Theo khảo sát mới nhất về các bệnh lây truyền qua đường tình dục STD (Sexually Transmitted Diseases) trong tháng 11 năm 2019 từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa kỳ (US Centers for Disease Control and Prevention CDC) cho thấy có 3 bệnh thuộc nhóm STD ở Mỹ đang gia tăng cao nhất từ trước đến nay. Các quan chức y tế đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự gia tăng STD đột biến này trên toàn quốc.
Elizabeth Torrone, nhà dịch tễ học của CDC, cho biết: “Chỉ trong 5 năm liên tiếp, các trường hợp mắc bệnh lậu, chlamydia và giang mai kết hợp đã tăng đáng kể, tổng hợp cho thấy tổng cộng 2,4 triệu ca nhiễm được chẩn đoán và báo cáo chỉ trong vòng 1 năm 2018”. Sự gia tăng tỷ lệ mắc STD có thể đi kèm với những hậu quả và lo ngại rất nghiêm trọng về sức khỏe cộng đồng, bao gồm vô sinh, lậu kháng thuốc và giang mai bẩm sinh, có thể gây tử vong ở trẻ sơ sinh.
Theo báo cáo của Tiến sĩ Gail Bolan, Giám đốc Cơ quan Phòng chống STD của CDC, cho biết cách đây không lâu, tỷ lệ bệnh lậu đã ở mức thấp trong lịch sử, bệnh giang mai đã gần như chấm dứt nghĩa là các cơ quan y tế đã có những tiến bộ trong phòng chống bệnh thuộc nhóm STD. Tuy nhiên, hiện nay số ca mắc bệnh giang mai và bệnh lậu được báo cáo đang tăng lên đáng kể.
Ông cho biết: “Nhiều phụ nữ trẻ tiếp tục bị nhiễm chlamydia mà không được chẩn đoán, khiến họ có nguy cơ vô sinh”. Các yếu tố tham gia thúc đẩy sự gia tăng này có thể tùy thuộc vào môi trường nơi họ sinh sống, và cũng có một phần do lười sử dụng bao cao su. Báo cáo mới nhất gần đây cũng cho thấy tỷ lệ các trường hợp được ghi nhận nhiều nhất tập trung trong lứa tuổi thiếu niên và thanh niên.
CDC mới đây đã kêu gọi các cơ quan từ liên bang, tiểu bang và địa phương cần sử dụng các chiến lược làm giảm tỷ lệ mắc STD và giúp cải thiện sức khỏe tình dục, sinh sản, bà mẹ và trẻ sơ sinh. Torrone phát biểu: “STD gây ra gánh nặng đáng kể cho hệ thống chăm sóc sức khỏe – cả về chi phí y tế trực tiếp để điều trị cũng như chi phí cá nhân cho những người mắc bệnh. Khi dịch STD tiếp tục gia tăng ở Hoa Kỳ, không chỉ chi phí điều trị y tế sẽ gia tăng mà chất lượng cuộc sống cũng sẽ bị giảm đi”.
4 bệnh thuộc nhóm STD đang được CDC theo dõi trên toàn quốc và đáng chú ý nhất là: chlamydia, lậu, giang mai và chancroid.
Các tiểu bang có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là:
- Alaska cho chlamydia
- Mississippi cho bệnh lậu
- Nevada cho bệnh giang mai nguyên phát và thứ phát
Chú ý nhất là tỷ lệ ở Quận Columbia cao hơn tất cả các bang.
Michael Kharfen, Phó Giám đốc cấp cao của cơ quan phòng chống HIV/AIDS, phát biểu: “Chúng tôi đã thấy sự gia tăng dịch bệnh trên toàn quốc, một bước nhảy vọt đột biến và có một số yếu tố cần quan tâm. Ngoài các bệnh liên quan tình dục STD, còn có viêm gan, bệnh lao… cũng gây ra một gánh nặng cho ngành y tế. Hiện nay, Bộ Y tế đang đầu tư mạnh vào các công tác sàng lọc và xét nghiệm để người dân dễ dàng tiếp cận hơn, nhờ vậy nhiều trường hợp bệnh đã được xác định. Những người trẻ tuổi lại là thành phần có số lượng đông nhất”.
Theo báo cáo phân tích dữ liệu STD năm 2018, CDC cho biết tổng cộng khoảng 1.8 triệu trường hợp nhiễm chlamydia. Tuy nhiên, vẫn chưa phải là số liệu đáng tin cậy vì vẫn còn nhiều bệnh nhân không được chẩn đoán. Năm 2018, tỷ lệ các trường hợp mắc bệnh lậu được báo cáo của các tiểu bang dao động từ 43 người/100.000 người ở Vermont, 326,7/100.000 người ở Mississippi, ở Washington DC là 611/100.000 người.
