Người dân Nhật phải gánh chịu từ ba tai họa dồn dập là động đất, sóng thần và rò rỉ phóng xạ hạt nhân vào tháng 3-2011. Đặc biệt, tại làng chài Minami-sanriku, khi tai họa đã qua đi, hầu như không có gì còn nguyên vẹn. Lời cảnh báo được loan trên loa công cộng không cứu sống nổi hàng trăm người, nhiều ôtô nằm vắt vẻo trên ngọn cây sau khi nước rút đi.
Sau mỗi tai họa như vậy, mọi người mới nhận thức được rằng sự khôn ngoan của người xưa cũng quan trọng không kém gì công nghệ thời hiện đại. Khi đến đảo Honshu của Nhật Bản, du khách sẽ nhìn thấy ngôi đền cổ Daiou nằm trên một ngọn đồi cao, đó là kết quả việc làm cách nay nhiều thế kỷ của các nhà sư, biến ngôi đền luôn đứng vững trước tai họa thiên nhiên, đồng thời trở thành nơi tá túc của những dân làng vô gia cư. Ngày nay, đối phó với cơn thịnh nộ của thiên nhiên không đơn giản như xưa. Từ năm 1980 đến nay, thảm họa thiên nhiên gia tăng một cách đáng lo ngại và châu Á – Thái Bình Dương là khu vực bị tác động mạnh nhất. Các nhà nghiên cứu tính rằng trong 10 năm qua, mỗi cư dân châu Á có nguy cơ phải chịu đựng tai họa thiên nhiên nhiều gấp gần 30 lần một người đang sống ở châu Âu hay ở Mỹ.
Huấn luyện các giáo viên một trường đại học về việc xử lý tai họa thiên nhiên
Gần đây, giới học thuật quốc tế bắt đầu triển khai một dự án có tên “Disaster University” (tạm dịch: “Trường Đại học Tai họa”), thực chất là một diễn đàn toàn cầu nhằm chia sẻ những vấn đề liên quan đến thảm họa thiên nhiên, từ việc chuẩn bị đối phó đến quy hoạch đô thị nhằm giảm đến mức tối thiểu những thiệt hại về người và tài sản. Trong giai đoạn đầu của sáng kiến, với sự tài trợ của cơ quan USAID Mỹ, các phân khoa từ nhiều trường đại học ở Indonesia sẽ tham gia các khóa học tại Trường Đại học Hawaii trong các lĩnh vực cứu trợ nhân đạo và khắc phục tai họa. Qua năm sau, các học giả sẽ từ Hawaii đến thăm Indonesia để khảo sát chương trình hoạt động các trường đại học ở nước này. Sự liên kết giữa Indonesia và Hawaii thuận lợi ở chỗ cả hai có chung những nguy cơ đến từ thiên nhiên như núi lửa, sóng thần, mực nước biển dâng cao… Tuy nhiên chương trình của họ cũng có những đối tác ở Thái Lan, Nhật Bản và nhiều đảo quốc khác.
Trong những thập niên qua, sự đô thị hóa diễn ra quá nhanh khiến cho những tai họa thiên nhiên, dù với một cường độ vừa phải, cũng gây ra thiệt hại nặng nề. Điều này tạo nên một áp lực thường trực lên chính phủ các nước đang phát triển tại châu Á – Thái Bình Dương và đe dọa sự ổn định về chính trị, xã hội trong nước. Để giúp các chính phủ đáp ứng được những đòi hỏi của xã hội, chương trình giảng dạy của Trường Đại học Tai họa xây dựng trên một phương châm nền tảng “chia sẻ thông tin cứu nhiều mạng sống”. Khi trận sóng thần xảy ra vào tháng 12-2004, Indonesia chưa có một hệ thống cảnh báo về động đất đủ mạnh, khiến gần 250 ngàn người bỏ mạng, phần lớn ở nước này. Từ kinh nghiệm xương máu đó, chính quyền Indonesia đã lắp đặt một hệ thống phao xa bờ hoạt động với sự hỗ trợ của Trung tâm Cảnh báo Sóng thần Hawaii, đồng thời thiết lập một lộ trình di tản cho những thành phố có nhiều nguy cơ nhất. Trong lĩnh vực này, một lần nữa vai trò các tổ chức phi chính phủ được đề cao. Họ là những chiếc cầu nối giúp tạo được sự gắn kết giữa chính quyền và cư dân một nước.
Lê Nguyễn tổng hợp