Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến một cuộc hôn nhân tốt đẹp, nhưng thường là những điều nhỏ nhặt, khó nhận biết khiến mối quan hệ xấu dần theo thời gian.
Trong khi đó, những điều chỉnh nhỏ sẽ giúp hôn nhân trở lại tốt đẹp như bạn hằng mong muốn. Để tránh tạo khoảng cách và sự bế tắc giữa hai vợ chồng, hãy “nhận diện” những mối đe dọa lớn nhất trong hôn nhân của bạn.
Những ưu tiên trong cuộc sống
Ở bất cứ lĩnh vực nào của cuộc sống, điều quan trọng là biết được những gì là ưu tiên, đặc biệt trong cuộc sống hôn nhân. Tuy nhiên, trong khi căng thẳng về mối quan hệ giữa hai vợ chồng lại ít, thì căng thẳng liên quan đến các mối quan hệ họ hàng của cả hai có xu hướng nhiều hơn.
Vai trò của người thân, bạn bè của bạn sẽ thay đổi bởi khi bạn kết hôn, bạn trở thành “một”, đã lựa chọn bạn đời ưu tiên hơn những người khác, cho dù bạn có nhận ra điều đó hay không.
Bạn đời sẽ không cảm thấy được yêu thương hoặc tôn trọng nếu không cảm thấy anh/cô ấy là ưu tiên đối với bạn, và thiếu ưu tiên sẽ khiến hôn nhân của bạn “lao đao”.
Trước những yêu cầu phải đối diện hằng ngày, các cặp vợ chồng có xu hướng bị “lôi kéo” theo nhiều hướng khác nhau, thay vì hướng về nhau, nên việc dành ưu tiên cho nhau là rất cần thiết. Vậy nên, để hôn nhân lành mạnh và hạnh phúc, hãy dành ưu tiên cho một người nhiều hơn tất cả những người khác.
Thiếu giao tiếp với nhau
Đây là một trong những yếu tố chính của mối quan hệ lành mạnh. Nhưng điều đáng ngại là trung bình các cặp vợ chồng chỉ dành vài phút mỗi ngày cho một cuộc nói chuyện chất lượng.
Nếu không thể nhận biết những ưu tiên, cuộc sống của bạn sẽ trở nên bận rộn, dễ dẫn đến việc ngưng kết nối với người bạn yêu thương.
Hãy luôn nhớ rằng, sự thiếu giao tiếp sẽ tạo ra ngờ vực, và ngược lại. Vậy nên, hãy bắt đầu giao tiếp và xây dựng niềm tin giữa hai vợ chồng.
Luôn sống cùng sự căng thẳng
Có câu: “Hãy mang tình yêu tốt nhất về ngôi nhà của bạn”. Điều này thật tuyệt vời nhưng phải mất nhiều công sức để thực hiện. Bạn có thể dễ dàng để trút mọi nỗi bực dọc của bạn lên bạn đời.
Và nếu không thận trọng, vô tình bạn có thể tạo thói quen mang chuyện bên ngoài về nhà và sau đó bùng phát căng thẳng với anh/cô ấy.
Trong khi đó, các cặp vợ chồng hòa hợp sẽ cùng nhau giải quyết căng thẳng bằng cách dựa vào nhau, chia sẻ vấn đề với nhau và luôn ở bên cạnh nhau.
Sự bất mãn
Bất mãn gần giống với ganh tỵ. Mặc dù không ganh tỵ với một người nào cụ thể nhưng bạn muốn ở một nơi nào khác, làm điều gì đó khác, hoặc có thứ gì đó khác nhiều hơn hoặc ở bên cạnh người khác nhiều hơn.
- Xem thêm: Sự ích kỷ trong hôn nhân
Tâm trí bạn không tập trung vào tình yêu và sự hy sinh dành cho bạn đời, để cuối cùng anh/cô ấy cảm thấy bị từ chối hoặc không được yêu thương.
Hãy xem bạn đời là một món quà của bạn. Càng trân trọng món quà, cuộc hôn nhân của bạn sẽ càng tốt đẹp hơn.
Tức giận và thất vọng
Một mối quan hệ bền chặt cần có sự tha thứ và khoan dung. Nếu thiếu những điều đó, sự tức giận và thất vọng sẽ len lỏi vào mối quan hệ của bạn.
Việc không thể kiểm soát tức giận và thất vọng, sẽ khiến hôn nhân tan vỡ. Khi xảy ra mâu thuẫn, bạn đời có thể không cố ý làm bạn bị tổn thương hoặc muốn khơi lại nỗi đau của bạn, do vậy hãy mở lòng và tha thứ cho nhau.
Không trung thực với người bạn đời
Một lời nói dối dù nhỏ cũng nguy hiểm và gây mất niềm tin giống như một lời nói dối lớn, bởi cả hai đều có ảnh hưởng tương tự đối với sự mật thiết vợ chồng.
Trong hôn nhân sự trung thực giống như sợi dây để giữ hai người lại với nhau. Thời điểm bạn bắt đầu loại bỏ các mối liên kết sợi dây sẽ bị tách rời.
Nếu bạn đã phạm sai lầm trong hôn nhân hoặc giấu giếm bạn đời điều gì, đây là lúc hãy trung thực và nói chuyện với anh/cô ấy một cách cởi mở.
Một mối quan hệ được xây dựng trên sự không trung thực sẽ không dẫn đến kết quả tốt đẹp nào cả. Trong khi đó, sự trung thực sẽ bắt đầu chữa lành và phục hồi mối quan hệ của bạn.