115.045 trường hợp mắc bệnh giang mai trên toàn quốc đã được báo cáo cho CDC trong năm 2018, tỷ lệ mắc bệnh giang mai nguyên phát và thứ phát được báo cáo của các tiểu bang dao động từ 1,8 người/100.000 người ở Vermont, 22,7/100.000 ở Nevada, ở Washington DC là 40,2/100.000…
Theo báo cáo cho biết trong số các bệnh STD khác thì bệnh chancroid, nhiễm virus herpes simplex và nhiễm papillomavirus ở người hoặc các biến chứng liên quan đến HPV như mụn cóc ở bộ phận sinh dục đã có tỷ lệ giảm đáng kể là do được tiêm chủng bằng vắc-xin HPV.
Hậu quả bi thảm
Bệnh giang mai bẩm sinh là một bệnh nhiễm trùng nặng, vô hiệu hóa và thường đe dọa đến tính mạng xảy ra ở trẻ sơ sinh khi người mẹ mang thai mắc bệnh giang mai và lây truyền bệnh qua nhau thai cho em bé. Báo cáo giám sát STD năm 2017, cho thấy các trường hợp mắc bệnh giang mai bẩm sinh đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2013. Cụ thể là năm ngoái có 1.306 trường hợp mắc bệnh giang mai bẩm sinh ở trẻ sơ sinh được ghi nhận và có 94 trường hợp trẻ sơ sinh tử vong liên quan đến bệnh giang mai bẩm sinh. “Tất cả những trường hợp đó có thể đã được ngăn chặn nếu phụ nữ mang thai được điều trị thích hợp và kịp thời trước khi sinh”, các quan chức cho biết, “… Chúng tôi thực sự cần đảm bảo rằng tất cả phụ nữ mang thai được sàng lọc trong lần khám thai đầu tiên của họ, được điều trị thích hợp và các đối tác của họ cũng cần được điều trị để ngăn ngừa tái nhiễm. Nhưng chúng tôi cũng còn một mối đe dọa lớn chính là sự kháng thuốc”.
Hiện nay, ở Hoa Kỳ có sự gia tăng mạnh về bệnh lây nhiễm qua đường tình dục thì cũng có nhiều trở ngại trong các lựa chọn kháng sinh điều trị cho một bệnh nhiễm trùng nhất là bệnh lậu. Mối đe dọa của bệnh lậu kháng thuốc vẫn tồn tại trên toàn thế giới. Ngày càng có nhiều trường hợp mắc bệnh lậu kháng lại một số loại kháng sinh được sử dụng để điều trị nhiễm trùng.
Năm ngoái, tại Vương quốc Anh, một người đàn ông đã bị nhiễm một loại bệnh lậu đa kháng thuốc kháng với kháng sinh azithromycin và ceftriaxone, theo thông tin từ Public Health England. Người đàn ông này phải được tiêm tĩnh mạch bằng kháng sinh ertapenem.
Tiến sĩ Mark Mulligan, Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm tại Langone Health ở ĐH New York và là Giám đốc Trung tâm vắc-xin Langone, cho biết: “Với bệnh lậu, chúng tôi có một mối đe dọa thực sự với tình trạng kháng thuốc. Điều trị bệnh lậu, chúng tôi chỉ dùng một loại thuốc và nếu chúng kháng thuốc thì sẽ không thể điều trị được. Nhu cầu là phát triển các loại thuốc kháng sinh mới hoặc chế tạo vắc-xin để ngăn ngừa nhiễm trùng và từ đó sẽ làm giảm nguy cơ kháng thuốc”.
Tại sao STD gia tăng
Giảm tỷ lệ sử dụng bao cao su
Mặc dù báo cáo ghi nhận gánh nặng gây ra bởi các bệnh nhiễm trùng qua đường tình dục này ở Hoa Kỳ, nhưng nó không xác định lý do tại sao tỷ lệ đang gia tăng. Theo Torrone: “Chúng tôi biết rằng có nhiều bệnh nhiễm trùng xảy ra mà không được chẩn đoán và điều trị. Sự can thiệp mà chúng tôi cần là thực sự có thể tăng khả năng sàng lọc thường xuyên cũng như khuyến khích mọi người phòng ngừa là chính. Một nguyên nhân gây sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh này có thể là do thay đổi hành vi tình dục, chẳng hạn như giảm số người sử dụng bao cao su”.
