa biểu ý. Bởi, ngôn ngữ của hội họa – đường nét, màu sắc, hình khối đã giải quyết được vấn đề trình hiện về mặt thị giác mà ngôn từ văn bản gặp phải. Hội họa biểu hình buộc phải đáp ứng chức năng biểu nghĩa kép: nó truyền đạt những ý nghĩa khách quan của đối vật được mô tả, và thông qua cấu trúc của các ký hiệu để truyền tải ý nghĩa mới vượt qua thực tế. Nhưng họa sĩ biểu hình người Đức Georg Baselitz đã nghịch đảo quy luật khi ông lộn ngược các đối vật mình vẽ: “Đối vật không biểu đạt gì cả. Hội họa không phải là phương tiện để đi đến một mục đích. Ngược lại, hội họa là tự trị.”[5] Mặc dù Baselitz vẫn vẽ những đồ vật thông thường và chủ đề truyền thống như chân dung, khỏa thân, phong cảnh, đồng thời trên lý thuyết, tranh của ông đã hóa trừu tượng, nhưng hình ảnh bạo liệt vẫn khơi gợi lên những phản ứng cảm xúc mạnh mẽ.
Trong tranh của Lê Minh Phong, thế giới thực hay cụ thể là hình tượng con người duy thực đã không còn là tham chiếu chính được nhấn mạnh. Cái anh đào sâu vun xới là những cơ thể nghịch dị, những ảnh tượng phóng chiếu một thế giới tiềm thức, trên quang cảnh cánh đồng siêu thực. Những ẩn dụ, ngụ ngôn về ám ảnh và thương tổn được người xem nhận diện trong tranh của Phong, thực chất, là sự đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu của những linh hồn đọa lạc đồng điệu. Nghệ thuật là thứ băng qua mọi giả tạm và trá ngụy, mở khóa căn buồng tối trong tiềm thức mỗi con người.
Để tránh sa đà vào một phân tích chủ đề sáo mòn, điều thực tế là không cần thiết, bởi nghệ thuật biểu ý của Lê Minh Phong đạt hiệu quả cao nhất thông qua sự cắt nghĩa chủ quan của người thưởng ngoạn, chúng ta sẽ đề cập đến khía cạnh mang lại ấn tượng thị giác lớn nhất cho tranh của anh. Đó là vẻ đẹp của diện mạo, đến từ bề mặt và màu sắc, một cảm quan và kỹ thuật thể hiện bề mặt lẫn màu sắc đầy trực giác và bản năng. Có thể gọi đây là một ân điển Phong được may mắn sở hữu, là thiên tư vượt ra ngoài giới hạn của đào tạo và cũng là quả ngọt của quá trình khắc khoải tự tìm tòi khổ luyện
Người xem có thể cảm nghiệm bề mặt đối vật trong tranh của Phong biểu kiến độ cứng và mềm, độ nhám và mịn rõ rệt. Bề mặt này, không đơn thuần chỉ là mặt phẳng, nó còn mang tính chất tạo hình dựa trên xúc giác, co giãn, linh hoạt và thỏa mãn cảm nhận ba chiều dài, rộng và sâu. Những bề mặt hữu hình, gồ ghề, xù xì, thu hút chuyển động của ánh sáng ở trên chúng lẫn cảm giác người xem, tạo nên một đời sống sinh động cho các hình tượng. Song song với họa, Phong còn ứng dụng kỹ thuật tạo hình sang địa hạt điêu khắc thông qua thể nghiệm trên chất liệu gỗ.
Màu chất thể và màu thời gian
Về màu sắc cũng vậy, màu sắc trong tranh của Phong chứa đựng hai thuộc tính, đó là màu chất thể và màu thời gian. Màu chất thể gần như tái hiện đầy đủ phẩm tính của vật thể, cho dù là ánh kim của kim loại, hay xếp nếp như gấm vóc lụa là trang phục. Tranh sơn dầu trên vải bố của Lê Minh Phong mang lại hiệu ứng chất liệu như thể của tranh sơn mài, độ bóng và sáng như thể của son, bạc thếp, vàng thếp, vỏ trai, vỏ trứng, vỏ ốc, điệp, khảm trai… vậy.
Còn màu thời gian, thứ màu được phán đoán bằng nghiệm sinh, hiện diện thuần nhiên không hữu ý trên những vân gỗ cây cổ thụ, màu tàn úa của rừng cây đã qua đời, màu đá vạn năm vô tri, màu nứt nẻ trần trụi của mặt đất khô cằn, màu rong rêu tựa như lớp phủ trên bức tường hoàng thành cổ kính, màu da thịt của những sinh mệnh nguyên thủy lay lắt.