Theo kết quả từ Youth Risk Behavior Surveillance năm 2017, do CDC công bố năm ngoái, cho thấy trong số các học sinh trung học có hoạt động tình dục, tỷ lệ sử dụng bao cao su đã tăng từ 46,2% lên 62,8% trong khoảng năm 1991-2005 nhưng sau đó giảm từ 62,8% xuống còn 53,8% trong khoảng 2005-2017. Việc sử dụng bao cao su ở những người đàn ông quan hệ tình dục đồng tính cũng đã giảm nhiều theo một số nghiên cứu. Tuy nhiên theo các quan chức địa phương thì chính các yếu tố kinh tế xã hội cũng có thể ảnh hưởng đến việc gây nguy cơ cho nhiễm bệnh.
Sự cắt giảm tài trợ của chính phủ
David Harvey, Giám đốc điều hành của Liên minh STD Quốc gia, cho biết: “… Sự gia tăng mạnh mẽ của STDs phần lớn là do sự cắt giảm tài trợ của liên bang, tiểu bang và địa phương. Chẳng hạn trong năm 2012, 52% các chương trình STD của tiểu bang và địa phương đã bị cắt giảm ngân sách, giảm số giờ khám bệnh, theo dõi và sàng lọc các STD thông thường”. Các Giám đốc liên minh kêu gọi Quốc hội tăng tài trợ cho các dịch vụ phòng chống STD của CDC lên 70 triệu USD. Liên minh cũng kêu gọi Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (US Department of Health and Human Services) đảm bảo rằng Kế hoạch Hành động của Liên bang về các bệnh lây truyền qua đường tình dục sẽ được công bố vào đầu năm nay cần được hoàn thiện và thực hiện khẩn cấp. Bản phát hành được đề xuất cho Kế hoạch hành động liên bang phòng chống STD là đầu năm 2020.
Thiếu thuốc tiêm chủng phòng ngừa
Harvey cho biết: “Chúng tôi bị khủng hoảng STD ở Mỹ vì các thuốc thuộc chương trình phòng ngừa tiêm chủng đã bị bán bớt đi trong nhiều năm. Tuyến phòng thủ đầu tiên của chúng tôi bị thiếu hụt khiến người Mỹ dễ bị dịch STD. Trẻ sơ sinh chết vì các bệnh mà chúng ta có thể phòng ngừa được, như bệnh giang mai bẩm sinh, đó không phải là kết quả mà chúng ta có thể chấp nhận. Đây là một điều đau lòng cho đất nước của chúng ta. Và chúng ta chỉ có thể mong đợi mọi thứ đừng trở nên tồi tệ hơn”.
Một cách khác để giải quyết vấn đề này là tích cực phòng ngừa – và đối với nhiều bệnh truyền nhiễm, vắc-xin là biện pháp can thiệp y tế công cộng quan trọng nhất giúp giảm đáng kể tỷ lệ nhiễm trùng, ông nói. “Chúng tôi không có đủ vắc-xin cho bệnh giang mai, bệnh lậu và bệnh chlamydia. Đầu tư vào phát triển vắc-xin là một cách cụ thể để giúp chúng tôi kiểm soát các bệnh lây truyền qua đường tình dục”. Báo cáo của CDC mới nhất cho thấy tỷ lệ các trường hợp mắc bệnh lậu và chlamydia năm 2018 là cao nhất ở thanh thiếu niên và thanh niên, riêng bệnh giang mai nguyên phát và thứ phát là cao nhất ở người trưởng thành từ 25 đến 29 tuổi.
Cần tăng cường giáo dục giới tính cho lớp trẻ
Theo báo cáo mới nhất trong năm 2019, những người trẻ tuổi từ 15 đến 24 tuổi chiếm 1/2 số trường hợp mắc STD và cứ 1 trong 4 cô gái vị thành niên hoạt động tình dục có nhiễm bệnh.
Rob Stephenson, giáo sư và là Giám đốc của Center for Sexuality and Health Disparities tại ĐH Michigan phát biểu: “Thật đáng báo động về tình trạng bệnh lây qua đường tình dục đang tập trung ở những người trẻ tuổi và đối với tôi, điều đó thực sự nói lên sự cần thiết về vai trò trách nhiệm của chúng tôi trong việc giáo dục giới trẻ không chỉ là những điều cơ bản về giáo dục giới tính mà cần kết hợp cả giáo dục giới tính và giáo dục trong quan hệ tình dục”.