Hơn nữa, tranh của Lê Minh Phong còn có đặc tính phát xạ trong không gian. Trong lần hiếm hoi được gặp gỡ và thăm quan không gian sáng tạo của họa sĩ tại Huế, hoặc gần đây được ngắm tranh của anh trưng bày bài bản tại Art Gallery 39 Linh Lang của họa sĩ Dũng Trống, người viết có dịp được kiểm chứng hiệu lực phát xạ này.
Dù là tại nhà riêng hay không gian trưng bày, nếu được bài trí trong một bố cục chiếu sáng hợp lý, tranh của Lê Minh Phong sẽ chuyển hóa toàn bộ màu sắc không gian theo gam màu chủ đạo của mình. Ánh sáng trắng, khi được chiếu vào một bức tranh của Phong với sắc mạo cam hoặc đỏ, sẽ khúc xạ và khuếch tán một ánh sáng thứ cấp, biến cho bức tường hay góc phòng đặt tranh tỏa ra một khí quyển ấm áp.
Bởi vậy, tranh của Phong không chỉ có giá trị trưng bày tự thân, mà một khi trở thành thành tố của tổng thể, ví dụ kiến trúc phòng, sẽ tạo ra một không gian nghệ thuật tổng hòa.
Đường đi của Lê Minh Phong, không chỉ là con đường dài lắm chông gai nhưng hữu hạn, mà là cả một mê cung tận cùng, nơi chàng Theseus thần thoại phải giải đáp những câu đố, vượt qua những chướng ngại bế tắc ý tưởng, phải đương đầu với quái thú nhân ngưu Minotaur tượng trưng sự bất toàn. Và trong mê cung tối mịt mùng này, chợt hiện lên một cơn gió quang sáng dẫn đạo, reo bùng lên những ngọn lửa ý tưởng.
Phía bên kia của mê cung, là suối nguồn sáng tạo vô tận.
Họa sĩ Lê Minh Phong sinh 1985. quê Hà Tĩnh, sống và làm việc tại Huế.
Triển lãm: Bên trong (triển lãm cá nhân, Viện Pháp, Huế 2015), Nối tiếp (triển lãm cá nhân, Viện Pháp, Huế, 2018)
Các tác phẩm văn học: Chưa đủ để gọi là khoảnh khắc (tập truyện ngắn, NXB Văn học, 2011), Trong tiếng reo của lửa (tập truyện ngắn, NXB Trẻ, 2015), Điều tìm thấy (tập truyện ngắn, NXB Đà Nẵng, 2019), Đường đi (tiểu thuyết, NXB Đà Nẵng, 2019)
____
[1] Xem thêm Heinrich Wölfflin, Kunstgeschichtliche Grundbegriffe (Những nguyên lý của lịch sử nghệ thuật), 1915.
[2] “Tôi muốn mạn phép đưa đến một khái niệm khác, có lẽ trên thế giới từ lâu đã có kiểu loại này rồi, nhưng ở Việt Nam thì chưa định nghĩa nó trở thành một kiểu loại nghệ sĩ hoàn chỉnh, đó là nghệ sĩ phức hợp. Khái niệm này bắt nguồn từ khái niệm rộng là polymath (nhà thông thái bác học), nhưng khu biệt trong nội hàm sáng tạo nghệ thuật. Đặc trưng của nghệ sĩ phức hợp là họ có phong cách nghệ thuật phức hợp, đồng thời có tác phẩm mang tính chất của Gesamtkunstwerk (nghệ thuật tổng hòa), là chỉnh thể kết hợp của nhiều thành tố hay cấu kiện đến từ nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, như văn chương, âm nhạc, kiến trúc và hội họa… Bản thân người nghệ sĩ có thể vừa là nhà thơ, nhà văn, vừa là nhạc sĩ, vừa là họa sĩ.” (Phạm Minh Quân, Đi tìm bản nguyên hội họa Nguyễn Quang Thiều).
[3] Truyện ngắn Mọi thứ vẫn đen đặc, Lê Minh Phong, Chưa đủ để gọi là khoảnh khắc, tr. 67.
[4] Chưa đủ để gọi là khoảnh khắc, tr.11.
[5] Georg Baselitz, trả lời phỏng vấn thực hiện bởi Jean-Louis Froment và Jean-Marc Poinsot, 1983. In lại trong cuốn Georg Baselitz của Detlev Gretenkort, tr. 66.